Tự tin về đích đúng lộ trình

Xuất phát điểm là xã nghèo, nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng sau 4 năm triển khai XDNTM, Xuân Phổ đã hoàn thành 12/19 tiêu chí, gồm: quy hoạch, thủy lợi, hệ thống điện, nhà ở dân cư, bưu điện, tỷ lệ hộ nghèo, lao động có việc làm, hình thức sản xuất, giáo dục, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự.
Những kết quả đạt được tạo tiền đề cho Đảng bộ và nhân dân Xuân Phổ phấn khởi, tin tưởng tiếp tục vững bước đi lên, hoàn thành mục tiêu đề ra, phấn đấu về đích đúng hẹn trong năm nay.
Xác định XDNTM là mục tiêu quan trọng và lâu dài, không những làm thay đổi bộ mặt của xã mà còn của cả huyện Nghi Xuân, từ năm 2011 đến nay, Xuân Phổ đã làm mới được 9,871km đường trục xã (đạt 93,1%); 5,385km đường trục thôn (65%); bê-tông hóa 6,794km đường ngõ xóm (86%); 100% các tuyến đường không còn lầy lội trong mùa mưa và cát bụi vào mùa khô. Ngoài ra, xã còn bê-tông hóa được 2,185km đường nội đồng (chiếm 72% đường đạt chuẩn). Trong đó, đã tiến hành làm mới 1,072km rãnh tiêu thoát nước hai bên đường và trồng 2,4km cây xanh ở đường trục xã.
Đến nay, 5 HTX (Xuân Thành, Hoàng Thông, Phổ Xuân Dương, HTX dịch vụ nông nghiệp và thuỷ lợi, Tiến Thắng) hoạt động hiệu quả, có hợp đồng liên doanh, liên kết; có 4 tổ hợp tác (THT) chăn nuôi lợn, 2 THT (Hoàng Nam, Thế Danh) và 1 THT chăn nuôi bò, 1 THT chăn nuôi gà (Thanh Bình).
Ngoài ra, xã còn có 4 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp Hải Nghĩa và Xí nghiệp chế biến bột cá Hòn Ngư, hoạt động khá hiệu quả và 2 doanh nghiệp mới thành lập. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt trên 90% (2.249/2.408 lao động), góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo của Xuân Phổ giảm còn dưới 5% (59/1.226 hộ).
Các cấp chính quyền xã Xuân Phổ đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS được triển khai bài bản, đạt kết quả tốt, trên 88,4%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc, học nghề đạt 99%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt gần 60% (1.441/2408 lao động).
Đặc biệt, tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị đã được xã hoàn thành; Đảng bộ, chính quyền xã đều đạt tiêu chuẩn “trong sạch vững mạnh”. Năm 2014, 100% cán bộ xã đạt chuẩn cán bộ công chức và có đủ tổ chức hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.
Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, trường học và môi trường, mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính nhưng cũng được Ban chỉ đạo XDNTM xã khẩn trương thực hiện, tăng tốc để kịp về đích. Trường mầm non xã đang được nâng cấp và hoàn thiện; trường tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia, hiện đang hoàn thành trần 5 phòng học, nhà để xe giáo viên và mở rộng khuôn viên trường.
Đối với tiêu chí môi trường, xã đã có Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân thu gom rác thải trên địa bàn và đã cho xây dựng 4 bãi tập kết rác thải tập trung, hiện đã đi vào hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Do có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu, nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên chúng tôi xác định, chỉ có huy động sức dân với chủ trương “quân với dân đồng sức đồng lòng” thì công cuộc XDNTM mới đạt được mục tiêu đề ra. Tất cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với nhân dân đồng sức đồng lòng, thống nhất cao, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, người người, nhà nhà XDNTM”.
Cũng theo ông Anh, bên cạnh những kết quả đạt được, Xuân Phổ vẫn đang gặp nhiều khó khăn. “Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, chúng tôi đã đạt được nhiều thành quả trong XDNTM. Tuy nhiên, theo dự tính của chúng tôi, để về đích cần nguồn kinh phí khoảng 13 tỷ đồng, trong khi huy động nguồn lực địa phương chỉ được 4 tỷ đồng.
Vì vậy, đề nghị huyện, tỉnh cùng các doanh nghiệp quan tâm, chung sức chung lòng hỗ trợ thêm nguồn lực cho Xuân Phổ. Hiện, hệ thống cơ sở hạ tầng của xã đang còn thiếu, các công trình trường học, nhà văn hoá, sân thể thao đều đang thi công”, ông Anh nói.
Hiện, Xuân Phổ vẫn đang cố gắng huy động mọi nguồn lực để hoàn thành chương trình XDNTM và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có giải pháp cụ thể, ưu tiên nguồn lực để xã hoàn thành chương trình theo đúng lộ trình đề ra.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thu được nhiều kết quả khả quan và được bà con nông dân vùng lũ nhân rộng. Mô hình này không cần diện tích rộng, người nuôi tận dụng thức ăn sẵn có trong mùa lũ, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Đặc biệt, mô hình đã giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn cho bà con vùng lũ.

Đó là Dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng phát triển sản xuất lợn giống” tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, do Phòng NN – PTNT huyện triển khai từ năm 2009; giúp gần 200 hộ có con giống, kinh nghiệm nuôi lợn nái để bán giống cũng như phục vụ nhu cầu nuôi lợn thịt của gia đình. Đã có rất nhiều hộ thoát đói nghèo từ Dự án ý nghĩa này.

Gà sao là đối tượng vật nuôi mới với ý tưởng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi có giá trị thu nhập cao cho nông hộ nhằm thay thế dần những vật nuôi thu nhập thấp không ổn định và thường xuyên bị rủi ro dịch bệnh, giá đầu ra bấp bênh. Với mục đính đó, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp –PTNT; Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh xây dựng thành công mô hình gà sao tại xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) và Đức Lạng (Đức Thọ) đạt hiệu quả cao.

Mặc dù đang ở chính vụ nhưng nhiều ao nuôi thủy sản nước lợ vẫn chưa được nông dân cải tạo, thả giống do điều kiện nuôi không thuận lợi. Lựa chọn con giống và kỹ thuật thả nuôi phù hợp là biện pháp cần thiết để nông dân có thể tận dụng những diện tích ao “bỏ hoang”, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Sau khi trái cam sành vụ nghịch leo lên mức giá trên 30.000 đồng/kg thì ngay lập tức nhiều nhà vườn ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh đã đổ xô trồng cam sành. Và hậu quả như thế nào thì chưa thể đoán được, nhưng thực trạng hiện nay giá cam sành đã tuột thẳng dốc và chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg.