Trồng Sơ Ri Xuất Khẩu Sang Nhật

(Theo Báo Nông Nghiệp)
Cty TNHH Thịnh Phát (Tiền Giang) đã chọn 97 hộ nông dân ở các xã Long Thuận (thị xã Gò Công), Tân Đông và Kiểng Phước (Gò Công Đông) để xây dựng vùng trồng chuyên canh xơ ri xuất khẩu chất lượng cao 20 ha theo yêu cầu của đối tác Nhật Bản là Cty Nichirei.
Theo đó, chương trình triển khai từ tháng 7/2009, đơn vị hỗ trợ bà con về giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, mật độ trồng, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, bón phân đồng thời cung cấp trực tiếp vật tư nông nghiệp... Về giống, sử dụng giống sơ ri chua ngoại nhập mà thị trường Nhật Bản đang ưa chuộng thay cho giống sơ ri địa phương. Được biết, địa bàn được Cty TNHH Thịnh Phát chọn triển khai đề án trồng sơ ri xuất khẩu sang Nhật vốn nằm ven biển Gò Công, rất thích hợp để phát triển cây sơ ri - một đặc sản nổi tiếng tại đây.
Ngoài ra, Cty cũng dự kiến bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 3.500 đ/kg sơ ri đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gấp đôi so với giá thị trường. Hiện nay, sơ ri là một trong 7 loại cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt, cây trồng này đang là một trong những thế mạnh kinh tế của các huyện thị miền biển vốn nhiều khó khăn: Gò Công Đông, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông... Tỉnh đã triển khai đề án khoa học công nghệ hỗ trợ phát triển toàn diện cây sơ ri Gò Công. Với việc hợp đồng trồng và tiêu thụ xuất khẩu đã mở ra triển vọng mới giúp nông dân miền biển làm giàu nhanh từ cây sơ ri đặc sản.
Có thể bạn quan tâm

Sơri là một trong số ít các loại cây trồng có thể chịu đựng và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như khô hạn, ngập úng, nước mặn, đất nghèo dinh dưỡng...

Sơ ri hay còn gọi là cây kim đồng nam được trồng nhiều ở Gò Công Tiền Giang, có giá trị kinh tế cao. Sơ ri còn có thể sử dụng làm siro vì thế chúng được nhiều người tin dùng.

Sơ ri là giống cây trồng thích nghi trên vùng đất nhiễm mặn. Quả sơ ri có chứa hàm lượng vitamin C rất lớn, chính vì thế mà trong nhiều năm qua, quả sơ ri không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất sang các nước trong khu vực nhất là Nhật Bản.