Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trứng Gà Tân An Có Bà Đỡ Tiêu Thụ

Trứng Gà Tân An Có Bà Đỡ Tiêu Thụ
Ngày đăng: 29/07/2014

Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm sạch, đảm bảo ATTP nhưng việc tiêu thụ lại không dễ ngay cả khi người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để có được những sản phẩm này.

Loay hoay tìm đầu ra

Cuối năm 2013, nhãn hiệu "Trứng gà Tân An" được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu tại các hộ chăn nuôi và sản xuất trứng gà tại phường Tân An, thị xã Quảng Yên.

Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết: Để được cấp chứng nhận nhãn hiệu "Trứng gà Tân An", các trang trại phải có quy trình sản xuất theo công nghệ khép kín, hiện đại, đảm bảo về môi trường.

Nhờ những quy định khắt khe mà sản phẩm trứng gà Tân An có nhiều ưu điểm vượt trội: Chất lượng tốt, quả to, nhiều lòng đỏ, giá bán trung bình 2.000 đồng/quả.

Mặc dù chất lượng tốt nhưng thị trường tiêu thụ chính của trứng gà Tân An chủ yếu vẫn trông chờ vào hệ thống chợ truyền thống và các đại lý ở địa phương.

Anh Nguyễn Duy Diễn và chị Phạm Thị Nguyệt Dung, chủ một trang trại chăn nuôi, sản xuất "Trứng gà Tân An" cho biết: Mặc dù trang trại có quy mô 6ha, có thể nuôi 60.000 gà đẻ trứng nhưng chỉ dám nuôi 40.000 con gà, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường 30.000 quả trứng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều chủ trang trại chăn nuôi khác.

Việc người nuôi không dám mở rộng quy mô là do việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Trong khi đó, giá bán lệ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng, sự lên xuống của giá cả thị trường. Có những thời điểm, giá bán chỉ hơn 1.000 đồng/quả khiến nhiều chủ trang trại lâm vào cảnh thua lỗ.

Khi nhà phân phối cùng đồng hành

Nếu tìm được nguồn tiêu thụ ổn định, việc nuôi và cung cấp trứng gà Tân An sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu nhập tương đối khá cho người chăn nuôi, đó là nguyện vọng của hầu hết các chủ trang trại.

Với mục tiêu góp phần thúc đẩy các ngành nghề sản xuất tại địa phương, trong thời gian qua, Big C đã liên tục tìm kiếm và tiếp cận với những nhà sản xuất tiềm năng tại Quảng Ninh, trong đó có các trang trại sản xuất trứng gà Tân An.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm DN, trang trại đáp ứng được những quy định về nhãn hiệu, cách thức đóng gói hàng hóa là điều không dễ. Nhiều chủ trang trại "Trứng gà Tân An" mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiêu thụ, sản phẩm tuy tốt nhưng lại không được siêu thị chấp nhận.

Qua những lần gặp gỡ và trao đổi với đại diện Bộ phận Hỗ trợ & Phát triển DN nhỏ và vừa (DNNVV) Big C, các chủ trang trại mới biết, sản phẩm có chất lượng tốt là chưa đủ mà còn phải có nhãn mác rõ ràng, mã số mã vạch đầy đủ để khách hàng nhận biết dễ dàng và có thể bày bán trong hệ thống phân phối hiện đại.

Được Bộ phận Hỗ trợ & Phát triển DNNVV Big C tư vấn, các chủ trang trại đã tiến hành đăng ký mã vạch, tem nhãn, tăng cường tuân thủ các quy định về ATTP, hoàn tất hồ sơ để trở thành nhà cung cấp trứng gà lâu dài cho Big C.

Nhờ vậy, những vỉ trứng gà Tân An đã nhanh chóng xuất hiện tại Big C Hạ Long với 3 loại sản phẩm: trứng gà sạch Tân An, sản phẩm trứng gà mang nhãn hàng riêng Big C, và trứng gà làm nguyên liệu cho quầy bánh mỳ với số lượng tiêu thụ ổn định, khoảng 50.000 quả/tháng.

