Vắng Vẻ Chợ Nông Thôn Mới

Được đưa vào sử dụng chưa lâu, ngôi chợ xây theo Chương trình nông thôn mới tại xã Phước Chánh (Phước Sơn) đang trong tình trạng đìu hiu, vắng khách.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình nông thôn mới tại xã điểm Phước Chánh, UBND huyện Phước Sơn đã ưu tiên đầu tư xây dựng chợ vùng cao Phước Chánh từ nguồn vốn Chương trình 30a với tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Chợ tọa lạc ngay trục đường chính đi lên các xã vùng cao Phước Sơn, nhưng vẫn ít người đến mua bán dù đang giữa buổi sáng - buổi chính của chợ. Trong chợ chỉ lèo tèo vài hộ kinh doanh áo quần, nhưng vắng khách hàng.
Cách chợ vài chục mét có rất nhiều hàng quán buôn bán. Chị Hồ Thị Vân, tiểu thương ở xã Phước Chánh cho biết: “Có chợ mới, buôn bán cũng sướng, nhưng chưa có ai vào, một mình mình vào thì bán cho ai. Nhà sát mặt đường, mở hàng bán tại nhà vừa bán vừa trông nhà. Để hàng trong chợ không có ai trông coi, tôi rất sợ mất”.
Ông Hồ Văn Thịnh làm bảo vệ khu chợ Phước Chánh này, nói: “Dân không vào họp chợ là cũng có lý do cả. Trước đây, khi chưa có chợ, một số hộ đã làm ki - ốt, lán kinh doanh ổn định tại nhà, hoặc dùng xe máy đi rao bán, dần dần người dân quen mua bán kiểu phục vụ tận nơi nên ở đây người ta cũng không cần chợ nữa”.
Ông Trần Thanh Tân, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phước Sơn cho biết, huyện xây dựng chợ vùng cao Phước Chánh rất khang trang, và đã bàn giao lại cho xã quản lý.
Những ngày mới khai trương, không khí buôn bán khá tấp nập, đã có 11 hộ tiểu thương đăng ký vào họp chợ, có nhiều người tới mua bán hàng hóa. Thế nhưng qua một năm đi vào hoạt động, chợ lại trong tình trạng đìu hiu, vắng khách. UBND xã có trách nhiệm phải kêu gọi tiểu thương vào chợ buôn bán, vận động cho người dân có thói quen mua bán tại chợ để phát huy hết hiệu quả của một chợ nông thôn mới. Hiện tại chợ đang càng ngày càng xuống cấp do thiếu sự quan tâm, bảo vệ.
Ông Võ Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, việc xây dựng khu chợ vùng cao Phước Chánh xét từ nhu cầu cấp thiết của hơn 3.000 người dân của xã và các xã vùng cao của Phước Sơn, với mục tiêu xây dựng chợ ở miền núi để phát triển giao thương, tạo thuận lợi cho bà con mua bán hàng hóa. Theo đánh giá của xã thì chợ mới này sẽ phát huy hiệu quả vì bám mặt đường, thuận lợi cho giao thương ngày càng tăng. Thế nhưng thực tế lại chưa thu hút được tiểu thương và người mua.
Nguyên nhân chủ yếu là thói quen mua bán nhỏ lẻ, không tập trung của người dân. Để thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao là một quá trình lâu dài. “Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền, họp dân, đồng thời thay đổi cách quản lý, miễn nộp thuế và đóng sạp hàng sẵn để người dân vào kinh doanh buôn bán, tạo không khí tấp nập, có người bán ắt sẽ có người mua” - ông Hưng nói.
Nguồn bài viết: http://baoquangnam.com.vn/kinh-te/thoi-su-kinh-te/201412/vang-ve-cho-nong-thon-moi-568611/
Có thể bạn quan tâm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện “Chiến dịch phòng, chống bệnh chổi rồng trên nhãn” theo nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vụ Xuân năm nay, huyện Bắc Quang thực hiện gieo cấy trên 2.900 ha lúa. Đến nay, đã có 1.816,1 ha mạ đã được gieo để chuẩn bị cấy lúa Xuân. Đặc biệt, khi làm đất gieo mạ, người dân chú trọng công tác đầu tư thâm canh bằng cách bón lót phân chuồng, phân lân hoặc bón vôi cho những diện tích ruộng đã đến chu kỳ bón vôi cải tạo.

Nhằm đáp ứng nhu cầu chưng mâm ngũ quả ngày tết và mong muốn bán được giá cao, nhiều nhà vườn trồng xoài trên địa bàn tỉnh đã tập trung xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ để bán vào dịp Tết Ất Mùi năm 2015. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất vụ xoài năm nay bị giảm đáng kể, có không ít nhà vườn phải “lỗi hẹn” với mùa xoài tết trong sự tiếc nuối.

Ngay khi vừa thu hoạch mía, ông Nguyễn Chánh ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đã không một chút đắn đo khi phá bỏ ruộng mía để trồng mì, tỉa đậu. Ông Chánh là một nông dân gắn bó lâu đời với cây mía mấy chục năm qua, chẳng còn thiết tha với cây mía.

Với mục đích liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, con giống; trao đổi những kinh nghiệm hay, cùng hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… những người cùng chung nghề chăn nuôi đã tìm đến với nhau để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao.