Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vài Nét Về Người Tạo Dựng Thương Hiệu Sầu Riêng Ba Đảo

Vài Nét Về Người Tạo Dựng Thương Hiệu Sầu Riêng Ba Đảo
Ngày đăng: 26/12/2013

Có thể gọi ông Trương Văn Đảo (Ba Đảo), 63 tuổi, ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (thị xã Phước Long - Bình Phước) là nông dân hiện đại, bởi không chỉ tâm huyết với nghề, ông còn xây dựng cho sản phẩm của mình thương hiệu riêng mang tên “sầu riêng Ba Đảo”. Hiện, sầu riêng của ông được bày bán tại hệ thống siêu thị Metro Cash&Carry và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Xây dựng thương hiệu

Năm 1995, ông Đảo rời quê hương Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) lên Bình Phước lập nghiệp. Nhận thấy đất đai ở thôn Bàu Nghé phù hợp cho việc trồng trọt, ông chọn và mua 20ha đất, bắt tay vào trồng 8ha sầu riêng, diện tích còn lại trồng cao su. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên vườn sầu riêng của ông bị bệnh rồi chết dần.

Để có kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc sầu riêng, ông Đảo quyết định xuống Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam “tầm sư học đạo”. Đến năm 2001, vườn sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch, năng suất ngày một cải thiện. Không những có tiền trả nợ ngân hàng, ông còn mua thêm đất để trồng cao su.

Ngoài ra, ông còn cất công tìm hiểu rất kỹ về giống cũng như quy trình chăm sóc. Cuối cùng ông quyết định chọn giống sầu riêng Chín Hóa, vì chất lượng thơm ngon, múi không bị sượng, tỷ lệ hạt lép chiếm trên 80%.

Để sản phẩm có đầu ra ổn định, lợi nhuận cao, nhà vườn phải biết gây dựng uy tín và chất lượng sản phẩm. Với suy nghĩ đó, ông Ba Đảo luôn lắng nghe mọi ý kiến đóng góp từ khách hàng. Khi có bất kỳ phàn nàn nào về sầu riêng Ba Đảo, ông đều cử người đến kiểm tra, xin lỗi khách hàng và đền bù hợp lý để bà con không bị thiệt.

Năm 2010, ông phải đền cho khách hàng hơn 1 tấn sầu riêng vì người làm công sơ suất, hái nhầm sầu riêng chưa chín. Chính từ việc gây dựng được uy tín và lòng tin nên sầu riêng Ba Đảo thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện, ông đã lập trang web riêng để mở rộng giao dịch và giới thiệu thương hiệu “sầu riêng Ba Đảo”.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật

Theo ông Ba Đảo, để phát triển sản xuất bền vững, nhất thiết phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Ngoài ra, để sầu riêng sinh trưởng tốt, khi trồng cần tạo hệ thống thoát nước, giúp vườn cây không bị úng. Mỗi hố đất cần bót lót 0,5kg phân chuồng, các loại lá hoai mục hay phân HUMIX để giúp đất tơi xốp, kích thích rễ phát triển.

Khi cây đã bén rễ, pha 1 muỗng canh phân NPK 20-20-15 trong thùng 10 lít nước, tưới đều cho mỗi gốc, định kỳ hai tháng tưới một lần, kết hợp dùng thêm phân bón lá, chủ động phòng trừ sâu bệnh. Khi cây được hai năm tuổi, bắt đầu dùng phân bón gốc, chia làm bốn lần bón trong năm, mỗi lần bón 250g NPK 20-20-15/cây vào các đợt đọt đã già. Để tiện cho việc tưới nước, ông Ba Đảo xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây.

Cũng theo ông Ba Đảo, các bệnh thường gặp trên cây sầu riêng gồm: thán thư, cháy và rụng lá, đặc biệt là bệnh xì mủ rất khó trị. Biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu nhất là chế độ chăm sóc dinh dưỡng hợp lý để cây luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, sầu riêng luôn bị các loại sâu đục thân phá hoại, nếu không phát hiện kịp thời cây sẽ chết. Ông phòng trị bằng cách khoan khoảng 10 lỗ vào những thân cây có sâu phá hoại rồi nhỏ thuốc vào để sâu bò ra ngoài.

