Trồng vú sữa Lò Rèn ở Truông Mít (Tây Ninh)
Ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh có một nông dân đã mang giống vú sữa Lò Rèn từ miền Tây về trồng.
Nông dân đó là ông Đặng Văn Đức- sinh năm 1965, thường gọi là Sáu Tuệ, ngụ tại ấp Xóm Bố, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, có 1,9 ha đất đang trồng vú sữa tại ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Châu. Theo ông Tuệ, bà con ở đây đang có xu hướng trồng cây nhãn, nhưng ông muốn đột phá trồng loại cây khác để không sợ bị cạnh tranh.
Ông Sáu Tuệ cho biết, giống vú sữa Lò Rèn trước chỉ trồng nhiều ở miền Tây. Có lần xuống thăm người bà con tại huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ, thấy ở đây trồng loại cây này cho trái rất đạt, giá bán lại cao, nên ông xin một cây giống về trồng thử. Sau một khoảng thời gian, ông thấy cây phát triển rất tốt nên quyết định xuống miền Tây mua cây giống về trồng đại trà.
Theo ông Sáu Tuệ, cây vú sữa trưởng thành có tán phủ rộng hơn nhiều so với cây nhãn, vì thế phải trồng khoảng cách từ 8 - 9m/cây. Khi vú sữa còn nhỏ, ông Tuệ trồng xen những hàng cây cau để vú sữa phát triển, giông gió không bị tróc gốc. Cây cau vừa có thể bán trái cho thêm nguồn thu nhập, vừa không che khuất cây trồng chính.
Hiện tại, 1,9 ha cây vú sữa 11 tháng của ông Tuệ phát triển tốt. Theo ông: “Nếu cho trái thuận mùa vào ngay dịp tết, giá thấp nhất cũng từ 15 - 20 nghìn đồng/kg.
Nếu chủ động làm trái nghịch mùa vào tháng 9 âm lịch thì giá bán có thể được 30 - 35 nghìn đồng/kg. Đầu ra không cần phải lo, thương lái sẽ đến tận vườn để thu mua. Tính ra, trồng cây vú sữa Lò Rèn, nếu đạt năng suất như ý muốn thì “ngon ăn” hơn trồng cây nhãn”.
Theo ông Tuệ, muốn làm trái nghịch mùa, chỉ cần cắt nước từ 20 ngày đến 1 tháng để cho vú sữa héo đọt, sau đó cho nước vào, bón thúc phân, xịt thêm thuốc dưỡng thì vú sữa sẽ ra bông và cho trái. Dùng bao nhựa bọc trái trước khi chín để tránh bị côn trùng đục làm hỏng trái.
Nếu vài năm nữa, vườn vú sữa của ông cho kết quả khả quan thì có thể mô hình này sẽ được bà con ở đây học tập, nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

Thời tiết khắc nghiệt kéo dài trong những ngày qua đã khiến cho các chủ đầm nuôi thủy sản ở Nam Định thiệt hại lớn vì tôm, ngao chết hàng loạt.

Những năm qua, anh Nguyễn Văn Khởi, ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân (Cà Mau), là một trong những người thực hiện thành công và có hiệu quả cao mô hình cấy lúa trên đất nuôi tôm.

Trong những năm qua, huyện Pác Nặm luôn xác định phát triển chăn nuôi là một trong những hướng đi quan trọng giúp người dân xoá đói, giảm nghèo và thực tế đã cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, công tác phát triển chăn nuôi hiện nay ở Pác Nặm còn gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy hơn nữa.

Ngày 22/5/2013, Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu (Ban chỉ đạo tỉnh) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm nuôi năm 2013 trên địa bàn.

Để thả nuôi 3.900 ha tôm sú và 120 ha tôm he chân trắng vụ xuân - hè năm 2013 theo kế hoạch, các chủ ao đầm trong tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu 250 triệu con giống tôm sú và 190 triệu con giống tôm he chân trắng.