Tư duy và cơ chế với cây sâm

Cây sâm còn có giá trị về kinh tế, trồng trong 5 năm có thể thu hoạch, mỗi ký củ sâm tươi có giá 30 - 50 triệu đồng. Thế nhưng gần đây sâm Ngọc Linh mới được đặt vào đúng vị trí, có cơ hội phát triển mạnh, trở thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho quê hương. Tất cả đó là nhờ vào “Tư duy mới và cơ chế thông thoáng”.
Về cơ chế, ngay trong các nghị quyết và định hướng phát triển kinh tế từ Huyện ủy, UBND huyện Nam Trà My cho đến Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh đều đã đặt cây sâm Ngọc Linh vào vị trí chủ lực trong các loại cây trồng cần được đầu tư kinh phí lớn giai đoạn 2015 - 2030. Ở cấp huyện, cuối năm 2014, Nam Trà My ra nghị quyết khôi phục bảo tồn vườn sâm. Đến đầu năm 2015, tại kỳ họp thứ 3, HĐND huyện (khóa X) ra nghị quyết thông qua “Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng vụ phát triển sâm Ngọc Linh”. Theo đó, từ năm 2015 đến năm 2020 tất cả tuyến đường xương cá, đường nhánh ở vùng trồng sâm trọng điểm của các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, với tổng chiều dài hơn 110km, sẽ được đầu tư mở rộng 5 - 7m và bê tông hóa. Ngoài ra, nghị quyết còn cho phép xây nhà bảo tàng sâm và xây dựng trung tâm nghiên cứu di thực sâm Ngọc Linh để có cơ sở mở rộng diện tích trồng sâm ra khắp địa bàn miền núi và xây dựng quần thể du lịch kết nối 2 huyện có nhiều sâm là Nam Trà My và Tu Mơ Rông của Kon Tum.
Dự kiến, tổng nguồn vốn thực hiện đề án khoảng 1.275 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư hơn 1.095 tỷ đồng, còn lại 180 tỷ đồng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đóng góp. Trước mắt HĐND huyện giao cho UBND huyện Nam Trà My trong 5 năm tới ưu tiên dành nhiều nguồn vốn khác nhau tập trung mở đường vào các vùng sâm một cách hoàn chỉnh và xây dựng cho được quần thể du lịch vùng sâm Ngọc Linh.
“Với những cố gắng lớn của đảng bộ, chính quyền đã giúp cho đời sống nhân dân cải thiện đáng kể. Mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Nam Trà My lần thứ XVIII đề ra là chọn cây sâm Ngọc Linh làm cây kinh tế mũi nhọn. Với giá trị kinh tế siêu lợi nhuận từ cây sâm chúng tôi hy vọng sẽ thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói giảm nghèo cho nhân dân và giúp đồng bào làm giàu một cách bền vững nhất”. (Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My) |
Ở cấp tỉnh, trong những ngày đầu năm 2015, UBND tỉnh đã có “cú hích” đột phá cho cây sâm Ngọc Linh khi xây dựng quy hoạch gần 19.000ha rừng có độ cao từ 1.500m đến 2.300m, có độ che phủ lớn và độ ẩm phù hợp điều kiện sinh thái của cây sâm ở 7 xã vùng cao huyện Nam Trà My, gồm: Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don, Trà Dơn thành vùng trồng sâm. Cái mới trong quy hoạch là Nhà nước chỉ dành gần 1.000ha ở Trà Linh xây dựng trung tâm bảo tồn và phát triển giống gen sâm Ngọc Linh quý hiếm, còn hơn 15.000ha sẽ được phân theo từng tiểu lô cấp cho cộng đồng dân cư có nhu cầu trồng sâm, phân theo từng tiểu khu để cấp cho các doanh nghiệp vào tìm hiểu đầu tư trồng sâm một cách thuận lợi nhất. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết “Về cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn Quảng Nam”. Theo đó các tổ chức kinh tế trong nước, các nhóm hộ nhân dân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định có nhu cầu trồng và phát triển sâm Ngọc Linh đều được phép thuê. Thời gian thuê môi trường rừng là 25 năm, mức giá mỗi năm 200 nghìn đồng/ha, thu phí một lần cho cả 25 năm. Để mang tầm chiến lược, UBND tỉnh cũng đã trình Chính phủ “Đề án quốc gia về sâm Ngọc Linh”. Tất cả đều là những cơ chế, chính sách cởi mở thông thoáng của huyện, của tỉnh và của trung ương nhằm mời gọi doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển rừng sâm và mở các nhà máy chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên địa bàn.
Đến thời điểm này, cây Sâm Ngọc Linh đã lọt vào tầm ngắm đầu tư dài hạn của các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Vừa qua đã có hàng chục nhà doanh nghiệp đến tìm hiểu và xin thuê môi trường rừng đầu tư trồng sâm. Có những doanh nghiệp lớn xin thuê đến cả nghìn héc ta để trồng sâm và sẵn sàng xây dựng nhà máy tại Nam Trà My chế biến thành phẩm từ sâm để tăng chuỗi giá trị sản phẩm”.
Cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhờ tư duy mới và cơ chế thông thoáng đã chuyển mình theo hướng tích cực, phát đi một thông điệp vui chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Nam Trà My lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Có thể bạn quan tâm

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 1- Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; 2- Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; 3- Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; 4- Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.

Thuộc diện hộ nghèo của xã Cam Thủy (Cam Lộ), gia đình ông Lê Phước Hoàng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất ở vùng kinh tế mới Cam Thủy Bắc để phát triển sản xuất. Có đất đai và sức lao động nhưng vì không có vốn đầu tư sản xuất nên thời gian đầu ông Hoàng chỉ trồng được vài giống cây ngắn ngày.

Hồ tiêu là một trong những loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, khoảng từ năm 2009-2012 vì lý do cây bị bệnh chết nhanh, giá cả không ổn định nên nhiều người dân tạm ngừng trồng tiêu, chuyển sang trồng các loại cây khác.

Xây dựng hình ảnh một "đại gia" trong ngành cà phê thế giới nhưng chỉ có 5% trong tổng lượng cà phê xuất khẩu từ VN là qua chế biến, 95% là xuất thô.

Ông Thi cho hay, hơn 15 năm trước, ông cùng gia đình sống bằng nghề trồng rau, cây rau bó xôi vốn gắn bó với ông từ nhỏ. Dù vậy, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đã vậy, khi lập gia đình, bố mẹ cho mượn 3 sào đất để sản xuất cũng bị giải tỏa, ông đành cùng vợ đi buôn bán rau kiếm sống. Gom góp được ít vốn, năm 1999, ông vào thôn Đạ Nghịt tìm mua đất sản xuất.