Trưởng Thôn 9X Năng Động

Nhìn những thanh niên trẻ măng sinh năm 1991-1993, khó ai có thể tin họ đang là những người “đứng mũi chịu sào” lo lắng công việc của thôn làng và nhận được tín nhiệm cao của người dân trong thôn.
Người vực dậy kinh tế thôn
Giữ cương vị trưởng thôn khi mới 23 tuổi, Đỗ Tấn Công (thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã tạo được lòng tin yêu của người dân trong thôn bằng nhiều việc làm thiết thực để phát triển kinh tế gia đình và địa phương…
Gia đình Đỗ Tấn Công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ba mẹ Công bị nặng tai, muốn nói chuyện với ông bà thì phải lại thật gần, nói thật to. Trong nhà Công còn có người cô ruột già yếu (vợ liệt sĩ). Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng gia đình vẫn cố gắng vay mượn để 2 anh em Công ăn học. Năm 2008, Công thi đậu Cao đẳng Quản trị kinh doanh thuộc Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Năm 2009, cô em gái cũng đậu Cao đẳng Ngân hàng của Trường Đại học Tài chính kế toán Quảng Ngãi.
Trong 3 năm học cao đẳng, Công tận dụng mọi thời gian có thể để đi làm thêm, từ phục vụ nhà hàng cho đến bán cà phê… để kiếm tiền ăn học. Sau khi ra trường, cất tấm bằng loại khá, Công trở về quê vay mượn được 20 triệu đồng, đầu tư vào chăn nuôi. Ban đầu anh nuôi trùn quế, do thiếu kinh nghiệm nên thua lỗ. Không nản chí, Công chuyển sang nuôi gà, nhưng kiến thức và kinh nghiệm không vững, số gà này cũng chết.
Không đầu hàng, đến tháng 2.2013, gia đình Công vay Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng theo diện hộ nghèo và đầu tư nuôi 500 con gà. May mắn vẫn chưa mỉm cười khi gà bán ra thị trường thời điểm đó mất giá, thu không đủ chi. Vẫn không lùi bước, tháng 8.2013, Công tiếp tục vay mượn để nuôi 700 con gà. Rút kinh nghiệm từ những thất bại lần trước, số gà lần này bán ra giúp anh lãi được 20 triệu đồng.
Với sự chuyên cần, tỉ mỉ trong quá trình nuôi nên đàn gà của Công phát triển tốt. Từ ban đầu chỉ có 1 trang trại, hiện nay Công đã mở rộng 8 trang trại với 5.000 con gà, trồng keo tai tượng, nuôi nhiều loại cá nước ngọt.
Chia sẻ với chúng tôi, Công không giấu niềm vui: “Từ nguồn lãi nuôi gà và tiền bán vườn keo của gia đình, tôi vừa mua đàn bò 6 con để nuôi. Tôi cũng có ý định sẽ kinh doanh thêm các mặt hàng như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… Hiện nay thu nhập của gia đình cũng khá ổn định, mỗi tháng đạt trên 20 triệu đồng”.
Anh trưởng thôn nhiệt tình
Dám nghĩ dám làm, Công được bà con trong thôn tín nhiệm đề cử làm trưởng thôn. Cuộc bầu trưởng thôn vào tháng 6.2013, Công giành số phiếu cao và cái danh hiệu “Trưởng thôn 9X” đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân thôn Vĩnh Quý.
Từ một thôn mà người dân chủ yếu trồng trọt, Công đã vận động bà con phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, phát triển kinh tế gia đình. Thôn Vĩnh Quý hiện đã dần thay da đổi thịt với những gia trại trù phú, đầm ấm...
Lãnh đạo một thôn với 273 nhân khẩu, quả là khó đối với một thanh niên mới ngoài 20 tuổi như Công. Nhiều người lo là Công tuổi còn trẻ, “nói chuyện phải quấy” sợ người lớn tuổi không nghe. Nhưng chỉ vài tháng bắt tay vào việc, Công đã chứng minh sự đĩnh đạc, nghiêm túc trong công việc.
Vì còn trẻ, Công luôn tìm được hướng giải quyết hài hoà mọi công việc. Việc gì khó là Công tranh thủ ý kiến đóng góp của các đảng viên, nhân dân trong thôn. Các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự đều có sự góp ý của người dân nên có sự đồng thuận cao. Chính vì vậy, thôn Vĩnh Quý năm vừa qua không có tệ nạn xã hội, số hộ nghèo đã giảm 6,9%.
Ông Võ Tấn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Vinh, chia sẻ: “Từ khi Công làm trưởng thôn, bộ mặt thôn Vĩnh Quý có những thay đổi tích cực. Không chỉ “miệng nói tay làm”, trong khi vận động bà con thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, anh còn tích cực truyền đạt những kinh nghiệm trong việc phát triển trang trại của mình”.
Có thể bạn quan tâm

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động XTTM các tỉnh, thành phố phía Nam 6 tháng đầu năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động XTTM thời gian tới muốn hiệu quả hơn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Công Thương với Cục XTTM.

Huyện Chư Pah-tỉnh Gia Lai có diện tích gần 1.000 km2 , trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 37.430 ha. Sau 5 năm, nền kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều thay đổi, đời sống nông dân có nhiều khởi sắc, một phần nhờ vào việc chuyển đổi đúng hướng cơ cấu cây trồng trên địa bàn.

Một thời gian ngắn nữa chính sách mới về tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là tín hiệu mừng cho doanh nghiệp và nông dân, góp phần vào việc khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực này…

Nhằm trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật giúp cho nông dân, hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở các lớp dạy nghề bám sát nhu cầu thực tế của hội viên.

“Trong những năm qua, nhằm đẩy mạnh phát triển trồng trọt, ngành Nông nghiệp huyện Yên Minh đã chuyển đổi thành công nhiều bộ giống cây trồng mới với năng suất, chất lượng vượt trội; phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của các địa phương. Qua đó nâng cao sản lượng lương thực, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa”. Đó là chia sẻ của đồng chí Hoàng Quang Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh.