Trồng Táo Xanh Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Ở Ninh Phước (Ninh Thuận)

Được triển khai từ tháng 8/2012 tại xã Phước Sơn (Ninh Phước - Ninh Thuận) trên diện tích 2,5 ha, mô hình trồng táo xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả trong việc “sạch hóa” nông sản, là hướng đi phù hợp, tạo chỗ đứng tin cậy trên thị trường.
Mô hình do Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh triển khai, với sự tham gia của 10 hộ dân ở hai thôn Ninh Quý 1 và Ninh Quý 3. Ngoài việc được hướng dẫn chi tiết quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn của VietGAP, các hộ còn được hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp và tập huấn về cách sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Ninh Quý 3) cho biết: “Tôi tham gia mô hình với diện tích 2 sào, được hướng dẫn thực hiện và ghi chép cụ thể từng thời điểm bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc như thế nào,… Mặc dù tổng chi phí đầu tư có cao và quy trình phức tạp hơn nhưng qua nửa năm thực hiện, tôi thấy cây táo ít sâu bệnh, lượng thuốc phải dùng cũng ít hơn, năng suất táo thì đạt hơn, sạch và an toàn hơn.” Ông Thành cũng cho biết thêm, mặc dù quy trình này khá chặt chẽ nhưng rất dễ làm, không hề khó khăn như mọi người vẫn nghĩ. Các hộ nông dân ngoài mô hình cũng rất quan tâm, học hỏi cách làm mới này. Quy trình sản xuất nông sản theo VietGAP quản lý và đảm bảo an toàn ở tất cả các khâu từ chuẩn bị làm đất đến bảo quản sau thu hoạch, thông qua 4 tiêu chuẩn: kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc. Do vậy, sản phẩm đưa ra thị trường không chỉ mang tính an toàn mà còn có khả năng truy nguyên nguồn gốc khi xuất hiện vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xã Phước Sơn hiện có trên 250 ha táo, chiếm hơn ¼ diện tích táo toàn tỉnh nên nếu mô hình này được nhân rộng thì đây sẽ là vùng nguyên liệu táo sạch, hoạt động sản xuất và thu nhập của nông dân sẽ ổn định. Tuy nhiên, vấn đề người trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP đang băn khoăn là đầu ra của sản phẩm. Ông Dương Thanh Tùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Sơn cho biết: Hiện tại, các hộ tham gia mô hình này vẫn tự bán sản phẩm thông qua thương lái trên địa bàn, với giá ngang bằng giá táo loại thường, tức dao động quanh mức 10.000 đồng/kg, tùy kích cỡ và mẫu mã.
Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ quả táo như nước ép, táo sấy khô, mứt táo, rượu táo,… chưa nhiều. Quả táo xanh Ninh Thuận chủ yếu dùng ăn tươi, sản xuất và tiêu thụ tự do, chưa có bao bì nhãn mác. Táo thu hoạch chưa qua sơ chế nên thời gian bảo quản ngắn, chỉ khoảng 4 ngày.
Được biết, hiện Hội Nông dân tỉnh cùng với Sở Khoa học và Công nghệ đang xúc tiến xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Táo xanh Ninh Thuận. Đây sẽ là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm táo sạch ra thị trường trong và ngoài nước. Khi ấy, cây táo xanh sẽ thật sự trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương với hiệu quả kinh tế bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Gần đây do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cộng thêm những khoản trừ bị nhiễm vi sinh khiến không ít người nuôi bò lao đao, muốn chuyển đổi sang nghề khác. Riêng gia đình anh Trần Vĩnh Thọ Long ngụ tại 73/1 ấp Dân Thắng 1, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn (TP. HCM) thì vẫn gắn bó với con bò sữa, bởi hộ gia đình anh đã tìm ra hướng đi mới: nuôi bò sữa + trồng cỏ VA06.

Đầu năm 2010 được sự hỗ trợ của Trung Tâm Khuyến nông – Khuyến Ngư tỉnh Hậu Giang xây dựng mô hình máy gặt đập liên hợp (GĐLH), Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư Long Mỹ triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả khả quan và được bà con nông dân nhiệt tình ủng hộ.

Với 20 ao ximăng trong nhà, mỗi ao có diện tích khoảng 4m2 nhưng ông Nguyễn Văn Hoàng trú tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM đã cung cấp cho các công ty xuất khẩu hàng tấn lươn thịt mỗi năm.

Anh Nguyễn Văn Minh thôn Song Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Tây) trồng đu đủ giỏi, cho thu nhập cao. Từ 2 sào đu đủ giống Đài Loan trồng tháng 11 năm ngoái, hiện nay gia đình anh đã thu được 8 triệu đồng, dự kiến thu hết sẽ có khoảng 12 triệu đồng

Hiện nay, mãng cầu đang chuẩn bị ra hoa và nông dân sẽ thu hoạch trái vào tháng 6, 7. Tuy nhiên, vào thời điểm này cũng là mùa của nhiều loại trái cây khác nên giá mãng cầu thường rẻ (khoảng 3.000 đồng/kg), nên thu nhập của nông dân không cao.