Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Xen Cây Ăn Quả, Cây Rừng Trong Vườn Cà Phê: Một Cách Làm, Nhiều Lợi Ích

Trồng Xen Cây Ăn Quả, Cây Rừng Trong Vườn Cà Phê: Một Cách Làm, Nhiều Lợi Ích
Ngày đăng: 29/10/2014

Để khai thác hiệu quả diện tích đất sản xuất, nâng cao thu nhập, tái tạo môi trường sinh thái thích hợp cho cây cà phê, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã chọn giải pháp trồng xen các loại cây ăn quả, cây rừng vào vườn cà phê. Cách làm này thực sự đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho bà con nông dân.

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp thì khi trồng xen cây ăn quả hoặc cây rừng nhằm chắn gió, che bóng mát trong vườn cà phê, bà con nông dân không chỉ  thu hoạch được các sản phẩm nông sản phụ mà còn giúp cho cây cà phê tăng khả năng chịu hạn, vừa cho năng suất ổn định và hạn chế được sự xói mòn của đất. Đây là mô hình xen canh dễ làm, thích hợp với các nông hộ và thân thiện với môi trường.

Cũng như nhiều hộ nông dân trong vùng, gia đình ông Trần Vĩnh Khánh ở thôn 8, xã Đắk Ru (Đắk R’Lấp) chọn cây sầu riêng để trồng xen trong vườn cà phê.

Ông Khánh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng độc canh mỗi cây cà phê. Hàng năm, gia đình phải tiêu tốn một lượng nước tưới, bón phân rất lớn. không những thế, cây cà phê dù chăm sóc tốt nhưng sinh trưởng và phát triển vẫn kém, đất đai bị thoái hóa… Từ khi trồng xen cây sầu riêng, vườn cà phê sinh trưởng, phát triển khá ổn định”.

Năm 2004, ông đã đầu tư giống sầu riêng xen cà phê, cứ 3 hàng cà phê trồng một hàng sầu riêng. Cũng trên mảnh đất đó, ông thiết kế trồng xen thêm 200 trụ tiêu sống bằng lồng mức, cây anh đào. Trên tổng diện tích 1,8 ha, ông trồng được 100 cây sầu riêng, 1.500 cây cà phê và 200 gốc tiêu trồng bằng trụ sống.

Theo ông Khánh thì việc trồng xen cây sầu riêng để vừa chắn gió và che bóng cho cà phê, dưới gốc cây trồng lạc dại che phủ mặt đất, chống xói mòn đã hạn chế được lượng nước tưới, chống được khô hạn vào mùa khô.

Thực tế cho thấy, với những diện tích trồng thuần cà phê mỗi vụ phải tưới 4 - 5 đợt nước, còn trồng xen các loại cây ăn quả chỉ tưới 2 - 3 đợt. Cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sánh trung bình, vì vậy khi trồng xen sầu riêng không chỉ tăng năng suất cho cà phê mà còn tạo thêm thu nhập từ sầu riêng.

Ngoài ra, cây tiêu không cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng với cây cà phê nên tiêu sinh trưởng và phát triển rất tốt. Năm vừa qua, ông Khánh đã thu được 200 triệu đồng từ 12 tấn sầu riêng cùng với 300 triệu đồng từ 7 tấn cà phê và trên 100 triệu đồng từ 9 tạ tiêu. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn lãi trên 400 triệu đồng.

Còn gia đình bà Trần Thị Hương ở thôn 5, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) lại đưa cây bơ ghép vào trồng tại vườn cà phê của gia đình. Sau 5 năm chăm sóc, vườn cà phê trên 2 ha trồng xen với 600 cây bơ của gia đình bà đã xanh tốt, ra hoa đậu quả.

Bà Hương cho hay: “Trồng bơ xen trong vườn cà phê mang lại rất nhiều tiện lợi, vì cây bơ khá phù hợp để trồng xen canh, đồng thời, giá cả hiện cũng khá cao và ổn định”.

Tương tự, gia đình ông Phạm Đức Quân ở thôn Đức Thuận, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) cũng chọn giải pháp trồng hồ tiêu xen canh trong vườn cà phê. Từ năm 2009 đến nay, ông Quân đã trồng hàng trăm trụ tiêu xen canh trên 2 ha cà phê của gia đình.

