Tuyển chọn các giống lúa thích hợp cho vùng tôm lúa Sóc Trăng

Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ năm nay sẽ tăng cao, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ mùa khô năm 2014 - 2015 và trung bình nhiều năm trước, ở các tỉnh như:
Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của mặn từ cuối tháng 11/2015.
Trong tình hình thời tiết bất lợi này, nông dân Sóc Trăng – nhất là bà con ở những vùng trũng và bị ảnh hưởng nhiều của tình trạng xâm nhập mặn, như các xã vùng Tôm - Lúa Mỹ Xuyên, Long Phú, thị xã Ngã Năm… đang rất cần những bộ giống lúa chịu mặn tốt, ngắn ngày và cao sản để phục vụ cho sản xuất sắp tới.
Chính vì thế, công tác tuyển chọn, thanh lọc những giống lúa chất lượng thích hợp cho từng vùng sinh thái trong tỉnh, được xem là công tác trọng tâm của Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng nhiều năm qua.
Để có những giống mới đạt năng suất, chất lượng, chịu mặn tốt cho nông dân sản xuất hằng năm, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ các Viện, trường cũng như nhận những giống/dòng lúa triển vọng về tổ chức thí nghiệm:
Quan sát sơ khởi, trắc nghiệm hậu kỳ, khảo nghiệm so sánh, trồng sản xuất thử tại các vùng mặn trong tỉnh; tuyển chọn những giống lúa chiếm ưu thế về nhân giống tại 2 Trại giống là Long Phú và Kế Sách.
Từ đó, Trung tâm sẽ giới thiệu những giống mới để bổ sung vào bộ giống lúa cho từng địa phương, góp phần tăng diện tích giống có phẩm chất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Út – Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng cho biết: “Trung tâm liên kết với Viện lúa ĐBSCL nhận bộ giống lúa có khả năng chịu mặn khá để trồng thử nghiệm ở vùng ven biển và vùng Tôm – Lúa để chọn ra những giống thích hợp cho bà con sản xuất.
Ngoài ra Trung tâm còn tiến hành thêm một số thí nghiệm về kỹ thuật canh tác, cách sử dụng phân bón cho vùng Tôm – Lúa”.
Mỹ Xuyên là huyện có đặc thù điều kiện tự nhiên phát triển được mô hình Tôm – Lúa.
Trung bình mỗi năm người dân lấp vụ lúa trên nền vuông Tôm từ 10.000 - 12.000 ha, chủ yếu là giống lúa thơm đặc sản đang được ưa chuộng trên thị trường.
Đây vừa là lợi thế nhưng cũng vừa là thách thức, khi người trồng lúa nơi đây hằng năm phải chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Ông Trần Quốc Dữ ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, chia sẻ: “ Việc trồng lúa ở vùng nuôi Tôm thời gian gần đây có cái khó là độ mặn cao.
Thường ở vùng này bà con hay sử dụng giống ST5, Một bụi đỏ, nhưng 2 giống lúa này có thời gian hơi dài, phải từ bốn tháng trở lên, mà với tình hình mặn tăng cao và sớm như hiện nay thì những giống lúa này không còn phù hợp cho vùng Tôm – Lúa”.
Ông Lâm Văn Long – Phó Phòng NN& PTNT huyện Mỹ Xuyên nhận định: “Trước tình hình mặn xâm nhập sớm làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con 6 xã vùng Tôm – Lúa của huyệm Mỹ Xuyên.
Ngành Nông nghiệp huyện đã kết hợp với Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng tiến hành khảo nghiệm các loại giống chịu mặn cao, để tuyển chọn ra những giống thích nghi với từng vùng sinh thái, từng khu vực, giúp bà con ổn định cơ cấu sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Từ năm 2008 đến nay, hằng năm, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng triển khai khảo nghiệm các giống lúa thích nghi cho vùng nhiễm mặn, qua đó đã chọn được gần 20 giống lúa triển vọng giới thiệu cho bà con trong vùng nhiễm mặn nhẹ đến cao, trong đó có các giống ST5, OM 5629, OM 6976 … được nhiều nông dân lựa chọn sản xuất mấy năm nay, vì cho năng suất cao và chất lượng gạo tốt.
Tiếp tục trong năm nay, Trung tâm tiến hành khảo nghiệm các giống mới từ giữa tháng 9, hiện đang từng bước theo dõi và thanh lọc các giống lúa chịu mặn tốt nhất, để trồng trình diễn ra diện rộng và giới thiệu cho nông dân.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bắp – Phó Trưởng Trại giống cây trồng Long Phú cho biết: “Hiện Trại giống đang trồng khảo nghiệm khoảng 100 giống mới tại xã Hòa Tú 2, vùng chịu nhiều tác động của mặn mấy năm qua.
Qua khảo nghiệm, chúng tôi nhận thấy một số giống lúa có khả năng chịu mặn tốt như HHZ- Y7- Y3.
Tuy nhiên giống HHZ thì lượng gạo và năng suất không bằng OM 4900.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện đặc tính chịu mặn của các giống lúa này và giới thiệu đến với bà con trong những vụ sản xuất tới”.
Tuy mỗi năm Trung tâm chỉ có thể cung cấp khoảng 500 tấn lúa giống nguyên chủng và xác nhận cho nông dân, nhưng hiện tại Trung tâm đang hợp tác với các đơn vị thực hiện nhiều dự án, cũng như triển khai hỗ trợ giống, hỗ trợ kỹ thuật để bà con tự sản xuất lúa giống, mục tiêu là để đáp ứng đủ nhu cầu về các giống lúa chất lượng – đặc biệt là giống lúa thích hợp cho vùng Tôm-Lúa, vùng mặn phèn, vùng sản xuất khó khăn.
Qua đó sẽ nâng cao diện tích trồng các giống lúa đặc sản chất lượng cao của tỉnh và giảm dần tỉ lệ nông dân sử dụng lúa thương phẩm làm giống hoặc mua những giống lúa không chất lượng về sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, bên cạnh việc các hợp tác xã (HTX) phát huy vai trò “bà đỡ” thì nông dân nhiều địa phương cũng rất năng động liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ngày đầu thành lập, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã thực sự trở thành “phao cứu sinh: đối với ngư dân. Ngay đầu năm 2015 đã có 2 gia đình ngư dân trong tỉnh nhận được nguồn hỗ trợ lớn để hiện thực hóa ước mơ đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển để làm ăn hiệu quả hơn.

Tuy mang lại hiệu quả lớn nhưng hiện giờ, việc liên kết sản xuất lúa giống giữa nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống (DN) lại khó mở rộng diện tích vì nhiều lý do. Trong đó có chuyện nông dân và HTX chưa thực sự đặt niềm tin vào DN…

Mặc dù tình trạng nắng hạn đang diễn ra gay gắt những nhờ sự chủ động trong lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nên nhiều loại cây trồng lấy củ, nông sản trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đều được mùa. Tuy nhiên, niềm vui của nông dân chưa trọn vẹn khi phải đối mặt với tình trạng được mùa- mất giá.

Ngày 20/6, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chình bông theo hình thức công nghiệp. Đến dự hội nghị có đại diện các cơ quan chuyên môn, phòng nông nghiệp các huyện và hơn 100 nông dân nuôi cá chình trong tỉnh.