Trúng đậm mùa tôm nuôi

Giữa tháng 1.2015, ngoài việc tập trung cải tạo đáy ao nhằm chống tình trạng nhiễm phèn, ông Huỳnh Văn Quân ở xã Duy Vinh, khảo sát thị trường tìm mua con giống có chất lượng cao và chia ra thành 2 đợt thả vào 2 hồ tôm với tổng diện tích 5.200m2 mặt nước.
Sau hơn 3 tháng chăm sóc, ông Quân vừa thu hoạch lứa tôm thứ nhất với 1/3 diện tích nuôi theo hình thức lót bạt, sản lượng đạt hơn 2 tấn. Với giá bán 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mua thức ăn, con giống, ông lãi không dưới 100 triệu đồng. “Thấy thời tiết nắng ấm kéo dài nên vụ tôm năm nay tôi quyết định thả nuôi trước 2 tháng so với mọi năm và thực tế cho thấy lứa đầu đã thắng lớn. Hiện tại, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng còn lại đang sinh trưởng, phát triển khá tốt. Dự kiến, đến giữa tháng 6 tới sẽ đồng loạt xuất bán, sản lượng chắc chắn đạt ít nhất 3 tấn, tăng gần 40% so với cùng kỳ các năm trước” - ông Quân hồ hởi.
Không riêng gì ông Quân, nhiều hộ nuôi tôm khác ở xã vùng đông Duy Vinh cũng trúng rất đậm như ông Võ Sáu nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 11.500m2, sản lượng đạt gần 5 tấn, lãi hơn 400 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, vụ này địa phương có khoảng 77ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng.
Qua thống kê cho thấy, bình quân 1ha đạt khoảng 3 tấn tôm, cao nhất từ trước đến nay. Ông Sành chia sẻ: “Sở dĩ vụ này Duy Vinh được mùa tôm trên diện rộng là nhờ người dân chú trọng khâu cải tạo ao hồ và chọn mua con giống có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, nguồn nước sử dụng hợp vệ sinh, hầu hết chủ hồ đều áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật do ngành chuyên môn hướng dẫn.
Vì vậy, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên con tôm hầu như không xảy ra. Trong số 77ha ao nuôi tôm, những ngày qua người dân đã xuất bán được 55%, phần còn lại sẽ tiếp tục thu hoạch trong thời gian tới, hứa hẹn một vụ mùa bội thu”. Được biết, đến nay vụ 1 - 2015, xã Duy Vinh đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch, có khả năng đạt sản lượng 130 tấn tôm nuôi như chỉ tiêu đề ra.
Ông Trần Châu Giang - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 1 - 2015 trên địa bàn huyện là 104ha, tập trung chủ yếu ở các xã Duy Thành, Duy Nghĩa, Duy Vinh. Theo ông Giang, từ đầu vụ đến nay con tôm phát triển tốt, một số diện tích thả nuôi sớm đã bắt đầu thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2,6 tấn/ha, tăng 2 - 3 tạ/ha so với cùng kỳ năm ngoái, cá biệt một số vùng đạt hơn 3 tấn/ha. “Với giá bán hiện nay dao động từ 90 đến 120 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các khoản đầu tư, bình quân người nuôi tôm có nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/ha” - ông Giang nói.
Có thể bạn quan tâm

Thời điểm hiện nay, nông dân huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã thu hoạch xong vụ mì 2012 - 2013, với tổng diện tích hơn 2.600 ha, năng suất bình quân đạt 19 tấn/ha. Mặc dù năng suất giảm 20% so với vụ trước, nhưng nhờ được giá nên hộ trồng mì vẫn lãi từ 12 đến 14 triệu đồng/ha.

Công ty TNHH Thái An (tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn - Bình Định, viết tắt là Công ty Thái An), chuyên nuôi gà thương phẩm và gà giống vừa đầu tư 2 dây chuyền tự động tải thức ăn nuôi gà. Hệ thống được lập trình sẵn, giúp giảm nhiều lao động, tăng lợi nhuận cho người nuôi gà theo phương thức công nghiệp.

Anh Nguyễn Đức Dũng (51 tuổi) ở thôn Tân Quang, xã Sông Phan, Hàm Tân (Bình Thuận) đã đưa gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng với mô hình trồng hồ tiêu trên trụ cây cóc rừng.

Ông Trần Bữu Hoàng, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến với mô hình trồng mãng cầu xiêm. Điều đặc biệt là ông biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn, vì vậy mà quanh năm, mùa nào trái mãng cầu cũng có mặt trên thị trường và thu nhập cả năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Đinh Vũ Hải (39 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính. Đây là mô hình nuôi tôm trong nhà kính đầu tiên ở Việt Nam, mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL.