Ươm cây giống cho thu nhập cao

Mỗi năm có hàng trăm triệu cây giống được xã xuất đi các huyện vùng cao trồng rừng lấy gỗ nguyên liệu.
Dọc đường ven biển qua xã Duy Hải bắt gặp những vườn ươm cây xanh ngút ngát. Người cho đất vào bầu, người chăm sóc cây giống...
Anh Trần Duy Lợi, thôn Thuận Trì, chủ một vườn ươm cho hay, không rõ từ bao giờ Duy Hải phát triển nghề ươm cây giống. Ban đầu, bà con ươm cây phi lao, bạch đàn bởi nó phù hợp nhu cầu thị hiếu của người dân nơi đây.
Theo anh Lợi, nắm bắt được thị hiếu trồng rừng của người vùng cao, trong khi nguồn giống quá ít. Vì thế, gia đình anh đã quyết định ươm thử với số lượng ít.
Trong vụ đầu, sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, so với cây lúa, cây khoai… ươm keo giống mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Từ đó anh tiếp tục phát triển nghề ươm cây giống.
Do đất pha cát, để lấy đất làm bầu ươm giống rất khó khăn. Không còn cách nào hơn, mỗi khi xe tải chở cây giống lên vùng cao bán, khi về lại chở đất để làm bầu.
Cứ dần thành quen, đem cây đi thì đem đất về. Nghề ươm giống ở nơi đây ngày càng phát triển, trở thành thủ phủ cây giống của tỉnh.
Ươm cây giống tạo việc làm cho nhiều người
Hiện số lượng vườn ươm ở Duy Hải tăng nhanh, nhà nhà, người người đầu tư ươm keo. Các hộ đã tận dụng tối đa diện tích đất vườn, đồi để ươm giống.
“Công việc diễn ra tất bật cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Cứ vào tháng 3 hằng năm, các vườm ươm lại bắt đầu chọn đất, làm đất, trộn phân, đóng bầu, giâm hom…
Đến tháng 6 bắt đầu có giống để bán. Vì thế, người lao động có việc làm quanh năm. Hiện các vườn ươm giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, đặc biệt là chị em phụ nữ với mức thu nhập 3 - 3,6 triệu đồng/người/tháng”, anh Lợi chia sẻ.
Năm nay, nhà anh Lợi trồng 30 vạn cây keo. Với giá bán tại vườn 100-500 đồng/cây, anh thu về 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu.
“Ở đây giống như sa mạc, đụng đâu cũng thấy đất cát. Cuộc sống thường ngày đàn ông ra biển, phụ nữ bám mấy sào đất cát trồng khoai, môn… nhưng thu nhập chẳng có là mấy.
Trong khi nhu cầu cây giống thị trường lớn, người đi trước học người đi sau, đầu tư phát triển”, anh Lợi cho hay.
Khác với anh Lợi, bà Huỳnh Thị Mè thuê bãi đất cuối thôn mở vườn ươm. Mỗi năm, bà cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn cây giống. Ban đầu bà Mè trồng 2 sào nhưng nay mở rộng lên 10 sào.
Theo bà, giờ làm quen rồi cũng dễ, hạt mua từ vùng cao đưa về, đất đóng bầu cũng vậy. Bà chỉ thuê nhân công đóng bầu và gieo hạt.
“Ươm cây giống cực lắm, trời nắng nóng phải túc trực liên tục, tưới nước thường xuyên cho cây phát triển. Do đó, tiền thuê nhân công khá nhiều. Cây tốt bán giá cao, cây thấp không đẹp bán giá thấp. Mỗi vụ, trừ chi phí thu được vài chục triệu đồng. Số tiền đó tương đối lớn với chúng tôi”, bà Mè chia sẻ.
Ông Võ Quốc Hai, Phó ban Nông nghiệp xã Duy Hải cho biết, toàn xã có vài chục cơ sở ươm cây giống, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục triệu cây con.
Mặc dù các xã ven biển ít sử dụng giống lâm nghiệp nhưng các huyện miền núi tiêu thụ rất lớn. Cây giống SX ra đều xuất bán hết, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Khi trao đổi về tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp của xã Hợp Hải – một xã trọng điểm lúa, đạt tiêu chí nông thôn mới của huyện Lâm Thao, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Bây giờ làm ruộng nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung khác xưa nhiều. Hầu hết công đoạn nặng nhọc đã được cơ giới hóa, nên lao động trực tiếp giảm đi nhiều nhưng sản lượng và giá trị sản xuất vẫn tăng đáng kể.

Ngày 22-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ đông năm 2014, sơ kết vụ chiêm xuân 2014-2015 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2015. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thành, thị và một số doanh nghiệp.

Theo “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”, năm 2015 cả tỉnh phấn đấu trồng 19 ngàn ha ngô, sản lượng 90 ngàn tấn, tăng dần diện tích để đến năm 2020 đạt 20 ngàn ha, sản lượng 100 ngàn tấn. Đây là định hướng quan trọng làm cơ sở đẩy mạnh phát triển, nâng cao vai trò cây ngô trong sản xuất lương thực, tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

Xác định đậu phụng là cây hoa màu ngắn ngày, cho hiệu quả kinh tế cao nên huyện Nông Sơn khuyến khích bà con nông dân tăng cường thâm canh, mở rộng diện tích, đặc biệt là trên những diện tích đất lúa không thuận lợi nguồn nước tưới.

Canh tác nương rẫy vốn là tập quán sản xuất lâu đời của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Cùng với đó là tình trạng du canh du cư, phát rừng làm rẫy một cách tự phát đã làm cho tài nguyên rừng đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.