Tỷ Phú Cá Lóc

Ông Nguyễn Văn Long ở phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên là một trong những gương sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn phường nhiều năm liền. Ông được nhiều người biết đến nhờ đi đầu trong thực hiện mô hình nuôi cá lóc, mỗi năm thu về cả tỷ đồng.
Năm 1988, sau khi xuất ngũ trở về, ông Long không những tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương mà còn hăng hái trong sản xuất nông nghiệp. Ông tâm sự, cuộc sống của gia đình ông vào những năm 1990 còn nhiều khó khăn, vì gia đình dựa vào nghề làm nông nhưng trong tay chỉ được vài ngàn m2 đất. Nhưng nếu có quyết tâm và tìm tòi hướng đi mới thì sẽ thành công.
Với suy nghĩ đó, ông đã chịu khó tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở trong và ngoài địa phương, sau đó mạnh dạn gom hết vốn liếng thuê 3 ha đất ruộng tại khu phố Tân Mỹ, phường Thái Hòa để đào ao nuôi cá rô đồng. Ban đầu ông chỉ nuôi hơn 1 ha mặt nước.
Những vụ đầu có vụ ông bội thu nhưng có vụ thua lỗ nặng vì cá chết, không đạt doanh số, lại còn bị thương lái ép giá… “Làm ăn có lúc thuận lợi, lúc khó khăn. Cái chính là mình học hỏi được nhiều qua những vụ cá để có hướng phát triển phù hợp”, ông Long nói. Đó cũng là lý do để ông tiếp tục gắn bó với nghề nuôi cá, nhưng với cách làm mới, hiệu quả hơn.
Từ nguồn tiền tích góp sau thời gian nuôi cá rô đồng, ông tiếp tục học hỏi từ các mô hình hiệu quả, các lớp tập huấn và từ sách vở rồi lập dự án hẳn hoi và vay thêm vốn từ ngân hàng, người thân chuyển sang mô hình nuôi cá lóc - một mô hình chăn nuôi khá mới lúc bấy giờ. Thành công ngay từ những vụ đầu tiên nên ông đã mở rộng diện tích nuôi lên 3 ha mặt nước. “Mỗi năm tôi thu được hai vụ cá, mỗi vụ thu hoạch khoảng trên 200 tấn cá, giá bình quân từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Tính ra mỗi năm tôi thu lãi ròng hơn 1 tỷ đồng”, ông Long cho biết.
Với cách làm ăn khá vững vàng này, ông Long không chỉ vươn lên làm giàu mà còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động nghèo tại địa phương với mức lương 5 triệu đồng/ người/tháng. Đặc biệt, trong thời gian qua ông còn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân trong và ngoài địa phương thực hiện thành công mô hình nuôi cá lóc. Ông Long đã được TX.Tân Uyên nhiều lần khen thưởng và hiện đang được địa phương đề xuất Trung ương cấp bằng khen “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Là người được huấn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội, khi trở về công tác ở địa phương ông Long rất chịu khó và năng nổ trong công việc. Không chỉ hoàn thành tốt công tác tại địa phương ông còn làm kinh tế giỏi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân nên được nhiều người quý mến.
Có thể bạn quan tâm

Vịt trời trong tự nhiên là một trong các loại động vật hoang dã, thịt thơm ngon, ngọt, mềm hơn các loại vịt thông thường và đặc biệt là không có mùi tanh. Do vậy, những món ăn chế biến từ vịt trời đều mang hương vị độc đáo hơn vịt thường. Từ đó, vịt trời đã được thuần hóa, đưa vào sản xuất đại trà trong các trang trại và nông hộ ở một số tỉnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người.

Trạm Khuyến nông Tây Sơn (Bình Định) vừa triển khai mô hình (MH) “Nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao ở giai đoạn bê con” tại hộ ông Hồ Xuân Dũng ở thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh với quy mô 5 con bê lai F1 thuộc giống bò BBB - giống bò siêu thịt của Bỉ.

Lựa chọn giống gà Bình Định nuôi thả vườn theo hướng an toàn sinh học để phát triển kinh tế, anh Hồ Phú ở khu phố 2, phường Thác Mơ (Phước Long, Bình Phước) đang dần gầy dựng thương hiệu gà uy tín, chất lượng với các hệ thống nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị xã.

Sau hơn 1 năm đưa vào sản xuất ở 2 xã Đức Hương và Hương Quang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), cây chanh leo đang khẳng định giá trị kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác với mức thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm.

Trong khi nhiều nông dân ở Cà Mau đang vỡ nợ vì nuôi tôm công nghiệp, phải cầm cố ruộng đất hoặc bỏ xứ đi làm ăn xa thì không ít người vẫn thành công từ con tôm nhờ áp dụng mô hình nuôi lót bạt trên ao nhỏ.