Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Về Ia Kly Gặp Đại Gia Sầu Riêng

Về Ia Kly Gặp Đại Gia Sầu Riêng
Ngày đăng: 27/05/2013

(GLO)- Một lần ra chợ chọn mua quả sầu riêng đẹp, tôi được người bán hàng nhanh nhảu giới thiệu: “Đây là sầu riêng vườn ông Ri nên anh cứ yên tâm về chất lượng”. Tính tò mò đã dẫn tôi đến làng Klã, xã Ia Kly, huyện Chư Prông “mục sở thị” nhân vật có tên Ri và vườn sầu riêng mang tên anh.

Anh tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Ri (SN 1971), định cư ở Gia Lai vào năm 1999. Với khởi điểm lưng vốn gần 100 triệu đồng, vợ chồng anh mua được 2,5 ha đất đầu tư trồng cây cà phê và sầu riêng hạt truyền thống. Một năm sau, qua các phương tiện thông tin, anh Ri biết đến giống sầu riêng Thái Lan có tên Moõn Thoang với nhiều ưu điểm vượt trội như: sống khỏe, năng suất trái cao; múi cơm dày, ít bị sượng lại hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tây Nguyên. Nhờ vào 10 triệu đồng vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, anh lặn lội lên trại giống cây trồng Đồng Tiến (TP. Hồ Chí Minh) mua được 200 cây giống, trồng thay vào phần lớn các hố gốc cũ dù đã tròn năm tuổi.

Sau 4 năm cây cho trái chiến, năm thứ 5 cho trái bói và thu hoạch ổn định từ năm thứ 7 với sản lượng bình quân 100 kg/cây. Đến năm thứ 10 trở đi, mỗi cây sầu riêng vườn nhà anh cho sản lượng gấp đôi, tức là khoảng 200 kg/cây-cái mức mà các loại sầu riêng khác có mơ cũng không thấy! Hiện vườn nhà anh Ri đã có đến 600 cây sầu riêng thuần giống Moõn Thoang, trong đó có 300 cây đang cho thu hoạch (số cây giống sau này anh mua ở Viện Cây ăn quả miền Nam). Ước tính trong năm 2013, anh thu được chừng 60 tấn. Nếu xuất cho thương lái theo kiểu “tiền tươi thóc thật” tại vườn với giá 20 ngàn đồng/kg như hiện nay, làm phép tính nhân, anh được 1,2 tỷ đồng.

Tiền đề cho động lực đi lên từ cây công nghiệp dài ngày, anh Ri cho biết: “Sinh ra ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, đang học dở năm lớp 3 thì gia cảnh “có vấn đề” đã phải theo cha rong ruổi sống nay đây mai đó, kiếm ăn từ tấm bé với đủ thứ nghề: mót lúa, mua bán ve chai, bán cà-rem… Gặp vợ đồng cảnh ngộ, rủ nhau lên Đak Lak lập nghiệp bằng lao động phổ thông và trồng cây cà phê. Tuy thế, hình ảnh cây sầu riêng và thấy người ta thu nhập từ nó những tháng ngày ở Nam bộ cứ ám ảnh cho đến khi có điều kiện là tôi bắt tay vào cuộc ngay”.

Khi hỏi về bí quyết chăm trồng loại cây này, anh Ri đưa tay về phía người đàn ông tuổi chừng ngoài 30 tuổi, được giới thiệu tên Nguyễn Văn Đa, “chuyên gia kỹ thuật” được anh thuê với giá 50 triệu đồng/tháng (chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi vào mùa thu hoạch trong năm), đến từ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Theo anh Đa, kỹ thuật chăm sóc thì không thể kể bằng lời mà phải nhìn tận mắt, sờ tận tay từng cây, từng vườn, từng vùng… mà có cách xử lý riêng nhưng cái chính là tưới nước nhiều vào mùa khô.

Anh Ri cho biết, vườn sầu riêng nhà anh suốt mùa khô phải tưới từ 18 đến 20 lượt, trong khi đó nếu so với cây cà phê thì chỉ tưới có 3 lượt. Việc tưới nước nhiều lần như vậy là nhằm cho cây ra lá tốt ngay trong thời điểm khô hạn, tránh tình trạng đến khi gặp mưa rào đầu mùa lại thi nhau đâm chồi, cho nụ nhưng hoa bị rụng rơi hết. Thế nhưng làm sao cho cây đậu trái, cho quả đẹp vẫn là bí quyết của mỗi chủ vườn. Nhưng trên hết là tình yêu, niềm đam mê với cây trồng: “Ngày nắng cũng như mưa tôi đều ra vườn để nắm bắt thực tế mà có cách xử lý kịp thời”- anh Ri nói.