Khi thu hoạch xong sầu riêng, cần tiến hành tỉa cành, xới gốc, tưới thuốc ngừa bệnh xì mủ, thối rễ. Kết hợp tưới gốc và phun qua lá, thân, cành các loại thuốc đặc trị. Sau đó, bón thêm phân và hỗn hợp dinh dưỡng cần th­iết theo tỷ lệ thích hợp. Giai đoạn này, thường xuyên theo dõi tình trạng sinh trưởng của cây, đặc biệt khi ra đọt non để quyết định thời điểm xử lý cho cây ra hoa.

Thông thường, khi đọt lần thứ 2 bung ra 1-2 lá thì bắt đầu che bạt nylon kết hợp tưới nước để kích thích cây ra hoa theo ý muốn. Với kỹ thuật trên, nếu gặp thời tiết thuận lợi và xử lý đúng cách thì chỉ sau 10 ngày, cây bắt đầu đơm hoa. Trong quá trình vườn sầu riêng ra hoa, kết trái cần theo dõi để bón phân, chăm sóc và phun thuốc trừ nấm bệnh định kỳ.

Trong vườn nhà ông, bình quân mỗi cây đạt năng suất hơn 1 tạ trái, với 8ha sầu riêng, thu về khoảng 120-150 tấn trái/vụ. Giá sầu riêng trên thị trường từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, gia đình ông thu về gần 2 tỷ đồng/năm.

Không chỉ biết cách chăm sóc sầu riêng, ông Ba Đảo cũng rất sành trong việc trồng, chăm sóc cao su. Với hơn 18ha trên tổng số 38ha cao su đã cho mủ, trừ chi phí, ông thu hơn 300 triệu đồng/tháng.

Là chủ trang trại cho thu nhập bạc tỷ nhưng ông Ba Đảo vẫn giữ nguyên dáng vẻ mộc mạc, bình dị, luôn quan tâm đến mọi người. Trang trại của ông tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động, với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng.


Có thể bạn quan tâm

Đổ Xô Trồng Ớt, Giá Rớt Mạnh Đổ Xô Trồng Ớt, Giá Rớt Mạnh

Những ngày đầu năm 2013, giá ớt đầu mùa ở các tỉnh ĐBSCL bất ngờ giảm mạnh. Hiện tại, giá ớt chỉ nằm ở mức 15.000 - 18.000 đồng/kg, bằng gần phân nửa so với mức giá 40.000 - 50.000 đồng/kg thời điểm tháng 6 - 7 năm ngoái. Với mức giá ớt này, người trồng ớt phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng cho mỗi héc ta ớt thu hoạch.

15/01/2013
Gặp “Vua Rắn” Tuổi Tỵ Gặp “Vua Rắn” Tuổi Tỵ

Anh là Nguyễn Đức Động, sinh 1977, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mở trang trại nuôi rắn hổ mang đen tại xã Phước Tiến (Bác Ái). Mô hình kinh tế nuôi rắn hổ mang đen lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh ta. Còn anh được người dân địa phương ví là “Vua rắn”.

29/07/2013
Bỏ Rượu Để Nuôi Tôm Bỏ Rượu Để Nuôi Tôm

Từ một người bê tha rượu chè, anh Lê Công Thế (thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã "lột xác" thành nông dân sản xuất giỏi nhờ con tôm sú.

17/01/2013
Vườn Cây Ăn Trái Lái Thiêu, Một Định Danh Du Lịch Độc Đáo Vườn Cây Ăn Trái Lái Thiêu, Một Định Danh Du Lịch Độc Đáo

Lái Thiêu, vùng đất màu mỡ bên dòng sông Sài Gòn nức tiếng gần xa với những mùa trái chín trĩu quả đã trở thành một định danh du lịch độc đáo của Bình Dương nói riêng và Đông Nam bộ nói chung. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu vì thế trở thành một định danh quen thuộc trong tâm tưởng nhiều người.

08/06/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ong Mật Ở Bá Thước Ở Thanh Hóa Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ong Mật Ở Bá Thước Ở Thanh Hóa

Nghề nuôi ong lấy mật ở Bá Thước (Thanh Hóa) có từ lâu, nhưng người dân chỉ nuôi tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm mật ong chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Nhưng nay, nghề này đang ngày càng phát triển, nhất là từ khi có sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng” do Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tài trợ.

18/01/2013