Vắng Vẻ Chợ Nông Thôn Mới

Được đưa vào sử dụng chưa lâu, ngôi chợ xây theo Chương trình nông thôn mới tại xã Phước Chánh (Phước Sơn) đang trong tình trạng đìu hiu, vắng khách.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình nông thôn mới tại xã điểm Phước Chánh, UBND huyện Phước Sơn đã ưu tiên đầu tư xây dựng chợ vùng cao Phước Chánh từ nguồn vốn Chương trình 30a với tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Chợ tọa lạc ngay trục đường chính đi lên các xã vùng cao Phước Sơn, nhưng vẫn ít người đến mua bán dù đang giữa buổi sáng - buổi chính của chợ. Trong chợ chỉ lèo tèo vài hộ kinh doanh áo quần, nhưng vắng khách hàng.
Cách chợ vài chục mét có rất nhiều hàng quán buôn bán. Chị Hồ Thị Vân, tiểu thương ở xã Phước Chánh cho biết: “Có chợ mới, buôn bán cũng sướng, nhưng chưa có ai vào, một mình mình vào thì bán cho ai. Nhà sát mặt đường, mở hàng bán tại nhà vừa bán vừa trông nhà. Để hàng trong chợ không có ai trông coi, tôi rất sợ mất”.
Ông Hồ Văn Thịnh làm bảo vệ khu chợ Phước Chánh này, nói: “Dân không vào họp chợ là cũng có lý do cả. Trước đây, khi chưa có chợ, một số hộ đã làm ki - ốt, lán kinh doanh ổn định tại nhà, hoặc dùng xe máy đi rao bán, dần dần người dân quen mua bán kiểu phục vụ tận nơi nên ở đây người ta cũng không cần chợ nữa”.
Ông Trần Thanh Tân, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phước Sơn cho biết, huyện xây dựng chợ vùng cao Phước Chánh rất khang trang, và đã bàn giao lại cho xã quản lý.
Những ngày mới khai trương, không khí buôn bán khá tấp nập, đã có 11 hộ tiểu thương đăng ký vào họp chợ, có nhiều người tới mua bán hàng hóa. Thế nhưng qua một năm đi vào hoạt động, chợ lại trong tình trạng đìu hiu, vắng khách. UBND xã có trách nhiệm phải kêu gọi tiểu thương vào chợ buôn bán, vận động cho người dân có thói quen mua bán tại chợ để phát huy hết hiệu quả của một chợ nông thôn mới. Hiện tại chợ đang càng ngày càng xuống cấp do thiếu sự quan tâm, bảo vệ.
Ông Võ Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, việc xây dựng khu chợ vùng cao Phước Chánh xét từ nhu cầu cấp thiết của hơn 3.000 người dân của xã và các xã vùng cao của Phước Sơn, với mục tiêu xây dựng chợ ở miền núi để phát triển giao thương, tạo thuận lợi cho bà con mua bán hàng hóa. Theo đánh giá của xã thì chợ mới này sẽ phát huy hiệu quả vì bám mặt đường, thuận lợi cho giao thương ngày càng tăng. Thế nhưng thực tế lại chưa thu hút được tiểu thương và người mua.
Nguyên nhân chủ yếu là thói quen mua bán nhỏ lẻ, không tập trung của người dân. Để thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao là một quá trình lâu dài. “Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền, họp dân, đồng thời thay đổi cách quản lý, miễn nộp thuế và đóng sạp hàng sẵn để người dân vào kinh doanh buôn bán, tạo không khí tấp nập, có người bán ắt sẽ có người mua” - ông Hưng nói.
Nguồn bài viết: http://baoquangnam.com.vn/kinh-te/thoi-su-kinh-te/201412/vang-ve-cho-nong-thon-moi-568611/
Có thể bạn quan tâm

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 1.200 hộ dân phát triển nghề đặt trúm truyền thống. Đây là nghề ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay.

Ruộng đồng khô hạn kéo dài và chuột cắn lúa non trên diện rộng khiến nhiều nông dân tại miền Trung bỏ lúa trồng các loại hoa màu chịu hạn để mong có cái ăn, cái mặc. Cùng lúc, nông dân Trần Văn Cạn, thôn Nam Phù, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế có cách diệt chuột độc đáo đang được nhân rộng.

Anh Trần Quốc Việt, cư ngụ tại ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) là người thành công với mô hình đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diện tích gần 05 ha. Nhờ biết tận dụng diện tích đất sẵn có và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm nên anh đã thực hiện mô hình sản xuất tổng hợp: 02 vụ tôm sú kết hợp 01 vụ cua, cá rô phi; 01 vụ lúa kết hợp với tôm càng xanh; nuôi cá sấu, cá bống tượng, mỗi năm thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng.

Gia đình anh Châu Văn Phương ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre có truyền thống trồng mía, nhưng mấy năm nay giá cả bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn. Được sự tư vấn của trạm khuyến nông huyện, anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại giống ớt sừng vàng châu Phi ngắn ngày cho thu nhập nhanh, giá bán cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Quảng Bình đã nhập nuôi khảo nghiệm và nhân giống thành công gà Sao thương phẩm (hay còn gọi là sao Lôi, gà Nhật, gà Phi hay chim trĩ châu Phi).