Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ùn ùn bán lá mãng cầu xiêm lợi trước mắt, hại lâu dài

Ùn ùn bán lá mãng cầu xiêm lợi trước mắt, hại lâu dài
Ngày đăng: 13/04/2015

Nhiều vườn mãng cầu ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) được nông dân chặt nhánh ồ ạt để bán lá.

Qua tìm hiểu thực tế tình hình thu gom lá mãng cầu xiêm trên địa bàn các xã Long Phú, Tân Phú thuộc huyện Long Mỹ, lá mãng cầu tươi có giá dao động từ 5.000-15.000 đồng/kg, tùy theo người mua đến tận vườn để hái hoặc người dân trực tiếp hái lá bán. Ngoài ra, người trực tiếp đi thu mua cũng kiếm được khoản thu nhập kha khá. Một người thu mua lá mãng cầu nơi đây bật mí: Thu nhập trung bình mỗi ngày từ việc thu mua lá mãng cầu từ 200.000-300.000 đồng.

Săn lùng mua lá... khắp nơi

Chính vì sự hấp dẫn đó mà hiện nay, nhiều hộ dân nông thôn trong tỉnh đã “tích cực” đi thu mua, còn chủ vườn không ngần ngại hái sạch lá trên cây, nhất là đối với các vườn có cây lâu năm, nhiều lá già, thậm chí là đốn hạ cả cây để tuốt hết lá bán cho thương lái lấy tiền. Chỉ tay về hướng khu vườn mãng cầu hơn 200 cây rất xanh tốt, ông Nguyễn Hoàng Khánh, ở xã Tân Phú, tiết lộ: “Không hiểu vì đâu mà gần đây có nhiều người tìm mua lá mãng cầu như vậy. Họ bảo vườn mãng cầu tốt như của tôi thì mỗi cây có thể hái được trên dưới 30kg lá. Với số lượng hàng trăm cây mãng cầu, chỉ riêng việc bán lá cũng “hốt” được hàng chục triệu đồng”.

Theo ông Võ Văn Bầu, ở ấp Long Thạnh 1, xã Long Phú, gia đình ông có khoảng 70 cây mãng cầu xiêm, đến nay đã bán 10 tấn lá, được khoảng 10 triệu đồng. Hiện người dân trong ấp có trồng mãng cầu xiêm đều bán lá để lấy tiền. “Tôi chủ yếu bán lá mãng cầu xiêm tươi đã hái sẵn cho ông Út Thấy với giá 10.000 đồng/kg, còn lá tươi trên cây thì có giá 5.000 đồng/kg. Bởi tôi biết ông Út Thấy là người ở địa phương nên tôi mới bán cho ổng. Trước đây, tôi còn bán lá cho các chủ đi thu mua ở thị xã Ngã Bảy; xã Bình Hiếu, thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ)” - ông Bầu thông tin thêm.

Còn ông Dương Văn Đoạn, ở ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, cho biết: “Nhà tôi chỉ trồng mấy cây mãng cầu xiêm chủ yếu để ăn, vậy mà ngày nào cũng có thương lái tới hỏi mua lá. Cụ thể, nếu mình tự hái lá thì họ mua từ 7.000-8.000 đồng/kg (lá tươi); còn phơi khô giá 20.000- 30.000 đồng/kg; riêng trường hợp bán đứt để thương lái tự hái thì giá từ 3.000-4.000 đồng/kg. Do gia đình tôi công việc lu bù không thời gian rảnh, nên tôi bán cho thương lái tự hái lá. Không ngờ họ chặt toàn bộ các nhánh lớn nhỏ để tuốt lá, khiến cây mãng cầu bị… trơ trụi”.

Ông Trần Tuấn An, Phó Chủ tịch UBND Long Phú, cho biết: Đến nay, toàn xã ước có khoảng 0,6ha diện tích mãng cầu xiêm trồng tập trung và có khoảng 50% hộ dân trồng theo quy mô hộ gia đình (chưa thống kê được diện tích). Những ấp đang có điểm thu mua như ở Long Thạnh 1, Long Bình 2, Tân Bình 2. “Ngoài xã Long Phú, chúng tôi còn biết 2 địa phương khác đang có tình trạng mua bán lá mãng cầu xiêm là Thuận Hòa và Tân Phú. Tình trạng này đã xảy ra từ tháng 10-2014 đến nay” - bà Lương Ngân Hoàng Xuyên - cán bộ kỹ thuật Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Long Mỹ, cho biết.

Coi chừng “vườn mất tật mang”

Điều đáng nói ở đây là thương lái đến thu gom một cách bất thường, với số lượng lớn cả lá khô và tươi. Còn mục đích của việc thu mua về để làm gì, hay tiêu thụ ở đâu thì người dân, thậm chí là cánh thương lái cũng chỉ trả lời lấp lửng rằng thu mua về bán lại để làm thuốc. Do đó, để thu mua được nhiều lá mãng cầu thì những thương lái lạ mặt đã “kết nối” đặt hàng cho thương lái tại địa phương đi thu gom, sau đó họ “nhận” lại hàng.

Chị Nguyễn Thị Bảo Yến, ngụ xã Tân Phú, tiết lộ: “Do họ đặt mua với giá “thấy có lời” nên vợ chồng bỏ công việc đồng áng, dành thời gian đi thu gom lá mãng cầu rồi giao cho thương lái. Còn về danh tính những thương lái lạ này ở đâu, họ mua để làm gì… thì hổng rõ”.

