Trung Quốc Tiếp Tục Tìm Đến Gạo Việt Nam

Chiều ngày 19-4, đoàn thương nhân của Hiệp hội Lương thực và Dầu ăn Thượng Hải đã đến TPHCM làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) để tìm hiểu và hợp tác kinh doanh.
Đoàn gồm 14 thương nhân Thượng Hải sẽ làm việc với Trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam thuộc VFA và tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp lương thực của Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, lượng hợp đồng ký kết xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay đã vượt 1 triệu tấn, gấp gần 4 lần so với sản lượng xuất khẩu của cả năm 2011. Ông Huệ cho rằng điều này thể hiện sức hút lớn của thị trường Trung Quốc.
“Hiện nay Việt Nam vẫn là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc vì gạo Ấn Độ vẫn chưa bán được nhiều trong khi Thái Lan thì hoàn toàn vắng bóng do chính sách lúa gạo mới của nước này”, ông nói.
Tại buổi giao lưu, đại diện công ty Trung An, doanh nghiệp xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc đã hơn 6 năm nay, cho biết sức mua của thị trường này đang rất lớn. Ông này cho biết người Trung Quốc không chỉ dùng các loại gạo thơm, gạo cao cấp mà cả gạo làm từ giống lúa IR50404 vẫn được cho là có phẩm cấp thấp.
“Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm ra đường đi, chính sách thị trường phù hợp để khai thác tối đa thị trường tiềm năng này vì xét về chất lượng, gạo Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thị trường Trung Quốc”, ông nói.
Theo một thương nhân cho biết, trong các tháng đầu năm 2012, các nước xuất khẩu gạo vào Trung Quốc lớn nhất gồm Việt Nam, Pakistan, Ấn Độ, Myanmar. Ông này đánh giá nhu cầu của thị trường đang ngày càng lớn cùng với sức ép tăng dân số, đồng nhân dân tệ lên giá so với đồng đô la Mỹ cũng như chi phí sản xuất lúa gạo đang ngày càng tăng là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu lương thực của Trung Quốc tăng lên.
Theo ông Huệ, hiệp hội cũng có kế hoạch tham dự triển lãm quốc tế thực phẩm Hạ Môn diễn ra cuối tháng 6. Đây là một trong những triển lãm lớn và quan trọng ở Trung Quốc, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, VFA cũng dự định thành lập văn phòng đại diện và xúc tiến thương mại tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 29.11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp bàn, tìm cách giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan, tự phát tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chủ trì.

Các nhà quản lý và chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ứng dụng công nghệ cao mới giúp phát triển ngành công nghiệp bò sữa ở Việt Nam.

Đầu tháng 10-2013, tổng đàn bò toàn tỉnh có trên 82.800 con, tăng trên 3.470 con so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số lượng đàn bò tăng nhanh theo mô hình “2b” vẫn là các xã, thị trấn vùng cù lao Giêng và cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới), với trên 21.260 con, vượt 28,8% kế hoạch và tăng 23% so năm 2012.

Khoảng dăm năm trở lại đây, tại khu vực ngoại thành Hà Nội, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, số người tham gia bắt chuột ngoài đồng ngày một nhiều. Có thể gọi họ là những “dũng sỹ” bảo vệ mùa màng bội thu, cho dù chưa hẳn ai cũng ý thức được đầy đủ rằng cần phải diệt chuột vì chúng là “chuyên gia” cắn phá cây trồng.

Xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), vùng đất kinh tế mới hôm nay gần như độc canh cây cà phê với trên 95% diện tích đất nông nghiệp. Làm sao để cây cà phê nơi đây phát triển bền vững, mang lại lợi ích kinh tế cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và người thu mua cũng như giữ ổn định môi trường sinh thái đang là câu hỏi được đặt ra.