Vẫn đầu tư lớn vào chăn nuôi

Tuy nhiên tại Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước và cả ngoài nước (FDI) vẫn tìm thấy những cơ hội lớn và đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, tiếp đến là liên kết với các trang trại mở rộng chăn nuôi.
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nhà máy của Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (Khu công nghiệp Dầu Giây, huyện Thống Nhất).
Hiện ngành chăn nuôi tại Đồng Nai đang có sự chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng công nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Đây là sự chuyển đổi cần thiết để tăng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước khi bước vào hội nhập.
* Thêm dự án lớn
Ông Kim Sung Kang, Giám đốc Công ty TNHH CJ Vina Agri, cho biết:
“Sau khi nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có công suất gần 300 ngàn tấn/năm ở Khu công nghiệp Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ liên kết với các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đầu tư vào chăn nuôi.
Đích đến trong tương lai của CJ Vina Agri là xây dựng chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn”.
Công ty TNHH CJ Vina Agri thuộc Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, tập đoàn này đang dự kiến đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt và chế biến tại Đồng Nai.
Hiện tập đoàn này đã liên kết trồng ớt, cải thảo với nông dân 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận.
Mới đây, Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh, doanh nghiệp “nội” chăn nuôi gà thịt lớn nhất tại Đồng Nai, đã khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi khoảng 180 tỷ đồng với công suất 200 ngàn tấn/năm tại Khu công nghiệp Dầu Giây.
“Công ty đầu tư thêm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm cung cấp cho các trang trại vệ tinh để mở rộng mạng lưới chăn nuôi gà thịt cung ứng cho thị trường.
Hiện nay, gà thịt của công ty đã vào tất cả các hệ thống siêu thị lớn: BigC, Metro, Co.op Mart, Aeon, Vinmart” - ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh chia sẻ.
Để tăng khả năng cạnh tranh trong thời hội nhập khi thịt ngoại giá rẻ tràn ngập thị trường, Bình Minh đã xây dựng quy trình chăn nuôi gà khép kín chủ động từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ và đưa sản phẩm ra thị trường.
* Cạnh tranh bằng chất lượng
Vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm luôn được các nhà đầu tư cho là yếu tố sống còn của ngành chăn nuôi khi bước vào hội nhập.
Ông Kiều Minh Lực, đại diện của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết:
“Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, mà còn làm phương hại đến uy tín và năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Gần đây, C.P tổ chức kiểm tra chất cấm trong sản phẩm heo xuất trại và đưa ra cam kết với người tiêu dùng: tất cả các sản phẩm thịt tươi sống và thực phẩm chế biến có nhãn hiệu C.P hoàn toàn không chứa chất tạo nạc hay bất kỳ hóa chất nào nằm trong danh mục chất cấm của Cục Chăn nuôi”.
Hiện C.P đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thực phẩm chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển hệ thống phân phối để đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Chia sẻ về giải pháp tăng sức cạnh tranh cho chăn nuôi nội địa, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH San Hà (TP.Hồ Chí Minh), cho rằng DN và nông dân cần bắt tay xây dựng chuỗi liên kết chuyên môn hóa từ khâu con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi đến giết mổ, phân phối…
Trong chuỗi liên kết này, mỗi đối tượng phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình để làm tốt, đảm bảo kiểm soát hiệu quả nguồn gốc, chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Theo bà Hà: “San Hà đang liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Phú Ngọc (huyện Định Quán) để sản xuất gà thảo dược.
Đây là một lợi thế chỉ có DN “thổ địa” mới khai thác được để tạo ra đặc sản riêng nhằm tăng sức cạnh tranh khi tham gia thị trường”.
Theo ông Sakagami Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của nhiều DN Nhật Bản.
Đồng Nai là tỉnh có chăn nuôi, trồng trọt phát triển, vì thế trong thời gian tới hiệp hội sẽ làm trung gian giới thiệu cho các DN Nhật Bản đến đầu tư vào cả lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt lẫn công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù giá XK cá tra sang Thái Lan tăng nhưng đây chỉ là giá sản phẩm phile đông lạnh. Năm 2014, Việt Nam không XK cá tra phile ướp lạnh, tươi sang thị trường này, trong khi năm 2013 Việt Nam XK gần 30 tấn mặt hàng này sang thị trường Thái Lan.

Tôm có vị thế đó vì duy trì tỷ trọng trên 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Năm 2014, tôm Việt Nam có mặt tại 15 thị trường thống kê được danh tính, nghĩa là còn một số địa chỉ khác gộp vào nhóm “các thị trường khác”. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam với 22% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, trong khi chiếm gần 30% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Về trị giá, xuất khẩu tôm vào Mỹ hơn xuất khẩu sang Nhật Bản xếp thứ 2 gần 9% và xếp thứ 3 là khối EU khoảng 10% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã, chúng tôi tìm đến ấp Tây Bình, vừa rẽ vào con kênh ở ấp để hỏi thăm đến nhà một hộ nuôi rắn từ chương trình, thì một phụ nữ chạy ra hỏi: “Hai chú mua rắn hả, nhiều hay ít…”. Qua đó, cũng đủ biết các hộ nuôi rắn ở đây ngóng chờ người mua như thế nào.

Năm 2014, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng trên địa bàn Hà Nội vẫn cơ bản được kiểm soát. Đặc biệt, trong năm, Hà Nội không xảy ra ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của chính quyền và các cơ quan chuyên môn, các hộ chăn nuôi gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) đã chủ động thực hiện tái đàn, làm tốt quy trình chăm sóc và đa dạng hóa các sản phẩm nên sản lượng, chất lượng đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của thị trường.