Ước Mơ Đưa Xoài Cát Phù Cát Bay Xa

Anh Võ Văn Thắng, ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định là một trong những người đi tiên phong trồng xoài cát tại Cát Hanh. Hiện trang trại trồng xoài cát của anh rộng hơn 2 ha, sản xuất theo phương pháp VietGAP, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Anh Thắng tâm sự: “Năm 1998, Nhà nước có chủ trương cho nông dân thuê đất thành lập trang trại, tôi và một số bà con mạnh dạn thuê đất trồng xoài, giống được lấy từ miền Nam. Do đây là một vùng đất cát, lại không có điện, nước nên thời gian đầu, để cây xoài sống được, chúng tôi phải gánh từng thùng nước về tưới. Sau một thời gian, cây xoài phát triển tốt nhưng đợi mãi vẫn không thấy ra hoa, chúng tôi phải vào tận miền Nam mời chuyên gia về. Rồi cây xoài cũng đã ra hoa đậu quả trong niềm vui vô bờ của chúng tôi”.
Vài năm nay, với sự hỗ trợ từ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, người trồng xoài được chuyển giao quy trình chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất và chất lượng xoài cát Phù Cát đã được nâng cao; được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nên giá trị tăng hơn trước rất nhiều.
Giống xoài cát Phù Cát có nguồn gốc là giống xoài cát Hòa Lộc, được đưa về từ miền Nam, do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và kỹ thuật đầu tư chăm sóc của bà con nông dân, xoài cát ở Phù Cát thường ra hoa, tạo quả muộn hơn các vùng trồng xoài khác từ 1 đến 2 tháng. Hơn nữa, hương vị của xoài cát được trồng ở đây cũng khác rất nhiều so với xoài cát Hòa Lộc được trồng ở các tỉnh phía Nam. Những đặc điểm trên đã tạo nên một “thương hiệu” xoài mang tên xoài cát Phù Cát.
Theo anh Thắng, tuy xoài cát Phù Cát đã có thương hiệu riêng nhưng thị trường tiêu thụ vẫn còn hạn hẹp, giá bán vẫn chưa bằng với xoài cát Hòa Lộc. Vì thế, ước mơ của tôi là làm sao đưa được thương hiệu xoài cát Phù Cát bay xa. Để thực hiện được ước mơ này, anh đã thành lập công ty chuyên mua xoài cát Phù Cát bán ra thị trường. Trước đây, những khách hàng mua với số lượng lớn, họ yêu cầu phải có hóa đơn và chứng minh nguồn gốc sản phẩm, nhưng người nông dân thì không thể làm được, nên xoài cát Phù Cát chưa thể đi xa.
Ngoài ra, anh Thắng còn ấp ủ một dự định táo bạo là sản xuất rượu vang xoài. Anh chia sẻ: “Diện tích trồng xoài của huyện Phù Cát tương đối lớn, gần 250 ha. Vào mùa thu hoạch, ngoài số lượng xoài đủ tiêu chuẩn xuất ra thị trường, còn tồn lại một lượng lớn xoài không đủ tiêu chuẩn, người trồng xoài bán với giá rẻ, nhiều khi phải đổ bỏ rất lãng phí. Tôi đang nghiên cứu cách làm rượu vang từ xoài, nếu thành công sẽ giúp cho người dân trồng xoài có thêm nguồn thu nhập”.
Có thể bạn quan tâm

Giá cá lóc nuôi bán lẻ tại các chợ lớn trung tâm huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh An Giang dao động từ 45.000 – 50.000 đ/kg. Trong khi đó, giá mua của thương lái tại đồng chỉ 35.000 – 37.000 đ/kg, không tăng so cùng kỳ năm ngoái. Nếu hạch toán chi phí giá thành sản xuất, người chăn nuôi không có lời và còn lỗ công lao động.

Trong khi các tỉnh miền Bắc liên tục đón các cơn mưa lớn, thì tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định vẫn đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp...

Giá heo hơi loại tốt tại các trang trại và hộ nuôi với số lượng lớn ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh như: Hậu Giang,Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… đang chỉ còn ở mức 35.500 - 36.000 đồng/kg(tương đương 3,55 - 3,6 triệu đồng/tạ); tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giá 33.000 - 35.000 đồng/kg (tương đương 3,3 - 3,5 triệu đồng/tạ). Với giá bán heo hơi hiện nay, phần lớn người chăn nuôi heo đều bị lỗ.

Do thời tiết diễn biến bất thường, nắng hạn kéo dài, nguồn nước ở các hồ chứa khô cạn, diện tích nuôi trồng thủy sản ở huyện Phù Cát (Bình Định) giảm mạnh.

Hơn 600 hộ nông dân ở huyện Trà Cú đang giàu lên từ nghề nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp trong vùng nước lợ. Bình quân, 1 ha mặt nước mỗi năm người nuôi cá lóc thu lãi ròng trên 1 tỷ đồng/ha/vụ.