Trúng đậm mùa tôm nuôi

Giữa tháng 1.2015, ngoài việc tập trung cải tạo đáy ao nhằm chống tình trạng nhiễm phèn, ông Huỳnh Văn Quân ở xã Duy Vinh, khảo sát thị trường tìm mua con giống có chất lượng cao và chia ra thành 2 đợt thả vào 2 hồ tôm với tổng diện tích 5.200m2 mặt nước.
Sau hơn 3 tháng chăm sóc, ông Quân vừa thu hoạch lứa tôm thứ nhất với 1/3 diện tích nuôi theo hình thức lót bạt, sản lượng đạt hơn 2 tấn. Với giá bán 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mua thức ăn, con giống, ông lãi không dưới 100 triệu đồng. “Thấy thời tiết nắng ấm kéo dài nên vụ tôm năm nay tôi quyết định thả nuôi trước 2 tháng so với mọi năm và thực tế cho thấy lứa đầu đã thắng lớn. Hiện tại, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng còn lại đang sinh trưởng, phát triển khá tốt. Dự kiến, đến giữa tháng 6 tới sẽ đồng loạt xuất bán, sản lượng chắc chắn đạt ít nhất 3 tấn, tăng gần 40% so với cùng kỳ các năm trước” - ông Quân hồ hởi.
Không riêng gì ông Quân, nhiều hộ nuôi tôm khác ở xã vùng đông Duy Vinh cũng trúng rất đậm như ông Võ Sáu nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 11.500m2, sản lượng đạt gần 5 tấn, lãi hơn 400 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, vụ này địa phương có khoảng 77ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng.
Qua thống kê cho thấy, bình quân 1ha đạt khoảng 3 tấn tôm, cao nhất từ trước đến nay. Ông Sành chia sẻ: “Sở dĩ vụ này Duy Vinh được mùa tôm trên diện rộng là nhờ người dân chú trọng khâu cải tạo ao hồ và chọn mua con giống có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, nguồn nước sử dụng hợp vệ sinh, hầu hết chủ hồ đều áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật do ngành chuyên môn hướng dẫn.
Vì vậy, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên con tôm hầu như không xảy ra. Trong số 77ha ao nuôi tôm, những ngày qua người dân đã xuất bán được 55%, phần còn lại sẽ tiếp tục thu hoạch trong thời gian tới, hứa hẹn một vụ mùa bội thu”. Được biết, đến nay vụ 1 - 2015, xã Duy Vinh đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch, có khả năng đạt sản lượng 130 tấn tôm nuôi như chỉ tiêu đề ra.
Ông Trần Châu Giang - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 1 - 2015 trên địa bàn huyện là 104ha, tập trung chủ yếu ở các xã Duy Thành, Duy Nghĩa, Duy Vinh. Theo ông Giang, từ đầu vụ đến nay con tôm phát triển tốt, một số diện tích thả nuôi sớm đã bắt đầu thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2,6 tấn/ha, tăng 2 - 3 tạ/ha so với cùng kỳ năm ngoái, cá biệt một số vùng đạt hơn 3 tấn/ha. “Với giá bán hiện nay dao động từ 90 đến 120 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các khoản đầu tư, bình quân người nuôi tôm có nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/ha” - ông Giang nói.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù đang trong thời gian “giới nghiêm” cấm bẫy tôm hùm con của UBND tỉnh Bình Thuận. Nhưng tại một số nơi như: xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam); phường Mũi Né, TP.Phan Thiết… tình trạng thả lưới bẫy tôm hùm con vẫn diễn ra.

Ngày 17/4, Bộ NNPTNT sẽ họp để xây dựng Thông tư quy định tạm thời về quản lý hoạt động nuôi chim yến nhằm đối phó ngay với việc phát hiện vi rút cúm A/H5N1 trên đàn chim yến tại Ninh Thuận, ngăn ngừa nguy cơ phát tán dịch.

Dễ trồng, ít tốn công lao động, sớm cho thu hoạch lại có năng suất và giá trị kinh tế cao nên cây thanh long ruột đỏ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân xã Tân Thanh, Lâm Hà (Lâm Đồng). Tuy nhiên, việc trồng cây thanh long ở địa phương này còn nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Để có thể khai thác hết giá trị kinh tế loài cây này mang lại, người dân cần có sự đầu tư đúng mức bên cạnh sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương.

Hội chứng tôm chết sớm (EMS) vẫn đang “tàn phá” tôm nuôi của Thái Lan khiến nhiều nhà NK tôm chân trắng của EU lao đao do giá tôm tăng mạnh. Tháng 12/2012. Giá tôm cỡ 70 con/kg cũng tăng từ 4,7 USD/kg lên 6,6 USD/kg.

Cách đây vài năm, người trồng cam sành ở huyện Kế Sách còn ngêu ngao câu ví buồn: “Cam sành lột vỏ còn “cay”/Nông dân điêu đứng vì cam sau nhà…”. Ấy vậy mà, sau hơn 2 năm thực hiện mô hình trồng cam sành theo dự án Jica do Nhật Bản tài trợ đã xóa tan đi câu ví một thời.