Trong khi việc tận thu lá mãng cầu để làm gì và xuất bán ở đâu vẫn còn là ẩn số thì trước mắt đã có không ít hộ dân ở các địa phương trong tỉnh cảm thấy tiếc nuối cho hành động “bán lá lấy tiền tươi” của mình. Ông Võ Văn Nuôi, ở xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp), tiết lộ: “Tôi chuyên canh 12 công mãng cầu xiêm đã nhiều năm nên xứ này ai cũng biết tiếng.

Cũng từ sự đồn đại đó mà rất nhiều thương lái tới hỏi mua lá mãng cầu. Ban đầu tôi không chịu bán, nhưng họ nói mãi và bảo vườn cây của tôi rất tốt, sẵn sàng mua giá cao từ 10.000- 15.000 đồng/kg (lá tươi, gia đình hái) nên cũng chiều theo. Sau đợt bán lá mới đây thì tôi tạm ngưng, bởi cây mãng cầu đã bị chặt quá nhiều nhánh!”.

Ông Lê Hoàng Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho biết, qua kiểm tra sơ bộ, việc thu mua lá mãng cầu xiêm thông qua nhiều tầng nấc trung gian như “nhà vườn bán cho thương lái tại các ấp, sau đó giao cho các chủ vựa, chủ vựa giao lại cho thương lái các nơi xa đến đặt mua, rồi chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh…”.

Do đó, trong thời ngắn mà tìm tận “gốc” ai là người “chủ xị” trong việc này là rất khó khăn. Trước mắt, ngành chức huyện Long Mỹ đang phối hợp cùng cơ quan công an, chính quyền các xã… tăng cường tuyên truyền để nông dân ý thức, cảnh giác việc bán lá mãng cầu xiêm tràn lan.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, lưu ý: Tình trạng này có thể là “bài cũ” mà giới thương lái Trung Quốc đã “diễn đi diễn lại” thời gian qua ở nhiều vùng nông thôn của nước ta. Việc thu mua lá cây, sản phẩm lạ… với giá cao; sau đó “bỏ chạy”, là bài học mà người dân cần đề phòng, tránh bị mắc bẫy như các năm trước.

“Chúng tôi chưa rõ thương lái thu mua lá mãng cầu xiêm để làm gì, có đưa sang Trung Quốc tiêu thụ hay không? Tuy nhiên, việc đốn hạ nhánh hàng loạt để bán lá sẽ ảnh hưởng tới cây mãng cầu về lâu dài; vì thế, ngành nông nghiệp không khuyến cáo và người dân không nên làm” - ông Đồng khẳng định.

Hiện, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn của ngành và các xã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền cụ thể việc này để bà con hiểu, nhằm ngăn ngừa tình trạng ồ ạt bán lá mãng cầu xiêm dẫn tới hậu quả của vườn cây ăn trái về sau.

Ông Võ Văn Nuôi, hộ trồng mãng cầu chuyên nghiệp ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Cây mãng cầu xiêm trồng khoảng 3 năm mới cho trái nhiều. Hiện tại thương lái mua trái mãng cầu với giá 17.000-20.000 đồng/kg, mức giá này đảm bảo cho nhà vườn lợi nhuận cao. Gia đình tôi trồng 12 công mãng cầu xiêm, mỗi năm thu về khoảng 400-500 triệu đồng. Do đó, sau đợt bán lá mới đây thì tôi quyết định không bán nữa, tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của cây…”.


Có thể bạn quan tâm

Đài Loan Phát Triển Thành Công Gạo Có Nhiều Màu Đài Loan Phát Triển Thành Công Gạo Có Nhiều Màu

Dưới sự hỗ trợ của chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), Trạm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp huyện Hoa Liên đã phát triển thành công gạo có màu sắc khác so với gạo thông thường hiện nay, vốn chủ yếu có màu trắng.

18/06/2013
“Mở Cửa” Bằng Dồn Điền Đổi Thửa “Mở Cửa” Bằng Dồn Điền Đổi Thửa

Phúc Thành (Yên Thành) là xã đầu tiên của Nghệ An thành công trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Đây là “cánh cửa” mở ra những vùng sản xuất quy mô lớn, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).

18/06/2013
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Sinh Sản Ở Hoằng Hóa Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Sinh Sản Ở Hoằng Hóa

Gia đình ông Lê Quốc Hùng ở thị trấn Bút Sơn huyện Hoằng Hoá, Thanh Hóa đã triển khai mô hình nuôi lợn rừng được ba năm nay. Hiện nay, trại lợn rừng của ông Hùng đã có tới hàng chục cặp lợn rừng bố mẹ tham gia sinh sản, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Đến nay trại lợn rừng của gia đình ông đã ngày một phát triển, mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng trăm con giống, mang lại nguồn thu đáng kể so với một số ngành nghề khác.

18/06/2013
Một Nhà Vườn Ăn Nên Làm Ra Một Nhà Vườn Ăn Nên Làm Ra

Từ nhiều năm nay, người dân ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành rất kính trọng ông Bùi Xuân Danh, 55 tuổi, công an thôn bởi ông là người biết tính toán làm ăn, đi lên từ mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn và làm giàu chính đáng ngay tại địa phương vốn nghèo khó này.

18/06/2013
Người Nông Dân Làm Giàu Trên Đất Khó Người Nông Dân Làm Giàu Trên Đất Khó

Đã có không ít hộ nông dân thất bại khi đầu tư vào phát triển sản xuất, bởi do họ đã áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, thiếu nơi tiêu thụ sản phẩm hay chưa đổi mới tư duy, cách làm mới... Ở xóm Mỹ Triều xã Thạch (Thạch Hà, Hà Tĩnh) lại có một mô hình phát triển kinh tế theo hướng đa cây cho hiệu quả khá cao.

18/06/2013