Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tỷ Phú Rau Thơm Tây

Tỷ Phú Rau Thơm Tây
Ngày đăng: 25/08/2014

Sau nhiều lần thất bại dẫn đến trắng tay với nghề kinh doanh bất động sản, bà Phạm Thị Thu Cúc đã trải qua nhiều nghề cũng như bao thăng trầm trong cuộc sống, cuối cùng khi đến thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương bà đã tìm cho mình hướng đi riêng, đó là trồng rau thơm Tây, hiện mỗi năm bà thu về hơn 1 tỷ đồng.

Khi mới bắt tay vào nghề bà cũng chưa có ý định trồng các loại rau thơm ngoại như bây giờ. Ban đầu bà thuê một sào đất để trồng hoa lily, một loại hoa cao cấp đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Vụ hoa đầu tiên đầu tư trên 100 triệu đồng nhưng do chưa quen cách chăm sóc nên khi thu hoạch bị lỗ vốn khoảng 50 triệu đồng.

Không nản chí, bà đã quyết định mua 2 sào đất với giá 50 triệu đồng để làm vườn và tiếp tục trồng hoa lily. Ở vụ hoa này bà Cúc thành công vì đã đúc rút kinh nghiệm được từ vụ hoa trước, chăm sóc hoa theo đúng quy trình kỹ thuật, đến thời điểm thu hoạch thì bán được giá nên vụ hoa này đã có lời gần 60 triệu đồng.

Nhưng sau đó, bà Cúc đã nghiên cứu, tìm hiểu và bà nhận thấy trồng hoa lily đòi hỏi vốn lớn và cũng nhiều rủi ro nên bà đã quyết định chuyển hướng trồng các loại rau cao cấp, rau sạch.

Nhập hạt giống rau thơm từ nước ngoài

Bà Cúc chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã rất yêu thiên nhiên cây cỏ, thấy hoa gì đẹp, hoa gì lạ, cây gì lạ là đều dừng lại để ngắm nghía, tìm hiểu”. Có lẽ vì thế, niềm đam mê đó đã ăn sâu vào tiềm thức của bà. Từ đó bà đã tìm hiểu về những loại rau thơm có nguồn gốc từ nước ngoài.

Bà nhận thấy, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống nhưng chưa nơi nào trồng các loại rau gia vị mà họ ưa thích để phục vụ bữa ăn hàng ngày. Thế rồi, bà Cúc quyết tâm tìm hiểu và gắn bó với nghề trồng rau thơm tây kể từ lúc này. Nhờ những mối quan hệ sẵn có nên bà có được các loại giống rau gửi từ châu u về trồng thử nghiệm.

Sau 3 tháng, một vài luống rau đã cho thu hoạch, bà tìm tới hệ thống siêu thị Metro đặt vấn đề tiêu thụ. Do thị trường đang rất cần những loại rau thơm cao cấp này nên Metro đặt hàng ngay. Yên tâm có đầu ra, bà mạnh dạn phát triển và sau một năm thì có 3 sào rau thơm giống châu u trong vườn.

Các loại rau thơm này thích hợp với khí hậu Đà Lạt và chăm sóc cũng đơn giản như rau thơm bản địa cùng loại. Hiện tại, trong vườn rau thơm giống nhập khẩu từ châu u của bà Cúc có tới 20 loại như: Lavender, Parsley, Origano, Peppermint, Rose mary, Thyme, Mario ram, Basil tím, chocolate mint, củ hồi…

Bà Cúc chia sẻ, bà luôn nhận được các đơn đặt hàng lớn mặc dù chưa có nhiều thông tin đại chúng nhưng khách hàng vẫn tìm đến “Cô Cúc để mua rau mùi tây” vì vườn của bà luôn luôn có nhiều loại rau thơm đặc biệt mà thị trường không có. Hiện Metro ký giá cố định với bà Cúc, loại rau thơm rẻ nhất là 50.000 đồng/kg và đắt nhất là 250.000 đồng/kg. Mỗi ngày cung cấp 20kg cho thị trường, thu về 1,5-2 triệu đồng, tính ra mỗi năm thu về hơn 1 tỷ đồng.

