Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Từ Hiệu Quả Của Cây Nếp Phú Tân (An Giang)

Từ Hiệu Quả Của Cây Nếp Phú Tân (An Giang)
Ngày đăng: 14/11/2013

Người dân vùng Phú Tân (An Giang) từ lâu luôn tự hào về cây nếp trên “lãnh địa” của mình bởi bên cạnh lợi thế được huyện, tỉnh quy hoạch trồng trên diện rộng, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng, cây nếp còn cho hiệu quả kinh tế khá cao, vừa xây dựng thương hiệu hạt nếp Phú Tân ngon, dẻo đặc trưng, vừa giúp bánh phồng Phú Mỹ vươn xa ra thị trường các tỉnh bạn. Tuy nhiên, đang có nhiều nông dân ở địa phương khác “ăn theo” nếp Phú Tân, tạo nên tình trạng mất cân đối trong quy hoạch cơ cấu cây trồng.

Phú Tân là một trong bốn huyện cù lao của tỉnh, hàng năm sau khi nước lũ rút để lại lượng phù sa dồi dào cho đất cùng với hệ thống thủy lợi tốt nhất nhì của tỉnh đã mang lại lợi thế lớn cho huyện trong sản xuất nông nghiệp.

Con đường đi đến hoàng kim:

80% người dân ở huyện cù lao Phú Tân làm nông nghiệp, trong đó, diện tích trồng nếp trên 85% với sản lượng khá cao. Nghề trồng lúa nếp đã đóng góp đáng kể phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân, đóng góp vào ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Với vùng chuyên canh lúa nếp trong nhiều năm qua, nếp Phú Tân luôn đảm bảo năng suất cao, đầu ra sản phẩm ổn định, tiếp tục được tỉnh quy hoạch và sẽ triển khai trong vụ đông xuân 2014 với trên 50.500 héc-ta chuyên canh lúa nếp. Như vậy, diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện sẽ giảm xuống còn 3.500 héc-ta. Để nâng cao chất lượng cũng như năng suất lúa nếp, tỉnh đã triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho địa phương, tập trung việc chọn lựa các loại giống lúa nếp tốt, chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng về mùa vụ cùng với công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Chúng tôi tìm gặp lại ông Lê Văn Hừng (út Hừng), ngụ ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ – người được mệnh danh là “vua trồng nếp” ở vùng Phú Tân từ những năm 2000. Ông út Hừng cho biết, trước đây, nông dân vùng Phú Tân cũng làm lúa như những huyện khác, số người trồng nếp chỉ chiếm chừng 40%, vừa đủ cung ứng tại địa phương. Năm 1996, nếp ngày càng có giá, thương lái từ nhiều nơi đổ về thu mua, bà con làm lúa bắt đầu ồ ạt trồng nếp theo. Dù đầu ra không ổn định nhưng nếp luôn có giá từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, cao hơn lúa khoảng 1.000 đồng/kg nên ai cũng ham. Năm 1999, huyện bắt đầu quy hoạch diện tích trồng nếp đầu tiên, hiệu quả mang lại rất cao. Năm 2000, nếp Phú Tân trúng đậm, riêng ruộng nếp của ông Hừng đạt năng suất đến 13 tấn/héc-ta, cái tên “vua trồng nếp” cũng gắn liền theo ông từ đó. “Có lẽ nhờ năm đó xả lũ, lượng phù sa bồi đắp nhiều cộng thêm thời tiết thuận lợi nên nếp mới trúng đến vậy” - ông út Hừng lý giải.

Vươn xa khắp nơi:

Từ năm đó trở về sau tuy không còn vụ nào đạt bằng vụ “kỷ lục” nhưng năng suất ông út Hừng và bà con trong vùng trồng vẫn khá cao so với lúa, trung bình 11 tấn/héc-ta, dù thấp cũng từ 7 đến 8 tấn/héc-ta. Vừa tiêu thụ tại chỗ, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho làng nghề bánh phồng Phú Mỹ, vừa xuất khẩu qua các đường tiểu ngạch sang Campuchia, Thái Lan và các thị trường lớn trong nước, “thương hiệu” nếp Phú Tân ngày càng được nhiều người biết đến. Nhờ sự quan tâm của các ngành tỉnh về công tác đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, sản xuất nếp trở thành nét nổi trội trong kinh tế nông nghiệp của huyện Phú Tân. Lợi nhuận cao, mức sống được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố, người dân càng có động lực mở rộng diện tích trồng nếp. Ông út Hừng kể lại, cách đây năm, bảy năm, khi đất trồng nếp trong huyện gần như đã… kín, nhiều nông dân trong vùng bắt đầu sang các huyện khác, kể cả ngoài tỉnh như vùng Cờ Đỏ, Thốt Nốt (Cần Thơ), các huyện của tỉnh Đồng Tháp thuê đất, mang theo giống nếp Phú Tân trồng. Nếp làm ra bao nhiêu bạn hàng đều tiêu thụ hết bấy nhiêu nên các điểm nhân giống từ quy mô tổ hợp tác, quy mô nhỏ lẻ cũng đua nhau mọc lên.

