Trúng cá ngừ đại dương cuối vụ

Theo ông Lê Văn Dũng - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P.Xương Huân (TP Nha Trang), tập đoàn có 10 chiếc tàu thì đã có bảy chiếc đạt sản lượng cao.
“Tháng trước, dù đi cả tháng nhưng mỗi tàu chỉ câu được 7 - 8 con cá nên lỗ nặng. Còn chuyến này hầu hết các tàu đều được 30 - 40 con cá ngừ đại dương, sản lượng khoảng 1,5 - 2 tấn cá” - ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, chuyến vừa rồi tàu ông lãi trên 100 triệu đồng, mỗi ngư dân được chia 9 triệu đồng.
Ông Lê Thành Đồng, một ngư dân ở Nha Trang, cho hay cả hai chiếc tàu đánh bắt xa bờ của gia đình ông trúng lớn trong chuyến rồi nên ngay sau khi cập cảng bán cá, lại lấy đá lạnh và nhu yếu phẩm để ra khơi ngay.
“Bây giờ đã là cuối vụ đánh bắt cá ngừ nên tranh thủ đi chuyến cuối rồi về “làm nước” cho tàu, đợi tháng 11 âm lịch bắt đầu vụ mới” - ông Đồng nói.
Dù không giải thích được vì sao cuối mùa cá ngừ đại dương lại xuất hiện nhiều, nhưng ông Đồng cho biết những tàu đánh bắt cá theo vụ cá Bắc, đánh ở phía đông bắc Hoàng Sa mới trúng luồng cá này.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - trưởng cảng cá Hòn Rớ - cho biết do lượng tàu đánh bắt xa bờ những tháng cuối vụ giảm nhiều, chỉ còn khoảng 70 chiếc, nên có thể các tàu còn bám biển câu được nhiều cá hơn.
Theo ông Hiếu, không chỉ thắng lớn về sản lượng đánh bắt, ngư dân “trúng” giá bởi giá bán cá ngừ đại dương từ cuối tháng 9-2015 đến nay giữ ở mức cao nhất so với hai năm qua.
Trước đây giá cá chỉ ở mức 90.000 - 95.000 đồng/kg loại 1, gần đây đã tăng lên 108.000 - 110.000 đồng/kg, trong khi đó giá dầu lại giảm nên ngư dân có lãi khá”.
Tuy nhiên, ông Võ Khắc Én - phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa - nhận định việc ngư dân trúng cá ngừ đại dương cuối mùa chỉ là gặp may chứ không ổn định lâu dài.
Theo ông, để luôn có thu nhập cao từ nghề câu cá ngừ đại dương, phải thực hiện hiệu quả đề án tổ chức sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị.
“Ngư dân phải đồng loạt áp dụng phương thức thu câu, bảo quản, sơ chế sản phẩm theo công nghệ hiện đại mới nâng cao sản lượng, chất lượng cá ngừ đại dương.
Chứ hiện nay người thực hiện, người không, khi đem sản phẩm về đều mua đồng giá thì nghề câu cá ngừ đại dương vẫn lúc được mùa, lúc mất mùa mà thôi” - ông Én nói.
Ngư dân tham gia mô hình khai thác cá ngừ kiểu Nhật
Ông Vũ Hoàng Quang, đại diện liên doanh Công ty Tư vấn đóng tàu Việt - Nhật và Công ty Yanmar (Nhật Bản), cho biết trong tháng 11-2015 liên doanh này sẽ tổ chức đội tàu sáu chiếc đi đánh bắt cá ngừ đại dương kiểu Nhật mà liên doanh này đã thử nghiệm thành công tại Khánh Hòa thời gian qua.
“Có năm tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân miền Trung được chúng tôi mời tham gia đội đánh bắt của mình. Chúng tôi sẽ chuyển giao, hướng dẫn năm tàu này cách câu, bảo quản cá ngừ kiểu Nhật và dò tìm ngư trường bằng công nghệ vệ tinh mà tàu Yanmar 01 chúng tôi đã thực hiện thành công trong năm 2015” -ông Quang cho biết.
Được biết vào cuối tháng 6-2015, liên doanh này công bố đã thực hiện các chuyến đi biển trong vòng chỉ 9-10 ngày (tàu của ngư dân thường hơn 20 ngày) và câu được lượng cá khoảng 2 tấn, nhờ bảo quản tốt nên bán cho đối tác Nhật Bản với giá 150.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 5.8, trong khuôn khổ Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), chi nhánh Quảng Ngãi phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện Ba Tơ, Minh Long tổ chức trao tặng bò giống cho hộ nghèo.

Từ lâu, nhãn Sông Mã đã là một sản vật có thương hiệu trên thị trường, từ thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng kinh tế miền núi, những người dân Hưng Yên đã mang giống nhãn lồng lên trồng tại mảnh đất này.
Với diện tích vườn cây ăn trái trên 25.348ha, Đồng Tháp sở hữu một vùng nguyên liệu lớn với nhiều loại trái cây đặc sản được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay, do chưa phát triển đồng bộ về công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, chế biến... nên phần lớn trái cây của Đồng Tháp chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, chưa tạo được giá trị kinh tế cao.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm gần đây, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã xây dựng mô hình thí điểm trồng thanh long tại ấp 3, xã Tân Thành.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” phải đáp ứng các điều kiện như: sản xuất trên diện tích từ 0,5ha trở lên hoặc hoạt động kinh doanh sản phẩm sầu riêng từ 1.000 kg/ngày trở lên trên địa bàn huyện Đạ Huoai; đảm các tiêu chí chất lượng theo quy định; cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các nội dung sử dụng nhãn hiệu…