Trồng xạ đen cho hiệu quả cao

Xác định nhu cầu sử dụng xạ đen là rất lớn, bà con nông dân xã Cao Dương (Lương Sơn - Hòa Bình) đã tập trung đầu tư trồng và phát triển mở rộng diện tích.
Theo đánh giá của bà con, xạ đen là loại cây dạng bụi leo dễ trồng, rất phù hợp trồng xen canh, không đòi hỏi công chăm bón, không yêu cầu kỹ thuật cao và nhiều diện tích, giá bán ổn định. Hiện nay, giá mỗi cân xạ đen dao động từ 20.000 - 30.000 đồng, sau khi trừ chi phí, giá trị kinh tế đạt trên 200 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 4 - 5 lần so với lúa và ít rủi ro hơn. Vì vậy, trong 4 năm gần đây, nông dân trong xã đã học hỏi nhau trồng xạ đen.
So với các thôn khác ở Cao Dương, thôn Cao Đường có diện tích trồng xạ đen tương đối tập trung. Thôn có 140 hộ thì có đến 130 hộ trồng xạ đen. Nhờ trồng xạ đen, nhiều hộ đã có kinh tế khá ổn định. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Thanh Hải, trước đây, gia đình chủ yếu trồng nhãn, ngô nhưng không hiệu quả.
Sau khi tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của cây xạ đen, năm 2008, gia đình ông đã chuyển 2.000m2 đất vườn sang trồng xạ đen. Nhận thấy cây xạ đen mang lại hiệu quả rõ rệt, đến nay, gia đình đã chuyển toàn bộ diện tích 5.000m2 đất vườn sang trồng cây xạ đen.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Cây xạ đen đầu tư không cao, thu hoạch dễ, sau 5 - 6 tháng trồng là cho thu hoạch, cứ 2 tháng cắt tỉa 1 lần, một năm cho thu hoạch 6 lần nên lúc nào cũng có tiền. Xạ đen sau khi cắt về lá được tuốt riêng và cành băm nhỏ rồi đem phơi nắng cho khô. Cứ 3 - 4 ngày thương lái từ Hà Nội, TP Hòa Bình... lại về thu mua.
Mỗi lần thu hoạch từ 1 - 1,2 tấn sản phẩm khô đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình”.
Bên cạnh đó, ông Hải còn ươm cây giống xạ đen để bán. Sau khi trừ chi phí, gia đình có tổng nguồn thu từ 160 - 180 triệu đồng/năm.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Dương, cây xạ đen đang được coi là cây trồng chủ lực trong chương trình xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân xã Cao Dương. Thực tế cho thấy hiệu quả từ trồng xạ đen cao hơn nhiều so với các loại cây truyền thống khác.
Hiện, toàn xã có 50 ha trồng cây xạ đen và theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIV, diện tích này còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm

Cùng khó khăn chung với các huyện khác trong tỉnh và cả nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Tủa Chùa năm 2014 gặp nhiều khó khăn: Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt, dẫn đến thiếu vốn trong đầu tư xây dựng cơ sở sở hạ tầng; tình trạng di dịch cư tự do, tranh chấp đất đai; tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp...

Với những đột phá về năng suất, chất lượng và ưu thế nổi bật của lúa lai, sử dụng các giống lúa lai trong sản xuất là ứng dụng thành tựu khoa học nông nghiệp quan trọng của nhân loại. Tại Việt Nam, lúa lai đã được ứng dụng vào sản xuất từ giữa những năm 90 của thế kỷ 20.

Phần lớn diện tích đất tự nhiên của tỉnh là đồi núi, chỉ phù hợp trồng rừng. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh luôn chú trọng công tác trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh rừng.

Nhiều năm đam mê với cá cảnh, kỹ sư công nghệ thông tin Lê Văn Huệ “chinh phục” rất nhiều loài cá cảnh khó tính để cung cấp cho thị trường. Cá cảnh của anh không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Đài Loan…

Bộ Tài chính cho biết theo kiến nghị của Tập đoàn Hóa chất, nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì 4 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm 5,8%, doanh thu giảm 10,6%, tồn kho 685.000 tấn, trong đó urê tồn 138.000 tấn, NPK tồn kho 279.000 tấn…