Không chỉ riêng trứng gà Tân An, rất nhiều sản phẩm nông sản khác của các DNNVV thông qua sự hỗ trợ của Bộ phận Hỗ trợ & Phát triển DNNVV Big C đã đạt được những thành công nhất định, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN.

Bộ phận Hỗ trợ & Phát triển DNNVV đã trở thành cầu nối giữa Big C với các nhà cung cấp địa phương, giúp các DNNVV cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từ đó dần thâm nhập vào thị trường bán lẻ hiện đại. Đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: Sự hỗ trợ của Big C đã góp phần khích lệ nhân rộng mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại địa phương, từ đó góp phần vào sự thành công của chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Để kết nối với các DN, các nhà cung cấp địa phương, từ năm 2009, Big C đã liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, thành lập Bộ phận Hỗ trợ & Phát triển DNNVV (tháng 10/2013) làm cầu nối giữa Big C với các nhà cung cấp địa phương. Nhờ đó, Big C đến nay đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 110 DNNVV tại các địa phương này với tổng trị giá hợp đồng ước tính hơn 100 tỷ đồng.


Có thể bạn quan tâm

Kiểm Tra Các Cơ Sở Kinh Doanh Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Và Phân Bón Kiểm Tra Các Cơ Sở Kinh Doanh Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Và Phân Bón

Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở đều chấp hành các quy định của pháp luật, tuy nhiên, đoàn cũng đã nhắc nhở 4 cơ sở cần phải thường xuyên kiểm tra lại hàng hóa, kịp thời phát hiện các mặt hàng đã hết hạn sử dụng để tiêu hủy hoặc trả về cho doanh nghiệp, đồng thời niêm yết giá đúng theo thị trường, mua bán phải xuất hóa đơn, chứng từ rõ ràng, tránh mua bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

28/11/2014
Rau An Toàn Long Thuận Vào Siêu Thị Rau An Toàn Long Thuận Vào Siêu Thị

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự đang liên kết tiêu thụ với Siêu thị Vinafood Mart TP.Cao Lãnh với số lượng 30 - 50kg rau củ an toàn các loại mỗi ngày. Đồng thời, đơn vị cũng hướng đến hợp đồng cung cấp nông sản cho Siêu thị Coop Mart TP.Hồ Chí Minh với số lượng vài chục kí rau màu mỗi ngày.

28/11/2014
Cao Su Đang “Co” Giá Cao Su Đang “Co” Giá

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, giá cao su xuất khẩu giảm, đặc biệt, tại các thị trường chủ lực giảm mạnh cả khối lượng lẫn giá trị. Làm gì để “cứu” giá cao su xuất khẩu là vấn đề bức xúc hiện nay.

27/06/2014
Nét Mới Ở Ngành Nông Nghiệp Chư Pưh Nét Mới Ở Ngành Nông Nghiệp Chư Pưh

Năm 2014, tổng diện tích gieo trồng của huyện Chư Pưh đạt trên 22.754 ha, bằng 100,02% kế hoạch và bằng 101,51% so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 26.894 tấn, bằng 102,6% so với năm 2013. Tổng sản lượng tiêu đen đạt 10.236 tấn, cà phê nhân gần 7.040 tấn. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định.

28/11/2014
Đổi Đời Nhờ Bưởi Da Xanh Đổi Đời Nhờ Bưởi Da Xanh

Gia đình ông Hai có 1,3ha đất ruộng nhưng do giá cả, thị trường lúa hàng hóa bấp bênh nên gia đình thường “thiếu trước hụt sau”, lại phải chăm lo cho 3 người con ăn học. Do đó, khát vọng làm giàu trên chính “mảnh vườn, thửa ruộng” của mình luôn thôi thúc trong ông. Thế là năm 2006, ông Hai tự nguyện tham gia làm hội viên Hội Nông dân với mong muốn học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm thay đổi kinh tế gia đình.

28/11/2014