Trồng Tre Măng Điền Trúc

Cây tre lấy măng Điền Trúc đã góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Cơ Tu tại xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Sau 3 năm thâm canh tre măng cho thu hoạch từ 20 - 30 tấn/ha/năm. Với giá bán 4.000 - 8.000 đ/kg thì 1 ha cho thu nhập khoảng 80 - 240 triệu đ/năm.
Mạnh dạn chuyển đổi
Ông Lê Văn Hai, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng cho biết, cây tre măng Điền Trúc được đưa về từ năm 2003 trồng thí điểm tại 3 xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Bắc (Hòa Vang) với diện tích trên 15 ha.
Đến năm 2010, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng (nguồn kinh phí Trung ương và địa phương) hỗ trợ 100% cây giống, phân bón đã nhân rộng mô hình tre măng Điền Trúc ở 2 thôn Tà Lang và Dàn Bí lên 4,2 ha (mỗi ha 500 gốc). Đây là 2 thôn nghèo của xã Hòa Bắc, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống.
Trước đó, mô hình tre măng Điền Trúc trồng thí điểm ở 2 thôn này với diện tích 2 sào. Nhưng do tập quán canh tác của người dân miền núi thường thả rông trâu bò nên nương rẫy trồng măng bị phá hoại, hiệu quả chưa cao. Rút kinh nghiệm lần trước, Trung tâm phối hợp với Hội Nông dân xã Hòa Bắc vận động người dân rào vườn không thả rông trâu bò vào ban đêm nên hầu như nương rẫy không bị phá hoại, sau 3 năm trồng hiệu quả trông thấy.
Đến nay, đã có hơn 60 hộ trên tổng số 208 hộ dân tộc Cơ Tu ở hai thôn Tà Lang, Dàn Bí trồng tre măng Điền Trúc, trung bình mỗi hộ trồng từ vài sào tới hơn 1 ha hàng năm cho thu nhập đáng kể.
Dễ chăm sóc, lợi nhuận cao
Anh Nguyễn Cửu Phi (thôn Tà Lang) cho biết năm 2010 gia đình anh chỉ trồng 30 gốc tre măng Điền Trúc thử nghiệm, qua hơn 2 năm thấy hiệu quả nên trồng thêm 270 gốc. Theo anh, sau thời gian chăm sóc, theo dõi sinh trưởng và phát triển của tre Điền Trúc cho thấy giống cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương.
Tre măng sinh trưởng phát triển tốt, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh lạ. Hầu hết diện tích trồng tre của người dân có tỷ lệ cây sống cao đạt trên 90%, chiều cao cây tre đạt 2 - 3 m. Hiện có khoảng trên 85% số gốc đã ra măng và phát triển thành 1 - 3 cây tre.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tre măng lâu năm của mình, anh Đỗ Tiến thổ lộ: “Năm 2003, tôi trồng 70 gốc thử nghiệm, tới năm 2007 trồng thêm 80 gốc, thấy dễ trồng và chăm sóc nên nhân giống vườn măng của mình lên 400 gốc như hiện tại. Năm đầu tiên tôi trồng định hình, sang năm thứ 2 cho thu hoạch bói (chưa chính thức) vì để tre phát triển thêm cây mới, đến năm thứ 3 thì cho thu hoạch đại trà”.
Với hơn 400 gốc mỗi năm anh Tiến thu hoạch khoảng 16 - 24 tấn măng/năm, bình quân 40 - 60 kg măng/gốc tre/năm. Khi được giá bán 4.000 - 8.000 đ/kg cho thu nhập khoảng 64 - 190 triệu đ/năm. Ngoài việc bán tre măng anh Tiến còn nhân chiết giống bán cho Công ty Giống cây trồng Đông Giang (Quảng Nam) và Nông trường Hải Vân (Đà Nẵng). Hàng năm anh nhân chiết khoảng 3.000 - 5.000 cây giống tùy theo nhu cầu thị trường.
Theo anh, trồng măng rất dễ bán vì nguồn cung luôn thiếu so với nhu cầu thị trường lại được tư thương tới tận nơi thu mua. Mặt khác, nếu măng ra trái mùa thì giá bán cao hơn từ 8.000 - 10.000 đ/kg. Thị trường tiêu thụ măng tại Đà Nẵng khá ổn định, thu hoạch bán rất nhanh, chưa có tình trạng rớt giá thê thảm.
Ông Đỗ Viết Vỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bắc cho biết: “Đồng bào Cơ Tu vui mừng, phấn khởi khi cây tre măng Điền Trúc có giá trị kinh tế cao góp phần giảm nghèo, trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều lần, sản phẩm từ măng có thể chế biến ra nhiều loại như măng tươi, măng khô, măng luộc... tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng”.
Có thể bạn quan tâm

Thiệt hại tôm nuôi đầu vụ do dịch bệnh vẫn còn ở mức cao; những rào cản về thuế chống bán phá giá tôm tại thị trường Mỹ; tình trạng dư lượng kháng sinh trong tôm đã được phát hiện tại thị trường Nhật Bản, EU...

Chị Phạm Thị Nguyệt Dung, chủ một trang trại nuôi gà đẻ trứng ở phường Tân An (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết, từ ngày sản phẩm trứng gà Tân An được xây dựng thương hiệu, trang trại của gia đình chị được nhiều người biết đến hơn.

Sáng 19-5, Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Trần Đức Tài cho biết, giống lúa thảo dược VH1 do Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa làm thí điểm tại địa phương, được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ hạt lúa đến rơm rạ với giá khá cao.

Chiều 21-5, ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết: “Nếu như thời điểm tháng 2, tháng 3-2014 giá khoai lang tím Nhật dao động ở mức cao từ 800.000 - 860.000 đồng/tạ thì mấy ngày nay giá rớt liên tục xuống còn 350.000 - 400.000 đồng/tạ, với giá này những nông dân trồng đất nhà mới hy vọng hòa vốn, còn ai thuê mướn đất để trồng khoai lang xuất khẩu coi như thua lỗ”.

Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên Lai Vung (Đồng Tháp) có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển cây có múi. Ngoài quýt hồng là giống cây chủ lực thì những năm gần đây, Lai Vung còn nổi tiếng xa gần với quýt đường và cam xoàn.