Kinh nghiệm sản xuất rau thơm Tây

Theo Bà Cúc, rau thơm ngoại hầu như không nhiễm sâu bệnh, chỉ có một vài loại bị bệnh nhưng không đáng kể, tuy vậy nhưng cách chăm sóc đối với các loại rau thơm này cũng không dễ. Khi rau bị bệnh bà thường dùng các loại chế phẩm như: dầu NEEM, dầu cam, dầu tỏi… để xua đuổi côn trùng, bọ nhảy, bọ phấn trắng…

Khi gặp điều kiện thời tiết xấu, vườn rau bị bệnh thì bà mới dùng một số loại thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng trên các đối tượng rau này để xử lý, bà xử lý thuốc theo đúng nồng độ cho phép và đảm bảo đúng thời gian cách ly.

Để hạn chế tối đa sâu bệnh hại, bà phải luôn giữ vườn sạch sẽ, nguồn nước tưới phải đảm bảo, phân dùng phải được ủ hoai để hạn chế ruồi, đặc biệt bà Cúc không dùng phân dê để trồng rau vì phân dê có nhiều mầm bệnh gây hại cho cây trồng. Rau thơm tây cần có giá thể đất tốt nên bà đã đầu tư một lượng phân hữu cơ rất lớn để cải tạo đất.

Lượng phân hữu cơ này do bà mua về và tự ủ từ nguồn phân hữu cơ và nấm Trichoderma, lượng phân bón bà sử dụng chủ yếu 90% phân hữu cơ chỉ có 10% phân hóa học, phân rải dày khoảng 40cm để tạo cho đất tơi xốp, có độ kết dính, thoát nước tốt đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Bà Cúc cũng chia sẻ thêm: “Cái khó của việc canh tác các loại rau thơm này là nguồn giống. Các công ty chuyên cung cấp hạt giống trong nước không nhập các loại giống rau thơm này vì không có người canh tác. Nguồn giống rau của bà Cúc hiện nay là nhờ người quen ở Pháp mua giúp và được chuyển về theo đường bưu điện hoặc xách tay.

Ngoài diện tích trồng rau thơm trên bà còn trồng cà chua beef, cà chua cherry, dưa leo baby, củ cải đỏ, bí ngồi… mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà. Một số khách hàng đã tìm đến vườn rau của bà để tham quan và đặt vấn đề cung cấp xuất khẩu nhưng số rau của bà mới chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước.

Hiện chưa có nhà vườn nào trồng những loại rau mà nhập hạt giống từ nước ngoài như bà. Thị trường cho loại rau này rất tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn về nguồn giống và chưa liên kết được các hộ nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Phạt 5-6 triệu đồng với hành vi bơm nước vào gia súc khi giết mổ Phạt 5-6 triệu đồng với hành vi bơm nước vào gia súc khi giết mổ

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay tình trạng bơm nước vào gia súc, gia cầm trước và sau khi giết mổ vẫn còn diễn ra tại một số địa phương và có chiều hướng phức tạp, thủ thuật tinh vi hơn.

09/10/2015
Gần 361 tỷ đồng cho dự án trồng cỏ nuôi bò sữa ở huyện Mê Linh Gần 361 tỷ đồng cho dự án trồng cỏ nuôi bò sữa ở huyện Mê Linh

UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận điều chỉnh bổ sung quy mô dự án "Thuê đất trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên tại khu đất bãi ven Sông Hồng thuộc địa bàn xã Văn Khê, huyện Mê Linh".

09/10/2015
Hiệu quả trong liên kết sản xuất lúa giống Hiệu quả trong liên kết sản xuất lúa giống

Huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) có 7 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tổ chức mô hình liên kết với doanh nghiệp (DN) sản xuất và bao tiêu lúa giống. Mô hình đã đem lại lợi ích nhiều mặt.

09/10/2015
Nỗi lo khi cà phê chín Nỗi lo khi cà phê chín

Gia Lai đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê. Năm nay do thời tiết bất lợi nên cà phê của người dân ở một số địa phương chín sớm hơn mọi năm khoảng 1 tháng. Cả một năm chăm bón đã có thành quả, nông dân không lo về giá cả, năng suất mà nơm nớp nỗi lo mất trộm cà phê.

09/10/2015
Diện tích sản xuất lúa mùa nổi có nguy cơ bị thu hẹp Diện tích sản xuất lúa mùa nổi có nguy cơ bị thu hẹp

Không cần bón phân, xịt thuốc, chỉ cần có nhiều nước, lúa mùa nổi có thể cho thu hoạch khoảng 2 tấn/ha, lãi trên 25 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp diện tích lúa này chỉ còn 50ha, giảm gần 20ha so với trước.

09/10/2015