Tỷ Phú Nuôi Tôm Ở Đồng Nai

Khởi nghiệp nuôi tôm từ năm 1999, nhờ tính cần cù và chịu khó, anh Đặng Thanh Lâm (sinh năm 1980, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đã trở thành tỷ phú nhờ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp.
Với gần 7 hécta mặt nước hiện có, anh Lâm đã cải tạo thành 17 ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Hiện đầu ra của con tôm khá ổn định, mỗi năm thu lời hàng tỷ đồng.
* Mạnh dạn đầu tư
Sau một thời gian bôn ba lập nghiệp bằng nhiều nghề, như: thợ cơ khí, thợ cắt kính… nhưng thu nhập không cao, năm 1999 anh về quê Nhơn Trạch và cải tạo gần 1 héc ta đất ngập mặn của gia đình để nuôi tôm sú. Anh Lâm chia sẻ: “Thời gian đó ở xã rộ lên phong trào nuôi tôm thiên nhiên, gia đình tôi có gần 1 hécta đất ngập mặn phù hợp với nuôi tôm sú nên tôi đã nuôi thử nghiệm.
Năm đầu do chưa nắm vững kỹ thuật nên sản lượng tôm thành phẩm không cao, chỉ lời được 10 triệu đồng. Tới năm 2000, tôi chuyển sang nuôi tôm sú bán công nghiệp”.
Vào năm 2005, huyện Nhơn Trạch rộ phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Với số tiền tích lũy được, anh Lâm đã mua thêm đất mở rộng diện tích nuôi tôm, đồng thời đầu tư thêm các thiết bị máy móc: máy bơm nước, hệ thống lắp quạt, dàn quạt ôxy... và chuyển hẳn sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Anh Lâm cho biết, tôm thẻ chân trắng sinh trưởng nhanh lại dễ thích nghi môi trường hơn tôm sú.
Vào mùa mưa, độ mặn và nhiệt độ thường xuống thấp gây trở ngại lớn cho việc nuôi tôm sú, trong khi nuôi tôm thẻ chân trắng lại thích ứng tốt với các mô hình nuôi có độ mặn từ 0-40%. “Nuôi tôm thẻ phải cho ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp, thành phần thức ăn phải được chia đồng đều thì tôm mới tăng trưởng tốt, cho ăn quá nhiều sẽ gây ô nhiễm nước làm cho tôm dễ bị chết. Những năm đầu do chưa nắm được kỹ thuật cho ăn nên năng suất tôm của gia đình tôi cũng kém” - anh Lâm nói.
* Mở rộng diện tích
Sau từng vụ thu hoạch trúng giá, ngoài số tiền vốn “lận lưng” để dành phòng cho vụ sau, anh Lâm lại thuê thêm đất mở rộng diện tích nuôi tôm. Từ 1 hécta ban đầu, hiện anh đã mở rộng diện tích lên gần 7 hécta mặt nước nuôi tôm. Bên cạnh đó, anh cũng đã đầu tư thêm thiết bị công nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhiều hơn.
Anh Lâm cho biết: “Những năm gần đây, tôm thường xuất hiện các loại dịch bệnh nên khâu quan trọng là phải cải tạo ao đầm thật kỹ lưỡng, đảm bảo xử lý nguồn nước thật sạch. Sau khi thu hoạch, phải xả sạch và phơi ao trong vòng 5-7 ngày để phân hủy những bùn bã hữu cơ dưới đáy ao ở vụ trước. Trong quá trình nuôi tôm cũng cần tập trung theo dõi, quan sát để kịp thời xử lý các loại dịch bệnh của tôm”.
Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp một năm thường có 3 vụ, trung bình mỗi vụ anh thu được hơn 9 tấn/hécta. Sắp tới, anh Lâm cũng sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, anh đang cung cấp sản phẩm cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam với giá 140 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh lời hơn 7 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 17/11, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết tôm nước lợ năm 2014 và triển khai kế hoạch nuôi tôm năm 2015. Dự Hội nghị có đồng chí Lê Thành Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các địa phương, hiệp hội nuôi tôm, doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nuôi tôm tiêu biểu trong tỉnh.

Năm 2014 những hộ nuôi hàu lồng ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau rất phấn khởi vì thời tiết thuận lợi, hàu thương phẩm không bị rớt giá. Toàn xã Đất Mũi hiện có 17 bè nuôi hàu, khoảng 500 lồng. Đầu năm 2014, thả nuôi trên 100 tấn hàu giống, đến nay đã thu hoạch 170 tấn hàu thương phẩm trừ chi phí lãi trên 1 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ lãi trên 70 triệu đồng. Sau 8 tháng hàu giống đạt trọng lượng từ 4 - 5 con/kg và thu hoạch dần cho đến cuối năm, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh giá dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Hàu là loại dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là phù sa. Đặc biệt nuôi hàu cũng ít tốn công chăm sóc nên lợi nhuận đem lại từ con hàu thương phẩm rất lý tưởng. Hiện nay, những hộ nuôi hàu lồng xã Đất Mũi chuẩn bị hàu giống để nuôi lấp vụ.

Nghề nuôi cá tra ở Đồng Tháp Đồng Tháp là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất khu vực ĐBSCL. Năm 2013 nuôi 1.994 ha, sản lượng đạt 365.437 tấn, XK đạt 182.714 tấn, giá trị kim ngạch hơn 473 triệu USD. Cá tra Đồng Tháp đã có mặt ở hơn 90 thị trường trên thế giới.

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh Nam Định hiện phát triển sôi động cả ở vùng mặn lợ và nước ngọt; diện tích nuôi trồng đạt trên 15,5 nghìn ha với 40 vùng nuôi tập trung, sản lượng trung bình mỗi năm đạt 63,5 nghìn tấn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất giống, sản xuất thức ăn và nuôi trồng được ứng dụng nhanh vào sản xuất.

Hơn một tháng qua, người nuôi cá điêu hồng ở Hợp tác xã (HTX) xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) phấn khởi vì cá điêu hồng được các thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước và nông dân lãi hơn 6.000 đồng/kg cá. Tuy nhiên, giá cá thường bấp bênh, dịch bệnh tăng, chất lượng con giống và môi trường là những vấn đề khiến người nuôi cá điêu hồng không an tâm.