Không chỉ người địa phương, ở những nơi cây nếp đến “lấn đất”, bà con cũng chuyển dần từ làm lúa sang nếp. Điểm lại trong tỉnh hiện nay, cây nếp đã có mặt ở vùng Tứ giác Long Xuyên, tập trung như Tân Lập (Tịnh Biên), Lương An Trà (Tri Tôn), ngoài tỉnh có Tân Bình, Tân Hồng, Tháp Mười (Đồng Tháp), Thốt Nốt (Cần Thơ). So với nếp bản địa, nếp ở những vùng này thu hoạch sớm hơn, giá bán cũng cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg (nếp tươi). Không ai biết trước được thị trường tới đây sẽ như thế nào, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại trước mắt đã khiến cây nếp có “sức hút” đối với nhiều nông dân đang trồng lúa, nhất là giai đoạn lúa liên tiếp bị rớt giá như mấy năm gần đây.


Có thể bạn quan tâm

Nhiều Quyền Lợi Khi Tham Gia Mô Hình Hợp Tác Chăn Nuôi Nhiều Quyền Lợi Khi Tham Gia Mô Hình Hợp Tác Chăn Nuôi

Nếu trước đó, tổ viên phải mua thức ăn qua đại lý, cửa hàng bán lẻ với giá cao thì khi tham gia mô hình hợp tác, tổ viên sẽ được hỗ trợ vốn, mua hàng trực tiếp của công ty với giá gốc. Đặc biệt, tổ viên sẽ được hưởng phần chiết khấu đầu vào được Ban quản lý tổ chia đều sau mỗi tháng hoặc quí.

26/12/2014
Khai Trương Nhà Máy Chế Biến Gia Cầm Hiện Đại Khai Trương Nhà Máy Chế Biến Gia Cầm Hiện Đại

Nhà máy gồm hai khu, khu giết mổ gia cầm có công suất 1.500 – 2.500 con/giờ cung cấp nguồn gà sạch, đảm bảo quy chuẩn về VSATTP và khu sản xuất các sản phẩm từ gia cầm đã chế biến như: lạp xưởng gà, xúc xích gà, chà bông gà, trứng gà, cút,vịt luộc, bột trứng, bánh flan, một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà.

26/12/2014
Nghệ An Ứng Dụng Công Nghệ Vi Sinh Chế Biến Thức Ăn Cho Gia Súc Nghệ An Ứng Dụng Công Nghệ Vi Sinh Chế Biến Thức Ăn Cho Gia Súc

Để tạo ra nguồn thức ăn lớn từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã hợp đồng với Công ty Green Nghệ An thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng công nghệ vi sinh để chế biến thức ăn cho gia súc tại Nghệ An”. Dự án được triển khai trên địa bàn xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương từ tháng 12/2013 đã mang lại hiệu quả thiết thực.

26/12/2014
Bình Định Chăn Nuôi Bò Thịt Hiệu Quả, Bền Vững Bình Định Chăn Nuôi Bò Thịt Hiệu Quả, Bền Vững

Với giá bán hiện nay từ 75.000 - 85.000 đồng/kg bò hơi, người nuôi thu được hàng chục triệu đồng khi bán một con bò. Phương thức chăn nuôi bò tại nông hộ cũng đang chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh, chăn nuôi quy mô trang trại.

26/12/2014
Cấp Bách Phòng Chống Dịch Lở Mồm Long Móng Cấp Bách Phòng Chống Dịch Lở Mồm Long Móng

Từ đầu tháng 11/2014 đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã liên tục xuất hiện tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái. Tổng số gia súc mắc bệnh là hơn 480 con. Nguyên nhân chủ yếu là do vận chuyển con giống gia súc từ nơi khác đến làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh LMLM cho gia súc tại địa phương, nhiều gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy.

26/12/2014