Để hồ tiêu không cạnh tranh với cà phê, ông Quân chọn giải pháp trồng xen với mật độ vừa phải và sử dụng trụ sống để trồng hồ tiêu. Trụ sống sẽ có tác dụng che bóng, chắn gió cho cà phê.

Qua thực tế sản xuất, khi trồng xen, tỷ lệ sâu bệnh trên cà phê và hồ tiêu đều giảm so với vườn trồng thuần. Do đó, việc trồng xen canh cây tiêu trong vườn cà phê với giải pháp hợp lý đang được nông dân và các cấp, ngành chuyên môn trong tỉnh quan tâm.

Có thể nói với phương thức canh tác trồng kết hợp giữa cây ăn quả, cây hồ tiêu với cây rừng trong vườn cà phê trên cùng một diện tích đất canh tác và phân bố hợp lý trong không gian sinh trưởng đã giúp các loại cây xen canh có điều kiện cộng sinh, tác động qua lại lẫn nhau cả về phương diện sinh thái và kinh tế theo hướng có lợi.

Nhờ đó, việc trồng xen ăn quả, cây rừng trong vườn cà phê đã tạo môi trường thích hợp cho cà phê, đồng thời giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập không nhỏ so với độc canh.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Mồng Tơi Lấy Hạt Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Mồng Tơi Lấy Hạt

Qua nắm bắt thông tin về mô hình trồng mồng tơi lấy hạt ở huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú, ông Nguyễn Văn Mỹ là nông dân chuyên canh màu ở ấp Tân Hậu B2, xã Long An, TX Tân Châu, tỉnh An Giang đã mạnh dạn xuống giống trồng mồng tơi lấy hạt với diện tích 2.000 m2 và có ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá thu mua hạt mồng tơi: 70.000 - 120.000đồng/kg hạt khô.

03/03/2015
"Vua Chuối" Đất Việt Dân (Quảng Ninh)

Sau một thời gian làm lụng, tích cóp, anh đã mua thêm đất để mở trang trại chăn nuôi lợn, gà và nâng diện tích trồng cây vải thiều lên 3ha. Nhưng chăn nuôi lợn, gà năm được, năm mất do dịch bệnh, chi phí thức ăn cao, lại mất nhiều công chăm sóc, trong khi trồng vải thiều thì lâm vào cảnh “được mùa, mất giá” hay “được giá, mất mùa”.

03/03/2015
Trồng Ổi Đài Loan Theo Hướng Công Nghệ Cao Mang Lại Hiệu Quả Cho Nông Dân Vùng Biên Giới Trồng Ổi Đài Loan Theo Hướng Công Nghệ Cao Mang Lại Hiệu Quả Cho Nông Dân Vùng Biên Giới

Là một trong những người đầu tiên đưa giống ổi Đài Loan về trồng trên địa bàn xã vào năm 2011. Anh Lê Văn Luông, ngụ ấp 2 – xã Vĩnh Xương cho biết: thấy nhiều hộ nông dân ở các xã lân cận trồng ổi cho thu nhập khá cao, nhận thấy đây là loại cây dễ trồng và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương mình, anh đã tìm mua 200 cây giống ổi Lê Đài Loan về trồng trên 3.000 m2 đất nhà.

03/03/2015
Tín Hiệu Lạc Quan Từ Chủ Trương Tạm Trữ Lúa Gạo Tín Hiệu Lạc Quan Từ Chủ Trương Tạm Trữ Lúa Gạo

Thực tế, từ trước Tết Nguyên đán, giá lúa đông xuân ở ĐBSCL có xu hướng giảm. Sau đó, đã tăng nhẹ ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn. Trong những ngày qua, hệ thống thương lái đã triển khai mua lúa hàng hóa của nông dân khá đông ở các địa phương, như: Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Theo đó, giá lúa được thương lái mua tại ruộng dao động từ mức 4.200 - 4.600 đồng/kg (tùy theo loại), tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán.

03/03/2015
Thủy Sản Trúng Mùa Thủy Sản Trúng Mùa

Đặc biệt với nghề khai thác cá ngừ, tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đã phát triển, trở thành nơi sản xuất và xuất khẩu chính ở khu vực miền Trung và cả nước. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến liên hệ và đặt vấn đề liên kết để khai thác, chế biến cá ngừ xuất khẩu với quy mô lớn.

04/03/2015