Về tên gọi sầu riêng ông Ri, chủ nhân tự nhận xét: “Tuy chưa  xây dựng thương hiệu sản phẩm nhưng trái sầu riêng vườn nhà được thương lái trong tỉnh và các tỉnh Đak Lak, Đà Nẵng, Bình Định đến mua. Được tiếng có vị ngọt dịu, cơm dày, hương thơm và hầu như không có tình trạng múi sượng nên người mua yên tâm. Thêm vào đó, quả chín vẫn có màu da xanh nhạt, trọng lượng đều chỉ từ 2 kg đến 4 kg/quả vừa bắt mắt lại rất hợp với túi tiền người mua”. Dự báo về thị trường trái sầu riêng ở nước ta trong tương lai, anh Ri lo lắng: “Khi mà hàng rào phi thuế quan sản phẩm nông nghiệp bị phá bỏ, thị trường trong nước sẽ là của người Thái, vì chúng ta khó cạnh tranh nổi với họ về chất lượng cũng như giá thành”.

Ngoài vườn sầu riêng, anh Ri còn sở hữu 2.600 gốc cà phê kinh doanh, 2.300 trụ tiêu hơn 1 năm tuổi. Ông Lưu Hoài Hưng-Trạm Khuyến nông huyện đi cùng chúng tôi cho biết: “Năm 2009, anh Nguyễn Xuân Ri được giải nhất vườn cà phê đẹp của tỉnh”. Nghe vậy, anh lại cười: “Kể ra làm gì kẻo các đàn anh trong nghề cà phê lại cho là mình múa rìu…”.


Có thể bạn quan tâm

3 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới Người Dân Mong Chờ Điều Gì? 3 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới Người Dân Mong Chờ Điều Gì?

Theo dự kiến, một trong những nội dung mà Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội là vấn đề xây dựng nông thôn mới (NTM) sau gần 3 năm triển khai thực hiện.

12/06/2013
Tăng Trồng Màu Để Giảm Áp Lực Cho Cây Lúa Tăng Trồng Màu Để Giảm Áp Lực Cho Cây Lúa

Việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng màu dù đã được Chính phủ và Bộ NNPTNT chủ trương thực hiện từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn ì ạch. Thậm chí, diện tích màu đang ngày càng giảm mạnh.

12/06/2013
Những Mô Hình Cải Tạo Cà Phê Vối Những Mô Hình Cải Tạo Cà Phê Vối

Cải tạo diện tích cà phê vối (cà phê robusta) già cỗi, năng suất thấp bằng biện pháp ghép cành, ghép chồi đang được Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng và các địa phương có diện tích cà phê lớn trong tỉnh quan tâm. Từ kết quả đã đạt được những năm gần đây, Bảo Lâm đang là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về công tác này, và đã xuất hiện không ít mô hình cải tạo cà phê bằng biện pháp này có kết quả cao cả về kinh tế lẫn xã hội.

12/06/2013
Mô Hình Nuôi Sò Huyết Trong Ao Đất Tại Xã Dân Thành (Trà Vinh) Mô Hình Nuôi Sò Huyết Trong Ao Đất Tại Xã Dân Thành (Trà Vinh)

Có dịp được tận mắt nhìn thấy những ao, đầm nuôi sò huyết của người dân ở vùng Tân Biên, Kiên Giang cho lợi nhuận rất cao, năm 2010 anh Võ Văn Sóng, ấp Cồn Cù, xã Dân Thành (Trà Vinh) quyết định nuôi thử nghiệm con sò huyết trong ao đất. Kết quả qua 3 vụ nuôi đều thành công, mang về cho gia đình lợi nhuận vài chục triệu đồng sau mỗi vụ nuôi.

13/06/2013
Tưới Phun Mưa Trên Đất Trồng Rau Tưới Phun Mưa Trên Đất Trồng Rau

Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình (Quảng Nam) phối hợp với tổ chức Phát triển quốc tế (IDE) tại Việt Nam hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa để nâng cao năng suất rau màu, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

13/06/2013