Ứng Dụng Tiến Bộ Kỹ Thuật Chăn Nuôi Gia Súc

Hiện nay, Tiền Giang phát triển chăn nuôi heo theo hướng bền vững thông qua việc chuyển giao cho nông dân những tiến bộ kỹ thuật mới, giúp tăng được hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi, giải quyết được ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thịt heo thương phẩm trên thị trường.
Tỉnh đã ứng dụng rộng rãi kỹ thuật gieo tinh nhân tạo, nhằm cải thiện giống cho đàn heo địa phương theo hướng "nạc hóa", tăng trọng nhanh, giảm được thời gian chăn nuôi heo thịt, tăng chu kỳ quay của đồng vốn trong chăn nuôi.
Tỉnh áp dụng mô hình hầm ủ khí sinh học trong chăn nuôi, nhằm giảm được ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong kinh tế hộ.
Bên cạnh đó, tỉnh đang nhân rộng mô hình "đệm lót sinh thái" và nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học không chỉ giải quyết môi trường chăn nuôi, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nuôi mà còn giúp nâng chất lượng sản phẩm thịt heo, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Thông qua Dự án "Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam" và Dự án "Nâng chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và chương trình phát triển khí sinh học" được triển khai trên địa bàn trong thời gian qua, toàn tỉnh xây dựng được gần 7.000 công trình khí sinh học tại gần 7.000 hộ chăn nuôi gia súc, góp phần xử lý hữu hiệu chất thải chăn nuôi, tạo nguồn năng lượng sạch phục vụ sinh hoạt hoặc sản xuất.
Theo khảo sát, mô hình trên tiết kiệm 2,2 triệu đồng tiền chất đốt/hộ và mỗi tháng tiết kiệm được từ 300.000 - 400.000 đồng đối với hộ chạy máy phát điện, chưa kể chất thải chăn nuôi qua xử lý từ công nghệ khí sinh học còn tạo ra khối lượng lớn phân hữu cơ tốt để bón cho cây trồng, cải tạo đất đai.
Đặc biệt, mô hình ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học và "đệm lót sinh học" giúp mỗi hộ chăn nuôi tiết kiệm chi phí sản xuất từ 250.000 - 300.000 đồng/con sau chu kỳ 3 tháng nuôi. Hiện nay, mô hình này đang được thực hiện thí điểm ở hàng chục hộ trên địa bàn tỉnh để đúc kết nhân rộng.
Để đưa công tác chuyển giao kỹ thuật vào chiều sâu, giúp nâng cao trình độ và kỹ năng sản xuất, chăn nuôi cho bà con trong tỉnh, góp phần đưa ngành chăn nuôi heo vượt qua khó khăn để phát triển bền vững, trong năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 1.000 cuộc tập huấn, hội thảo thu hút khoảng 30.000 lượt hộ nông dân tham gia, trong đó chú trọng đến những mô hình sản xuất, chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học, kết hợp hầm ủ khí sinh học để giải quyết môi trường, trồng trọt và chăn nuôi theo hướng VietGAP...
Nhờ những tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong quá trình chăn nuôi vừa giảm chi phí vừa tăng được lợi nhuận nên trong thời gian qua mặc dù giá cả tiêu thụ có lúc không ổn định, nhưng tình hình chăn nuôi heo vẫn đạt tăng trưởng khá.
Hiện tổng đàn heo trong tỉnh đạt trên 584.000 con, tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước và tăng gần gấp đôi so với thời điểm cách đây 20 năm. Đáng mừng là gần đây giá heo hơi đang hồi phục và đứng ở mức cao, từ 5 triệu đồng đến 5,3 triệu đồng/tạ/con.
Với giá này, mỗi tạ heo hơi xuất chuồng người chăn nuôi lãi từ 1,1 - 1,5 triệu đồng. Những hộ chăn nuôi theo ngưỡng an toàn sinh học hoặc sử dụng "đệm lót sinh học" lãi từ 1,5 triệu đồng/tạ heo hơi trở lên, nên bà con phấn khởi.
Có thể bạn quan tâm

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang vào vụ thu hoạch dưa hấu nghịch vụ (dưa lạc hậu). Năm nay do thời tiết không thuận lợi, thường xuyên xuất hiện sương mù, sâu bệnh nên năng suất dưa tương đối thấp, mỗi công dưa khoảng 2 tấn trái, giảm 50% so với cùng kỳ.

Theo Quyết định số 2621/2013 của Thủ tướng Chính phủ, từ 1.1.2014, hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo được vay tối đa 10 triệu đồng tại Ngân hàng CSXH với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo hiện hành.

Những ngày cuối tháng 3 này, 11 hộ dân ở bản giáp biên Tả Lo San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé (Điện Biên) vui mừng đón nhận công trình đập thuỷ lợi Khe To đã được khởi công.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi tôm sú quảng canh bị thiệt hại hơn 70% sẽ được hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70% sẽ được hỗ trợ là 2.000.000 đồng/ha.

Còn với anh Bùi Minh Tâm, thương lái mua dưa tại huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), giá dưa giảm do không xuất khẩu sang Trung Quốc được nhiều. Bên cạnh đó, nông dân trồng dưa không theo quy hoạch, thấy năm ngoái được giá nên năm nay tăng diện tích.