Tưới Nước Ít Hơn Vẫn Bảo Đảm Năng Suất Cà Phê

Tưới nước ít hơn vẫn bảo đảm năng suất, thông tin này được giới khoa học đưa ra thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của nông dân làm cà phê. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa khi tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đang hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, trong đó có sự sụt giảm mực nước ngầm phục vụ tưới tiêu cho cây trồng…
Dak Lak là tỉnh đóng góp khoảng 40% sản lượng cà phê của Việt Nam. Để việc canh tác cà phê đem lại hiệu quả kinh tế cao, việc bảo đảm đủ nước tưới trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 là cực kỳ cần thiết. Trước đây nông dân thường tưới nhiều gấp đôi lượng nước được khuyến cáo.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, không phải tưới nhiều nước là đem lại hiệu quả kinh tế. Bởi cùng với vấn đề tưới nước còn bao gồm nhiều chi phí khác như nhân công, nhiên liệu và thiết bị, chiếm khoảng 15-20% tổng chi phí sản xuất cà phê.
Tính theo phương pháp của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc, tổng lượng nước cần thiết cho sản xuất cà phê hằng năm là 1.388 mm, trong đó các tháng mùa khô từ tháng 1 đến tháng 4 cần 529 mm nước. Trong khi đó lượng mưa trong giai đoạn này chỉ đạt 113 mm.
Thêm nữa với khoảng 57% tổng lượng nước tưới được lấy từ nước ngầm và 95% lượng nước này được dùng để tưới cà phê thì đây thực sự là một thách thức khi vấn đề cạn kiệt nguồn nước ngầm ngày càng trầm trọng.
Các thử nghiệm thực tế trong những điều kiện thích hợp đã chứng minh rằng: tưới nước ít hơn 40% so với lượng nước được khuyến cáo sẽ không làm giảm năng suất cà phê. Thậm chí mức độ ức chế về nước cao hơn vẫn đem lại hiệu quả bởi mức độ ức chế sẽ kích thích cho cây ra hoa và đậu quả. Và vấn đề là ở chỗ cần phải có lịch tưới tối ưu.
Ví dụ với lượng mưa trung bình trong tháng 11, tháng 12 năm trước, chỉ cần khoảng 150 mm nước tưới cho cà phê trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 là đủ (tương đương 455 lít/cây/lần tưới x 3 lần). Nếu các tháng 11, tháng 12 năm trước có lượng mưa lớn, chỉ cần 80-120 mm nước tưới cho cà phê là đủ (tương đương 300 lít/cây/lần tưới x 3 lần).
Một điều tra cho thấy hơn 50% nông dân tưới nhiều nước hơn lượng nước tối ưu nói trên, năng suất thu được lại thấp hơn, trung bình 2,4 tấn/ha, trong khi những nông dân tuân thủ cách tưới tối ưu vẫn đạt năng suất 3-4 tấn/ha.
Trước thực trạng sự sụt giảm tài nguyên nước đến mức báo động, cùng với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp khác như kiên cố hóa kênh mương, khuyến khích trồng cây che bóng, đai rừng chắn gió, tăng cường lượng phân bón hữu cơ…, việc nâng cao nhận thức của nông dân về sử dụng nước bền vững trong sản xuất cà phê là điều cần thiết.
Theo như khuyến cáo của các chuyên gia, với khoảng 400 lít/cây/đợt tưới là đủ để đạt hiệu quả kinh tế và năng suất lên tới 4 tấn/ha. Bên cạnh đó, cần thiết kế một chương trình tập huấn chuẩn và bồi dưỡng năng lực cho nông dân trồng cà phê về quản lý nước bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đang phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn hạt điều mỗi năm cho ngành chế biến nhân điều xuất khẩu. Trong khi đó, nông dân lại đang đua nhau chặt bỏ loại cây trồng chủ lực này do hiệu quả kém.

“Vương quốc” thanh long của Việt Nam ngày càng mở rộng quy mô diện tích cũng đồng thời đòi hỏi nguồn điện cung ứng tăng cao. Vì vậy để phát huy hiệu quả cho cây trồng lợi thế này, ngành điện sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư nhiều công trình điện trong năm nay.

Sau mùa trái cây vụ tết, ông Nguyễn Văn Sơn, nhà vườn trồng bưởi da xanh ở xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, giá các loại bưởi luôn ở mức cao (nhất là bưởi da xanh), thương lái đến vườn mua bưởi da xanh loại 1 (bình quân 1,5 kg/trái) với giá 60.000 đồng/kg, loại 2 cũng lên đến 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Nhờ dự án hỗ trợ bò sinh sản của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, 50 hộ nghèo của 5 xã đặc biệt khó khăn ở huyện vùng cao biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa) đang dần thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bộ NNPTNT vừa có quyết định về việc ban hành kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL năm 2014.