Tương Lai Nào Cho Sản Phẩm Nông Sản Sạch?

Sản xuất nông sản theo hướng sạch đã và đang được các nhà khoa học và ngành chức năng khẳng định là hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo các yếu tố bền vững cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng sản phẩm.
Thời gian qua, được hỗ trợ và khuyến khích phát triển, các địa phương vùng ĐBSCL ngày càng hình thành nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Các mô hình sản xuất này đã giúp đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời giảm các tác động xấu đến môi trường.
Theo nhiều nông dân tham gia các mô hình sản xuất sạch, lợi nhuận của họ cũng được cải thiện vì tiết giảm được phân thuốc, vật tư đầu vào… trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, nông dân còn tăng thêm lợi nhuận khi nhiều doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường do sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc.
Nhiều ý kiến cho rằng việc sớm ban hành các tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc cho các loại rau củ quả và hàng nông sản nói chung được buôn bán tại các siêu thị và chợ là rất cấp thiết. Trong ảnh: Mua bán rau củ tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ.
Song, đầu ra nhiều sản phẩm nông sản sạch vẫn còn bấp bênh nên nhiều nông dân ngại tham gia phát triển, nhân rộng nhanh các mô hình sản xuất nông sản sạch. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều mô hình sản xuất rau an toàn tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã được nông dân thực hiện tốt theo các quy trình sản xuất sạch được ngành chức năng đưa ra. Tuy nhiên, giá rau sạch trên thị trường vẫn tương đương giá các loại rau thông thường khác. Ngoài ra, nông dân chủ yếu bán hàng thông qua thương lái, thiếu các kênh phân phối bán hàng riêng.
Các sản phẩm này cũng chưa được đóng gói và có bao bì, nhãn hiệu để giúp người tiêu dùng phân biệt với các sản phẩm được sản xuất theo quy trình thông thường… Đáng ngại hơn, đôi lúc sản phẩm làm ra không được hấp dẫn người tiêu dùng.
Nguyên nhân do sản phẩm không tươi tốt và có màu sắc sáng đẹp như các loại rau cải thông thường vì phải tuân thủ các quy trình bón phân, xịt thuốc để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tương tự, nhiều mô hình sản xuất sạch đối với lúa gạo, trái cây và thủy sản, đa số nông dân chỉ gặp thuận lợi về đầu ra sản phẩm khi có liên kết, bao tiêu của doanh nghiệp. Từ đây, các sản phẩm sạch mới được doanh nghiệp đóng gói, dán nhãn mác trước khi đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay mức độ tham gia của doanh nghiệp vào việc liên kết với nông dân để phát triển các mô hình sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn sạch vẫn còn khiêm tốn do doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch ở thị trường trong và ngoài nước. Đó là chưa kể doanh nghiệp còn gặp các khó khăn về tài chính và năng lực thu mua hàng, nhất là lúc bước vào mùa thu hoạch rộ…
Nếu nhân rộng các mô hình nông sản sạch, doanh nghiệp rất cần cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, đặc biệt là cần có chính sách và lộ trình thắt chặt và tiến tới chấm dứt việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản không được sản xuất theo các tiêu chuẩn "sạch" tại thị trường nội địa. Có như vậy, đầu ra các sản phẩm nông sản sạch mới rộng mở và có được tương lai tươi sáng.
Tạo thuận lợi về đầu ra để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn sạch là rất quan trọng. Nhà nước cần có quy định và lộ trình hướng tất cả các sản phẩm nông sản buôn bán ở thị trường nội địa phải đạt theo các tiêu chuẩn sạch, ít nhất là đạt theo VietGAP.
Trong đó, trước mắt, cần sớm áp dụng các tiêu chuẩn "sạch" cho các sản phẩm nông sản bán tại các siêu thị và chợ để nông dân dễ dàng tiêu thụ sản phẩm. Việc làm này cũng vừa góp phần đảm bảo hàng hóa chất lượng, vừa tạo thuận lợi cho người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường.
Không chỉ vậy, đây cũng là biện pháp hữu hiệu góp phần kêu gọi người tiêu dùng "nói không" với hàng hóa buôn bán tràn lan khó kiểm soát giá cả, chất lượng và buôn bán lấn chiếm lòng lề đường gây mất mỹ quan đô thị, không đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
An toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề rất bức thiết, việc hỗ trợ tối đa về đầu ra cho các sản phẩm nông sản sạch cũng là điều cần được quan tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết!
Có thể bạn quan tâm

Nhờ nuôi cá sấu, người nông dân tròm trèm 60 tuổi với nước da ngăm đen, giọng nói điềm đạm từng rướn mình chở khách trên khúc sông trước nhà, nay đã trở thành doanh nhân tỷ phú, đối tác mãi tận trời Tây .

48 tuổi đời, hơn 30 năm kinh nghiệm làm nông, anh Từ Đình Vang (thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã có được cơ ngơi bạc tỷ.

Theo đó, Công ty Rijk Zwaan sẽ phối hợp với các hộ nông dân Đà Lạt hình thành một cơ sở trồng và nghiên cứu các loại giống rau Đà Lạt và giống ngoại nhập (khoảng 3 - 5ha), đồng thời sẽ lập một trang trại chuyên sản xuất hạt giống, đặc biệt là hạt giống rau, để cung cấp cho Việt Nam và xuất khẩu (khoảng 15 - 20ha).

Ban Quản lý cũng đang xúc tiến làm việc với các đơn vị để tiếp nhận khu đất khoảng 180ha tại Nông trường An Hạ (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) để xây dựng Khu NNCNC chuyên về chăn nuôi, chủ yếu nghiên cứu phát triển giống heo, bò…

Xã Ba Trại thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) với thương hiệu chè sạch truyền thống. Chè sạch Ba Trại đã được chứng nhận thương hiệu cách đây 4 năm nhưng người nông dân nơi đây vẫn đang vất vả tìm đường cho sản phẩm truyền thống của mình, nơi mà một thị trường rộng lớn chỉ cách 60km...