Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ứng Dụng Quy Trình Sản Xuất Xoài Cát Hòa Lộc Rải Vụ

Ứng Dụng Quy Trình Sản Xuất Xoài Cát Hòa Lộc Rải Vụ
Ngày đăng: 26/11/2013

Với chất lượng ngon, ngọt nên xoài cát Hòa Lộc là một trong những loại trái cây được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, “điệp khúc trúng mùa, rớt giá” vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, một số nhà vườn ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xử lý xoài ra hoa rải vụ nhằm bán được giá cao.

Mỗi khi vào mùa thu hoạch rộ, trái cây thường bị rớt giá, trong đó có xoài cát Hòa Lộc, gây ảnh hưởng đến thu nhập của nhà vườn. Mặt khác, chất lượng sản phẩm cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá bán của loại trái cây này. Cho nên, đề tài “Ứng dụng quy trình kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và rải vụ xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang” do PGS.TS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm được triển khai sẽ giúp người dân làm quen với phương thức sản xuất mới, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Là một trong những nhà vườn gắn bó nhiều năm với xoài cát Hòa Lộc, ông Đinh Văn Lập, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Mùa thuận của xoài thường vào tháng 3, tháng 4 âm lịch, nhưng do nhiều nhà vườn cùng thu hoạch vào một thời điểm, nên giá xoài giảm mạnh.

Trong khi các dịp lễ, tết, thị trường có nhu cầu, giá cao thì nhà vườn chúng tôi lại không đủ sản phẩm để cung cấp. Chính vì vậy, khi đề tài được thực hiện, tôi đã mạnh dạn tham gia nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình”. Hiện nay, 7 công xoài cát Hòa Lộc được xử lý ra hoa rải vụ của gia đình ông Lập chỉ còn khoảng 10 ngày sẽ cho thu hoạch.

Được biết, do thời điểm gia đình xử lý ra hoa rải vụ gặp trời mưa liên tục, thời tiết bất lợi nên ước năng suất đạt thấp, chỉ khoảng 1 tấn. Nhưng với giá bán hiện tại 35.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, ước lợi nhuận thu được khoảng 30 triệu đồng, theo ông Lập, một vụ nghịch bằng 2 vụ thuận. Với hiệu quả kinh tế mang lại, ông Lập quyết định những năm sau sẽ tiếp tục gắn bó với cách làm này nhằm thu được hiệu quả cao, đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Không chỉ hướng dẫn người dân ứng dụng quy trình sản xuất xoài cát Hòa Lộc rải vụ, chủ nhiệm đề tài còn hỗ trợ kỹ thuật để nhà vườn tiếp cận với phương thức canh tác mới - sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây chính là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng của sản phẩm. Khi trái cây đạt tiêu chuẩn này sẽ tránh được tình trạng thương lái ép giá và đủ sức cạnh tranh với thị trường trong và ngoài khu vực.

Từ đó, góp phần phát triển loại trái cây được cho là đặc sản ở địa phương. Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi người nhà vườn phải tuân theo quy trình, kỹ thuật nghiêm ngặt. Chẳng hạn, người dân phải xây dựng hố xí tự hoại, phải thay đổi thói quen chăn thả vật nuôi trong khu vực sản xuất, phải xây dựng kho chứa các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón…

Biết rằng, sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng được sự vận động của chính quyền địa phương và chủ nhiệm đề tài, mọi người đã ý thức được ý nghĩa quan trọng của sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên tích cực hưởng ứng. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi nhiều quy trình, kỹ thuật.

Đây thật sự là thách thức không nhỏ đối với nhà vườn chúng tôi. Nhưng với hiệu quả kinh tế mang lại, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm sạch, không những góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mà còn nâng cao giá trị của sản phẩm”.

Trong quá trình thực hiện, chủ nhiệm đề tài còn hướng dẫn người dân cách tỉa cành tạo tán, quản lý sâu bệnh trên xoài. Đặc biệt, áp dụng biện pháp bao trái nhằm nâng cao năng suất và chất lượng xoài cát Hòa Lộc. Bởi vì, khi xoài được bao trái vỏ sẽ sáng đẹp, bóng láng, không xuất hiện vết bám bẩn do rầy và rệp gây ra. Bên cạnh đó, xoài được bao trái còn giảm được tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, nhất là do ruồi đục trái gây ra.

Ông Nguyễn Thanh Phong, cán bộ nông nghiệp thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: “Xử lý ra hoa để thu hoạch xoài rải vụ đang được nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn áp dụng, bởi hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại. Vì vậy, sau khi đề tài kết thúc, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng xoài trên cùng diện tích canh tác. Đồng thời, tiếp tục trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị và góp phần đưa sản phẩm xoài cát Hòa Lộc vươn xa ra tầm khu vực”.


Có thể bạn quan tâm

Cá Chình Trắng Xuất Hiện Dày Ở Đập Tam Giang Cá Chình Trắng Xuất Hiện Dày Ở Đập Tam Giang

Cá chình giống đầu vụ được bán với giá khá cao, từ 3.000 đến 3.200 đồng/con, gấp 3 lần so với giá bán vào thời điểm này năm trước nên người tham gia khai thác chình có nguồn thu nhập đáng kể.

08/01/2014
Nông Dân Nuôi Lươn Có Hiệu Quả Nông Dân Nuôi Lươn Có Hiệu Quả

Ông Nguyễn Văn Nga, hội viên Hội Nông dân xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) là người thực hiện mô hình nuôi lươn có hiệu quả trên địa bàn huyện.

08/01/2014
Mô Hình Kinh Tế Từ Cây Sa Nhân Tím Mô Hình Kinh Tế Từ Cây Sa Nhân Tím

Bình Phước còn diện tích rừng khá lớn, đặc biệt là rừng trồng, rất phù hợp để cây sa nhân tím phát triển. Đây là loại cây thuộc họ gừng, nằm trong danh mục thực vật quý hiếm.

23/12/2013
Sản Xuất Chăn Nuôi Hồi Phục Bền Vững Sản Xuất Chăn Nuôi Hồi Phục Bền Vững

Chăn nuôi là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn 6 tháng đầu năm 2013 do giá bán sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm, giá các loại thức ăn biến động mạnh.

08/01/2014
Muốn Giàu, Nuôi Cá Đặc Sản Muốn Giàu, Nuôi Cá Đặc Sản

Gần đây, đi về nhiều địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế thấy rộ lên phong trào nuôi cá cao cấp đặc sản, kiểu như các loại cá nâu, cá vẩu, cá vược, cá diêu hồng... Gọi là cá cao cấp bởi lẽ giá bán cao ngất ngưởng, người nuôi cá nhằm vào thị trường tiêu thụ là các nhà hàng hay xuất khẩu. Lại chợt nhớ tới câu nói của cha ông mình ngày trước "muốn giàu nuôi cá".

11/01/2014