Vải thiều cực sớm giá cao, 30 nghìn đồng/kg

Đến thăm vườn vải thiều của gia đình bà Hoàng Thị Sáu, thôn Hòa Sơn, xã Cao Thượng vào một ngày giữa tháng 5, trong khi các cây vải khác quả vẫn còn xanh thì những cây vải cực sớm đã chín đỏ. Bà Sáu cho biết: “Gia đình tôi có ba cây vải cực sớm, vụ này thu được khoảng 3 triệu đồng”. Nếm thử trái vải đầu vụ, chúng tôi thấy hạt nhỏ, cùi dày có vị ngọt thanh.
Với 9 cây vải cực sớm, hộ ông Hoàng Văn Thái, thôn Hòa Làng, xã Phúc Hòa thu được gần hai tạ quả, giá 30 nghìn đồng/kg. Ông Thái chia sẻ: “Năm nay, do thiếu nước nên quả nhỏ hơn, quả thưa, bình quân được khoảng 20 kg/cây”.
Tương tự, hộ ông Hà Huy Bộ, thôn Thái Hòa, xã Phúc Hòa có 20/30 cây cho quả. Toàn bộ số vải này đã được thương nhân ở Lào Cai đặt mua cả vườn với giá bình quân 28 - 30 nghìn đồng/kg. Dự kiến, lứa vải này ông Bộ thu được hơn một tấn quả, trừ chi phí lãi gần 30 triệu đồng. Theo ông Bộ, chăm sóc giống vải cực sớm không khác so với vải sớm hay chính vụ. Giai đoạn vải mới ra hoa cần chú ý phòng trừ sâu cuốn lá, sâu đo. Khi quả nhỏ thì quan tâm diệt sâu đục cuống quả, bón phân cân đối.
Ông Dương Văn Cường, cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa cho biết: “Trước đây nhà nào trong xã cũng trồng vải cực sớm. Giống vải này do người dân lấy mắt của cây vải sớm ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh) ghép trên gốc vải chính vụ. Dù giá bán cao hơn vải sớm từ 8 - 10 nghìn đồng/kg nhưng năng suất không ổn định, quả thường bị nứt nên người dân đã phá bỏ hàng loạt”. Đến nay nhà nhiều còn khoảng 20 - 30 cây, nhà ít thì vài cây, có nhà không giữ lại cây nào. Bên cạnh đó, nếu không khoanh vỏ cành đúng thời điểm thì vải cực sớm sẽ chín trùng vào thời điểm với vải sớm hoặc cây không cho quả. Năm 2014, nhuận hai tháng 9 nhưng một số chủ vườn không để ý, khoanh vỏ cành sớm khiến vải ra lộc mà không có hoa.
Mặc dù vải cực sớm khó chăm sóc và năng suất không cao nhưng đây là lợi thế để có thể rải vụ thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhà vườn mong muốn cán bộ chuyên môn nghiên cứu, hỗ trợ biện pháp khắc phục những hạn chế, nhất là cách chăm sóc để tránh hiện tượng nứt quả, nâng cao hơn nữa giá trị vải cực sớm.
Có thể bạn quan tâm

UBND huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) liên kết với Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo đề tài xây dựng quy trình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham dự hội thảo có đại diện Trung tâm chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản vùng 6; Trường Đại học Cần Thơ cùng một số nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và gần 100 nông dân ở 5 xã cù lao và xã Bình Thành, huyện Thanh Bình.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ thuốc, hướng dẫn nông dân phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Thế nhưng, kết quả mang lại chưa như mong muốn. Dịch bệnh cứ tái đi, tái lại làm cho nhà vườn bất an, thậm chí có nơi đã nản lòng và quyết định đốn bỏ đến gần 50% diện tích.

Tại các nhà vườn TX.Long Khánh, Xuân Lộc và Thống Nhất (Đồng Nai), giá chôm chôm hiện đã giảm từ 2-6 ngàn đồng/kg so với những ngày đầu tháng 6-2014. Cụ thể, giá chôm chôm thường bán tại vườn hiện chỉ còn 4-5 ngàn đồng/kg (giảm 2-3 ngàn đồng); chôm chôm giống Thái Lan và chôm chôm nhãn chỉ còn 10-12 ngàn đồng/kg (giảm 5-6 ngàn đồng/kg).

Trong thời gian gần đây, khi thanh long chính vụ bước vào thời kỳ rộ, nhiều nông dân trồng thanh long trên địa bàn một số xã thuộc huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã bán búp thanh long cho một số điểm thu mua được đặt tại địa phương. Tại sao lại có hiện tượng này?

Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Ấn Độ, thành công trong xuất khẩu gạo của Ấn Độ dựa trên ba yếu tố. Đó là chất lượng gạo Basmati đứng hàng đầu, diện tích trồng lúa nhiều nhất thế giới (7 triệu ha) và gạo Non-basmati có giá cả cạnh tranh.