Về Thăm Vương Quốc Cà Chua

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng tập quán trồng cà chua lâu đời, những năm trở lại đây, người dân Hải Hậu (Nam Định) đã coi cà chua là cây trồng mũi nhọn. Nhờ những cánh đồng cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm, Hải Hậu đã trở thành địa phương có sản lượng cà chua đứng đầu cả nước.
Trồng cà chua lãi gấp 10 lần trồng lúa
Hiện diện tích cà chua toàn huyện Hải Hậu lên tới 500ha. Ông Đỗ Văn Trình, người trồng cà chua lâu năm ở xóm 14, xã Hải Quang cho biết: “Vài năm trở lại đây, cà chua cho lãi cao. Với giá bán cao nhất từ 3.000 – 4.500 đồng/kg; tính ra 1 sào (360m2) cho thu nhập 5 triệu đồng, chưa kể những ngày giáp Tết được giá, có nhà thu hơn 10 triệu đồng/sào”. Cũng theo ông Trình, chưa khi nào cây cà chua lại trĩu quả, giá cao như vài năm gần đây, chất lượng quả cũng luôn đảm bảo.
Sở dĩ có thành công này là nhờ bà con đã lựa chọn được những loại giống tốt. Những giống cà chua đang được ưa chuộng tại đây là Savior của Công ty Syngenta, hoặc K002 của Công ty Bioseed Thăng Long... Đây là hai giống có khả năng chịu nhiệt cao, trồng được nhiều vụ trong năm, đặc biệt nếu trồng trái vụ, hiệu quả kinh tế cũng rất khả quan. Chất lượng quả đồng đều, màu sắc chín đỏ, ít hao hụt khi vận chuyển. Hai giống này còn có khả năng kháng bệnh vàng xoắn lá vi - rút cực mạnh.
Từ những hiệu quả trên mà hiện nay rất nhiều xã tại Hải Hậu đã đưa cà chua vào cơ cấu cây trồng chính. Tại Hải Tây, sản xuất vụ đông trên đất hai lúa đã đi vào tiềm thức của nông dân. Ðiều cuốn hút mọi người chính là nguồn thu lớn từ cà chua.
Nâng chất lượng và giá trị
Hiện nay, ngành nông nghiệp Nam Định đã tập trung chỉ đạo phát triển vụ đông theo hướng chất lượng và giá trị, với cơ cấu chủ yếu là các loại cây hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Diện tích các cây vụ đông của Nam Ðịnh trong những năm gần đây đạt khoảng 6.500ha, chiếm 35% tổng diện tích đất canh tác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quý Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Hậu cho biết: “Chúng tôi khuyến khích bà con đưa các cây trồng cho lợi nhuận cao vào sản xuất, đặc biệt cà chua và dưa chuột bao tử cho thu nhập ổn định từ 30 - 50 triệu đồng/ha”.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trên cơ sở hai vụ lúa ăn chắc, nếu tập trung phát triển cây vụ đông sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Vì vậy, tỉnh đã phát triển diện tích cà chua đông thành vùng nguyên liệu hàng hóa với diện tích hằng năm lên tới 1.000ha, cung cấp cho nhiều nhà máy, công ty lớn và hệ thống siêu thị bán lẻ trong cả nước.
Theo tính toán, năng suất trung bình của cà chua đông trên đồng đất Nam Ðịnh đạt 40 tấn/ha, tổng giá trị thu nhập là 80 triệu đồng/ha, trong khi chi phí khoảng 22 triệu đồng. Ngoài cà chua đông, cây bí xanh đá trong những năm gần đây cũng lên ngôi. Chi phí sản xuất thấp (tiền giống và vật tư từ 8 - 10 triệu đồng/ha), trong khi tổng giá trị thu nhập luôn đạt ngưỡng 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Nam Định cũng đang đầu tư phát triển mạnh nhóm cây rau, quả truyền thống để tiêu thụ trong nước với diện tích khoảng 5.000ha, gồm các cây chủ lực như khoai tây (diện tích từ 3.500 - 4.000 ha), bí xanh (1.200 - 1.300 ha). Lợi nhuận từ sản xuất hai loại cây trồng chính này rất cao, bí xanh đạt 30 - 40 triệu đồng/ha, khoai tây 20 - 30 triệu đồng/ha.
Có thể bạn quan tâm

Mức độ lây lan của nhóm này rất nhanh, có sức tàn phá ghê gớm, có thể dẫn đến huỷ diệt cả vùng cây lớn nhưng rất khó phòng trị vì chúng nằm sâu bên trong cành, thân, gốc cây thuốc hóa học không thể thấm vào bên trong được vì vậy việc phun thuốc trừ sâu hóa học hoàn toàn không có hiệu quả.

Đầu tháng 5/2012, chúng tôi có dịp qua Campuchia. Mặc dù mới chỉ bắt đầu vào vụ SX lúa mùa, nhưng thị trường phân bón nước này đã rất sôi động.

Không chỉ làm ăn giỏi, anh Sơn còn được biết đến như một Mạnh Thường Quân. Hàng năm, anh trích ra 150 triệu đồng cho hội viên nghèo vay không lấy lãi để phát triển kinh tế và nhận giúp đỡ một hộ thoát nghèo.

Đầu vụ năm nay, giá dưa hấu nằm ở mức cao, dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg thì nay chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Dù lỗ nhưng nhiều hộ vẫn phải ngậm ngùi bán sản phẩm để đầu tư cho vụ sau hoặc chuyển sang trồng cây nông nghiệp khác.

Theo sử sách cổ ghi lại: Vào thời Hùng Vương thứ ba, niên hiệu là Hùng Quốc Vương, có một ngư dân làm nghề chài lưới ở khu vực ngã ba sông Việt Trì, nơi tụ hội của ba con sông lớn chảy từ vùng núi phía Bắc, đó là sông Thao, sông Lô và sông Đà. Bắt đầu từ đây người ta gọi là sông Cái hay sông Hồng.