Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tuần lễ Thủy hải sản bền vững 2015 lần đầu tiên được tổ chức

Tuần lễ Thủy hải sản bền vững 2015 lần đầu tiên được tổ chức
Ngày đăng: 21/08/2015

Thông qua Tuần lễ Thủy hải sản bền vững 2015, WWF nỗ lực nâng cao nhận thức người tiêu dùng về công tác quản lý có trách nhiệm trong ngành thủy hải sản tại Việt Nam. Qua đó, chương trình kỳ vọng tập hợp các mắt xích chính trong chuỗi cung ứng thủy hải sản tại Việt Nam – từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng – trong một nhiệm vụ chung là đưa thuỷ hải sản có chứng nhận quốc tế về nuôi trồng, khai thác có trách nhiệm thành một sản phẩm đại trà tại thị trường nội địa trong tương lai gần, từ đó cải thiện môi trường và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng Việt Nam.

Đánh giá về vai trò của người tiêu dùng đối với việc phát triển thủy hải sản bền vững, Giám đốc WWF Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng nắm giữ sức mạnh tạo ra nhu cầu thị trường, do đó đóng vai trò quan trọng trong việc dịch chuyển các ngành kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Việc người tiêu dùng lên tiếng khuyến khích các hộ nuôi và nhà sản xuất tiếp tục nỗ lực phát triển thủy, hải sản bền vững tại Việt Nam sẽ góp phần to lớn giúp nhân rộng mô hình sản xuất thủy hải sản có trách nhiệm trong nước, nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giảm tác động của ngành đến môi trường.

Về phía doanh nghiệp, đại diện một đơn vị xuất khẩu thủy sản hàng đầu tại Việt Nam, và là nhà cung cấp các sản phẩm chứng nhận ASC trong Tuần lễ Thủy Hải Sản Bền Vững 2015, cho biết: Phát triển bền vững có thể nằm trong lộ trình của mỗi doanh nghiệp, nhưng nếu người tiêu dùng chưa nhìn thấy lợi ích từ sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm so với sản phẩm thông thường, các công ty dễ thấy hoài nghi về kết quả thu được khi đầu tư vào việc này. Đặc biệt trong thị trường cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, chỉ sản xuất có trách nhiệm là chưa đủ, nếu doanh nghiệp không thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm. Các chương trình thu hút sự tham gia của người tiêu dùng, như Tuần lễ Thủy Hải Sản Bền Vững lần này, sẽ góp phần đáng kể cho sự mở rộng thực hành bền vững trong ngành thủy hải sản Việt Nam.

Trong Tuần lễ Thủy hải sản bền vững 2015, WWF giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam hai nhãn chứng nhận sinh thái quốc tế ASC (Aquaculture Stewardship Council) và MSC (Marine Stewardship Council). Các dự án gần đây do WWF hỗ trợ đã và đang giúp thủy hải sản sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt được các chứng nhận này. Ví dụ, số lượng trại nuôi đạt chứng nhận ASC tại ĐBSCL đã tăng gần 9 lần, từ 5 trại vào năm 2012 lên 43 trại vào năm 2014. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam hầu như chưa biết đến sự tồn tại của các sản phẩm này cũng như chưa tiếp cận được với chúng, vì hầu hết thủy hải sản đạt chứng nhận ASC và MSC tại Việt Nam đều được xuất khẩu và gần như không có mặt tại thị trường nội địa.

Hướng tới ủng hộ sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, trào lưu ngày càng phổ biến trên thế giới và dần trở thành một phần quan trọng của lối sống hiện đại, lành mạnh và tích cực, Tuần lễ Thủy Hải Sản Bền Vững với thông điệp “Ăn đúng kiểu – Hiểu đúng nguồn”, khuyến khích người tiêu dùng Việt hòa cùng cộng đồng quốc tế hỗ trợ sự phát triển của các sản phẩm đến từ nguồn có trách nhiệm.

Trong 10 ngày sự kiện, ngoài việc sản phẩm thủy hải sản nuôi trồng có trách nhiệm tại Việt Nam được giới thiệu đến với thị trường nội địa qua nhiều nhà hàng, chương trình thu hút người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động thú vị để nâng cao nhận thức về thủy hải sản bền vững, trong đó bao gồm triển lãm thông tin, nhảy flashmob theo chủ đề và các trò chơi hào hứng tại Crescent Mall, Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

Người tiêu dùng có thể truy cập trang www.cabenvung.vn để xem danh sách các nhà hàng tham gia vào chương trình, và đăng ký ủng hộ thủy hải sản bền vững tại Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

Lãi Lớn Từ Chim Cút Lãi Lớn Từ Chim Cút

Nghề nuôi chim cút tại Đồng Nai đã và đang đem lại mức thu nhập lý tưởng cho không ít bà con nông dân. Nhiều hộ đã tận dụng được hiệu quả kinh tế từ nghề này để thoát nghèo, dần trở nên khấm khá, có hộ nuôi lớn mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

16/08/2014
Nuôi Dê Cho Thu Nhập Khá Nuôi Dê Cho Thu Nhập Khá

Những năm qua, mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, Cà Mau. Từ mô hình này đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên ổn định cuộc sống. Trong đó phải kể đến ông Trần Văn Ðường, ngụ ấp Ðông Hưng là một trong những hộ nuôi dê đầu tiên của xã.

16/08/2014
Bí Quyết Trồng Na Dai Cho Hiệu Quả Cao Bí Quyết Trồng Na Dai Cho Hiệu Quả Cao

Nhìn những quả na dai to đều, nặng trĩu khắp các cành cao, cành thấp mới cảm nhận được nỗ lực chịu thương, chịu khó học hỏi không ngừng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thuyết để có được những bí quyết hay và thành quả của ngày hôm nay.

16/08/2014
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Lồng Theo Hướng VietGAP Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Lồng Theo Hướng VietGAP

Đây là mô hình nằm trong chương trình Đề án về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nuôi trồng nhằm mục tiêu tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người nuôi từng bước tiếp cận với phương thức sản xuất mới từ đó nâng cao trình độ sản xuất, thích hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

18/08/2014
Bắc Ninh Nhân Giống Và Bảo Tồn Loài Cá Bản Địa Chày Mắt Đỏ Bắc Ninh Nhân Giống Và Bảo Tồn Loài Cá Bản Địa Chày Mắt Đỏ

Cá chày mắt đỏ là một trong những loài cá bản địa sống ở các sông, hồ tự nhiên khu vực phía Bắc, đến nay trở nên quý hiếm do sản lượng ngày càng suy kiệt. Việc nhân giống cá chày mắt đỏ và phổ biến quy trình nhân giống có ý nghĩa lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên, đồng thời gợi mở cho các hộ nuôi trồng thủy sản một hướng phát triển kinh tế tiềm năng.

18/08/2014