Trồng Thanh Long Thu Nhập Cả Trăm Triệu Đồng

Gia đình ông Phan Văn Dụ, ở thôn Hạ Trang, xã Bát Trang (An Lão - Hải Phòng) là một trong những điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với hơn 3 sào vườn trồng 300 gốc thanh long, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Cũng như nhiều người dân ở xã Bát Trang, trước đây gia đình ông Dụ trồng trên 200 gốc vải trong vườn. Tuy nhiên, sau một thời gian, vải được trồng ồ ạt dẫn đến tình trạng “khủng hoảng thừa”, được mùa mất giá liên tiếp xảy ra. Năm 2010, khi cây vải không còn đem lại lợi nhuận, ông bàn bạc với gia đình chặt bỏ, tìm hướng phát triển kinh tế mới. Sau nhiều lần tham quan các mô hình sản xuất giỏi trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, ông thấy nhiều nơi trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng vải.
Ông Dụ mua vài cành đem về trồng thử. Thật bất ngờ, cây thanh long phát triển tốt, ra nhiều hoa và đậu quả, hương vị thơm ngon, mát chẳng kém gì quả thanh long bán trên thị trường. Nhận thấy hiệu quả từ cây thanh long, ông mạnh dạn đầu tư trồng 50 gốc thanh long. Ban đầu, không ít người ái ngại cho ông, bởi đây là giống cây mới, chỉ phù hợp với khí hậu nóng, trồng ngoài Bắc chắc gì đã cho thu hoạch.
Song bằng ý chí quyết tâm, ngay năm đó ông Dụ mở rộng diện tích trồng tổng cộng 300 gốc thanh long. Trong quá trình trồng và chăm sóc vườn cây, ông không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tự tìm ra quy trình chăm sóc. Biết đặc thù cây thanh long ưa ánh sáng, ông đầu tư hàng triệu đồng mắc giàn đèn thắp sáng rải khắp vườn. Ngoài ra, ông còn kết hợp với cán bộ bảo vệ thực vật của xã nghiên cứu, pha chế kết hợp nhiều loại thuốc trừ sâu để phun diệt hiệu quả loài kiến hại lúc thanh long đang giai đoạn ra hoa kết quả.
Năm đầu, cây thanh long trong vườn của gia đình ông bói quả và thu hoạch được hơn 7 tạ, bán với giá 15 nghìn đồng/kg, thu gần chục triệu đồng. Năm thứ 2, từ tháng 4 đến tháng 8, cây ra quả cho thu hoạch 6 lứa với sản lượng 2,2 tấn quả, bán với giá 20 nghìn đồng/kg, thu gần 50 triệu đồng.
Qua gần 3 năm trồng, chăm sóc, ông Dụ cho biết cây thanh long có thời gian thu hoạch kéo dài và thị trường đầu ra thuận lợi nên người trồng chủ động trong tiêu thụ, không sợ tư thương ép giá như quả vải. Đây cũng là hướng phát triển kinh tế mới của người dân trong xã Bát Trang, góp phần tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Có thể bạn quan tâm

Với trên 20km bờ biển, vùng bãi triều rộng lớn và nguồn phù sa, vi sinh vật, vi khoáng núi đá vôi vô tận của 2 cửa sông Ninh Cơ và sông Đáy đổ về đã tạo cho huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản; đặc biệt thích hợp cho sự phát triển, sinh trưởng của cá bống bớp.

Các hộ dân nghèo không có đất sản xuất nông nghiệp tận dụng các khoản đất trống xung quanh nhà hoặc dưới sàn nhà để thiết kế bể lót bạt ny-lon nuôi lươn, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Giá hầu hết các loại thủy sản đánh bắt tự nhiên trong mùa lũ năm nay đều tăng từ 10.000-30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với tình hình nguồn cung heo hơi đang giảm, nhiều tiểu thương kinh doanh thịt heo dự đoán giá heo hơi sẽ bình ổn chứ khó giảm sâu hơn do thời gian qua có nhiều người nuôi heo bị lỗ đã nghỉ nuôi. Với giá bán heo hơi hiện nay, nhiều người nuôi heo tại TP Cần Thơ cho biết, họ bị lỗ đến phá huề chứ không có lời.

Với mục đích giảm chi phí đầu tư, 12 gia đình ở xã Vinh Hà (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) sử dụng hèm bia làm thức ăn trong nuôi tôm xen ghép có hiệu quả kinh tế.