Trồng thanh long ở vùng ven biển vẫn thu nhập cao

Đến thăm mô hình trồng cây thanh long của gia đình chị Lê Thị Lạc, chúng tôi ngỡ ngàng và khâm phục ý chí vươn lên làm giàu của chị, bởi một vườn cây thanh long bạt ngàn đang trong thời kỳ thu hoạch, quả chín đỏ khoe sắc. Đang thu hoạch thanh long, chị Lạc vui vẻ cho biết: “Thanh long năm nay được mùa, sai quả, chúng tôi phải huy động thêm công nhân đến thu hoạch để kịp bán cho các thương lái, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua hết, không có đọng lại trong ngày”. Để có được thành quả này là nhờ sự quyết tâm và nỗ lực trong việc đầu tư chăm sóc.
Chị kể, qua tìm hiểu trên sách báo, kinh nghiệm của những người đi trước cho rằng: thanh long là loại cây có thể trồng ở bất cứ vùng đất nào, từ đất khô cằn đến đất cát, đất phèn.. do đó, gia đình chị đã mạnh dạn đưa giống cây thanh long về trồng. Với 3 ha đất, chị dành 2 ha để trồng cây thanh long. Hiện nay, vườn thanh long của gia đình chị đang thời kỳ thu hoạch quả, năng suất bình quân từ 6 - 7 tấn/năm. Với giá bán ngoài thị trường từ 15 - 17 nghìn đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập 60 – 70 triệu đồng tiền lãi. Chị Lạc chia sẻ: “Trồng thanh long đầu tư kinh phí lớn, nên vụ đầu tiên thu nhập không được cao, nhưng sang năm thứ 2 này, năng suất cao gấp 3 lần, thu nhập cao hơn và bắt đầu có lãi”.
Hiện nay, trong vườn thanh long của gia đình chị Lạc có 1.200 gốc được trồng phân bố theo mật độ đều nhau. Gốc thanh long được nâng đỡ bởi các cọc trụ bê tông xi măng, mỗi trụ xây cao 2m, cạnh 12-15cm, trụ được chôn sâu 0,5 – 0,6m và tiến hành làm mô.
Chị Lạc cho biết, qua thời gian trồng và chăm sóc cho thấy, thanh long là loại cây chịu hạn tốt, thích nghi với đất cát, lại ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần phủ rơm rạ để giữ ẩm và bổ sung thêm phân chuồng là cây phát triển tốt. Thanh long được trồng tại vùng đất cát mặn ven biển này cần chăm sóc kỹ hơn, cần bón lượng phân lân nhiều hơn so với trồng ở vùng đất đồi và đất khác. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc nên vụ thu hoạch lứa thứ hai này đạt năng suất cao hơn so với vụ đầu.
Vụ đầu tiên, mỗi trụ thanh long chỉ cho thu hoạch bình quân trên 8kg quả, nhưng sang vụ thứ hai, nhiều trụ cho thu trên 17 kg quả. Ngoài phát triển kinh tế cho gia đình, chị còn tạo việc làm cho một số lao động địa phương. Hiện giờ, trong vườn thanh long lúc nào cũng có từ 8 - 10 công nhân làm việc. Chị Phạm Thị Màng, một công nhân làm việc tại vườn cây thanh long của gia đình chị Lạc cho biết: Đây là vườn thanh long lớn nhất ở Quỳnh Lưu mà tôi thấy, đã thu hoạch 1 tháng rồi nhưng cây vẫn đang rất sai quả, thu hoạch đến đâu khách này mua hết đến đó.
Ngoài việc bán trái, chị Lạc đang tìm tòi, học hỏi để tự ươm mầm thanh long ruột đỏ đạt chất lượng để bán cho những hộ có nhu cầu nhằm tăng thu nhập từ mô hình này.
Có thể bạn quan tâm

Hợp tác xã được thành lập trên cơ sở Câu lạc bộ ca cao Hưng Lộc với sự tham gia của 9 thành viên ban đầu, có vốn điều lệ 500 triệu đồng và hoạt động theo 6 nhóm ngành nghề: ươm và mua bán cây ca cao giống; sơ chế các loại trái cây sau thu hoạch; thu mua, buôn bán nông sản, sản xuất phân hữu cơ….

Qua triển khai đề án, diện tích sản xuất lúa cả năm 2013 của 8 xã biên giới thuộc huyện Tân Hồng, Hồng ngự và thị xã Hồng Ngự là 36.786 ha với tổng sản lượng 241.610 tấn. Số lượng chăn nuôi trâu, bò của các xã nói trên đạt 6.661 con; diện tích nuôi thủy sản là 650 ha với tổng sản lượng 27.210 tấn.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Tân Hồng, khởi nghiệp gian nan với số đất ít ỏi trồng lúa ở vùng biên giới nhưng bằng sự năng động, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang đến thành công cho anh Nguyễn Văn Phụng (SN 1969) ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng.

Cải Xa-lát là loại cây trồng vụ Đông, đã được bà con nông dân xã Đạo Đức trồng đại trà trong những vụ Đông trước đây. Qua thực tế cho thấy, đây là loại cây trồng ngắn ngày, công chăm sóc ít, nguồn tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

Mấy năm gần đây, sản xuất đậu tương của các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng giảm dần về diện tích, sản lượng, năng suất không thay đổi qua những mùa vụ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và lượng nhập khẩu tăng lên hàng năm... đây thực sự là nghịch lý sản xuất đậu tương đã, đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hà Giang.