Trồng tỏi và hoa màu kiếm hàng trăm triệu đồng/năm

Chúng tôi về xã Ninh Vân những ngày này khi nông dân bắt đầu xuống giống tỏi với hy vọng thêm mùa bội thu.
Đang loay hoay trồng tỏi, ông Đỗ Văn Thông cho biết: “Cứ đầu tháng 9 âm lịch nông dân nơi đây bắt đầu vào mùa trồng tỏi, sau khi thu hoạch xong đậu phộng hoặc dưa, bí.
Kế hoạch xuống giống sẽ kết thúc cuối tháng này”.
Ông Thông chia sẻ, từ khi cây tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) “bén duyên” đất này đã giúp nông dân khá giả hơn.
Đây là công lao lớn của những người nông dân gốc Lý Sơn vào đây lập nghiệp.
Thấy được hiệu quả mang lại nên nông dân địa phương học tập làm theo, từ đó đã hình thành vùng chuyên canh lớn.
Cây tỏi có thể phát triển được ở nhiều nơi, ngay cả đất đồi, nếu có gió biển càng tốt.
Mặc dù con người có thể cải tạo, sử dụng các yếu tố vi lượng để làm tăng chất lượng, hương vị củ, nhưng nếu không có nước tốt thì khó làm được. Nơi đây được bao bọc bởi núi đá và biển, nhưng có lợi thế là dùng nước từ hồ Đá Bàn để SX tỏi.
Tuy nhiên để tiết kiệm nước tưới nên bà con đều lắp đặt hệ thống tưới bằng phun béc trong ruộng tỏi nhà mình.
Hiện năng suất tỏi trung bình đạt từ 12-15 tấn/ha (tươi), bán với giá bình quân từ 25-30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí người trồng lãi hàng trăm triệu đồng/ha. “Gia đình tôi có hơn 2 ha tỏi.
Vụ thu hoạch năm ngoái thu 24 tấn (tươi), do bán với giá chỉ 20-25 ngàn đồng/kg (tươi), trừ chi phí cho lãi khoảng 250 triệu đồng”, ông Thông chia sẻ.
Theo nhiều người dân, cây tỏi chỉ trồng được một vụ chính trong năm từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau.
Hơn nữa nếu trồng một loại cây dễ làm cho đất đai bạc màu, thoái hóa.
Vì vậy, để trồng tỏi bền vững, bà con thực hiện mô hình luân canh nhiều loại cây màu.
Với cách làm này, trung bình 1 năm SX được 3 vụ, sau khi thu hoạch tỏi sẽ trồng đậu phộng hoặc bí, dưa, hành từ tháng 2-5 và từ tháng 6-8 trồng đậu phộng hay hoa màu khác.
Ông Trần Hào, một người áp dụng mô hình luân canh tỏi và hoa màu ở thôn Đông cho biết, luân canh tỏi, dưa đậu, phộng… sau khi trừ chi phí nông dân kiếm từ 150-200 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên hiệu quả nhất là trồng đậu phộng vụ cuối, trước khi trồng vụ tỏi mới bởi cây đậu phộng có nhiều lợi ích, ngoài việc giữ độ ẩm cho đất, tiết kiệm nước tưới vào mùa khô, còn có tác dụng tổng hợp chất dinh dưỡng, làm đất tơi xốp.
Ngoài ra, thân lá đậu phộng còn làm thức ăn cho gia súc.
Theo UBND xã Ninh Vân, toàn xã có 100 hộ thực hiện theo mô hình luân canh tỏi và hoa màu với diện tích 50 ha và đang tiếp tục phát triển.
Hội Nông dân xã đã thành lập tổ liên kết trồng tỏi, diện tích 20 ha với 14 hộ tham gia, đồng thời tạo điều kiện để hội viên vay vốn đầu tư phát triển diện tích.
Ông Trà Thái Lâm, tổ trưởng tổ liên kết trồng tỏi cho biết, năng suất tỏi của các thành viên trong tổ thường cao hơn từ 2-3 tấn/ha so với hộ không liên kết.
Chất lượng tỏi nơi đây không kém tỏi Lý Sơn, tuy nhiên tỏi Khánh Hòa vẫn chưa có thương hiệu nên thường bị thương lái hay ép giá...
Có thể bạn quan tâm

Nhà máy gồm hai khu, khu giết mổ gia cầm có công suất 1.500 – 2.500 con/giờ cung cấp nguồn gà sạch, đảm bảo quy chuẩn về VSATTP và khu sản xuất các sản phẩm từ gia cầm đã chế biến như: lạp xưởng gà, xúc xích gà, chà bông gà, trứng gà, cút,vịt luộc, bột trứng, bánh flan, một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà.

Để tạo ra nguồn thức ăn lớn từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã hợp đồng với Công ty Green Nghệ An thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng công nghệ vi sinh để chế biến thức ăn cho gia súc tại Nghệ An”. Dự án được triển khai trên địa bàn xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương từ tháng 12/2013 đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Với giá bán hiện nay từ 75.000 - 85.000 đồng/kg bò hơi, người nuôi thu được hàng chục triệu đồng khi bán một con bò. Phương thức chăn nuôi bò tại nông hộ cũng đang chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh, chăn nuôi quy mô trang trại.

Từ đầu tháng 11/2014 đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã liên tục xuất hiện tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái. Tổng số gia súc mắc bệnh là hơn 480 con. Nguyên nhân chủ yếu là do vận chuyển con giống gia súc từ nơi khác đến làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh LMLM cho gia súc tại địa phương, nhiều gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, số bò giống bị mắc bệnh lở mồm long móng không ngừng tăng lên. Đáng lo ngại là những năm trước đây, dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc ở Đắk Nông là tuýp O, còn hiện nay qua kiểm nghiệm một số mẫu bệnh phẩm phát hiện bệnh lở mồm long móng là tuýp A, nguy hiểm hơn. Vì vậy, tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Cục Thú ý tăng cường cán bộ thú y Vùng 5 và Vùng 6 giúp tỉnh trong công tác dập dịch.