Tỷ phú ở Ia Chía

Lớn lên trên mảnh đất nghèo Ia Chía, tốt nghiệp THPT, Ksor Jú được gia đình tạo điều kiện cho đi học ngành bưu chính viễn thông tại một trường trung cấp ở Đà Nẵng. Sau đó, ông được điều chuyển về công tác tại Bưu điện huyện Ia Grai. Năm 2010, Ksor Jú được Nhà nước cho nghỉ theo chế độ hưu trí, được quyền nghỉ ngơi, hưởng thụ thành quả của một đời lao động vất vả nhưng ông vẫn quyết tâm cùng gia đình xây dựng mô hình kinh tế vườn tại địa phương.
Ông Ksor Jú tâm sự: “Dù đã nghỉ hưu nhưng mình vẫn còn sức khỏe, mình có đất, có ruộng, không thể để đất hoang phí được”. Vì thế, với số tiền tích góp được sau hơn 20 năm công tác, ông mạnh dạn đầu tư trồng cà phê và cao su. Bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế vườn, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Do thiếu kinh nghiệm, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, số vốn đầu tư ít nên cây thường xuyên bị sâu bệnh, cho năng suất thấp.
Không chịu lùi bước, ông trăn trở, tìm tòi qua sách báo để học cách chiết, ghép các loại cây. Nghe người ta giới thiệu ở đâu có cách làm hay và hiệu quả kinh tế cao, ông đều tìm đến tham quan, học hỏi. Đất không phụ công người, sau vài năm cần cù, chịu khó, qua mỗi vụ, ông tích lũy thêm kinh nghiệm để sản xuất có hiệu quả hơn, diện tích đất sản xuất được mở rộng. Đến nay, mô hình kinh tế của Ksor Jú đã cho nguồn thu ổn định, với 5 ha cao su, 4,5 ha cà phê, 4 ha điều, 300 trụ tiêu và 35 con trâu, bò, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Đây là mức thu nhập rất cao so với mức thu nhập chung ở địa phương.
Bên cạnh phát triển kinh tế, với cương vị là một Chi hội trưởng Người cao tuổi xã Ia Chía, ông thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con trong xã đoàn kết, không được nghe lời xúi giục của kẻ xấu, không mê tín dị đoan, tích cực xây dựng gia đình văn hóa; vận động bà con làm nhà rông, hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông nội đồng xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, ông cũng thường xuyên giúp đỡ bà con nông dân về kỹ thuật chăn nuôi và trồng cây công nghiệp, hỗ trợ vốn cho 4 hộ gia đình với số tiền 5-10 triệu đồng/hộ. Chị Rơ Châm Hia (làng Kom Yố) cho biết: “Nhà mình nghèo, ông Jú thương tình cho mình mượn tiền không lấy lãi. Giờ đây, hơn 300 cây cà phê nhà mình đã cho thu hoạch ổn định, mình không còn đi làm thuê, không phải lo cái ăn từng bữa nữa. Cảm ơn ông Jú nhiều lắm”.
Siêng năng, làm kinh tế giỏi và sống tình nghĩa, ông Ksor Jú là tấm gương tuổi cao-gương sáng được người dân xung quanh mến phục. Với những kết quả đã đạt được, năm 2013, ông vinh dự được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất điều, đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Kỷ niệm chương vì chủ quyền an ninh biên giới năm 2014; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong khu dân cư năm 2014.
Có thể bạn quan tâm

Sau 2 năm thực hiện đề án sạ lúa trên đất nhiễm phèn ở một số xã của huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), hiệu quả đạt được cho thấy khá khả quan. Đây là đề án do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật.

Sáng 25/1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đi kiểm tra và làm việc với UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) về triển khai ứng dụng mô hình gieo mạ bằng khay tự động và cấy máy trên địa bàn.

Chỉ vài sào đất bãi bồi, nhưng qua bàn tay cần mẫn của ông, nó cũng đủ sức nuôi sống 4 người. Lý do là, rau, quả của ông không phải hạng xoàng, mà toàn hàng độc đáo nên dù giá bán có nhỉnh hơn, bạn hàng vẫn tranh nhau mua. Ông chính là Huỳnh Văn Khanh ngụ thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức).

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, giá hồ tiêu những ngày gần đây trên thị trường các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ dao động ở mức 146.000 - 150.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng 9/2013.

Có lẽ, tết này đối với đồng bào Mnông ở xã Yang Tao, huyện Lak (Dak Lak) niềm vui được nhân đôi khi giá ca cao lên gần 50.000 đồng/kg. Cây ca cao bén duyên trên vùng đất này được xem như “cú hích” thúc đẩy trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nguồn thu nhập từ ca cao không những giúp nhiều hộ đồng bào cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.