Trồng Sen Gương, Làm Giàu Trên Vùng Đất Bưng Biền

Những hộ dân của ấp Tân Hòa A (xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) là một vùng đất bưng biền, hoang hóa đã không đầu hàng số phận, tìm được cách làm giàu trên mảnh đất cằn cỗi của mình bằng mô hình: Trồng sen gương (sen lấy hạt non), kết hợp nuôi cá.
Ông Nguyễn Văn Hầu, một trong những người tiên phong cho con đường thoát nghèo ở Tân Hòa A, cho biết: Năm 2008, ông đã chuyển 1 ha trồng lúa sang trồng sen. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi gần 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả, đầu năm 2009 ông mạnh dạn phát triển trồng 4 ha trồng sen lấy gương, kết hợp thêm nuôi cá. Chỉ sau 4 năm, tổng thu nhập của gia đình từ mô hình trên đạt gần 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng. Năm nay, gia đình ông vừa thu hoạch đợt gương sen đầu tiên, thu về gần 50 triệu đồng. Nhờ mô hình trên, gia đình ông không chỉ vươn lên làm giàu, mà còn tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Với diện tích 4,6 ha, mỗi năm thu đến hàng chục tấn sen gương, ông Thái Công Bạch là hộ có diện tích trồng lớn nhất tại Tân Hòa A. Ông Bạch cho biết, sen là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc. Cứ sau 6 tháng là cho thu hoạch gương, 2 ngày thu hoạch 1 lần, mỗi ha trung bình có thể thu hoạch được 6 - 7 tấn. Giá sen gương rất ổn định và luôn ở mức cao, trung bình từ 12.000 - 30.000 đồng/kg.
Từ vài hộ tiên phong, đến nay đã có gần 20 hộ dân trong ấp Tân Hòa A trồng sen gương kết hợp nuôi cá với gần 20 ha. Tại đây cũng đã thành lập Tổ hợp tác (THT) sen cá Hòa Tân, là nơi để bà con thu gom nông sản và chia sẻ kinh nghiệm trồng sen. Hiện các hộ trồng sen đã tìm được giống sen Đài Loan (Trung Quốc) rất phù hợp với thổ nhưỡng chốn bưng biền, cho năng suất, chất lượng hạt cao hơn giống sen địa phương. Ngoài nguồn thu chủ lực từ sen gương, người dân nơi đây còn có hàng chục triệu đồng từ nuôi cá (tùy diện tích ao nuôi), lại không tốn chi phí chăm sóc. Nhiều hộ còn tận dụng đáy ao để thả thêm lươn, rắn để tăng thêm nguồn thu.
Chỉ mới gần chục năm bén rễ với vùng đất bưng biền Tân Hòa A, hiệu quả kinh tế từ trồng sen gương đã rõ rệt, nhiều hộ có được thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Thành công của những người nông dân Tân Hòa A làm giàu trên vùng đất bưng biền đã trở thành hình mẫu cho nông dân ở những địa phương khác học hỏi và làm theo.
Có thể bạn quan tâm

Ở thời điểm đầu tháng Tư, giá hành chỉ trên dưới 2.000 đồng mỗi kg, nhưng gần tuần nay giá đang được đoàn viên thanh niên mua ở mức 7.000 đến 8.000 đồng; loại tốt, củ to, đều, một số thương lái đã trả giá tới 9.000 đến 10.000 đồng một kg.

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thuộc Bộ Công Thương, nhu cầu nhập khẩu rau quả, cây cảnh của các quốc gia vùng Vịnh (GCC) ngày càng tăng cao sẽ là cơ hội lớn cho một số loại trái cây Việt Nam như vải thiều, nhãn lồng, thanh long.

Dù đang dịp nghỉ lễ nhưng tại thị xã Vĩnh Châu và TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, không khí “giải cứu” 50.000 tấn hành tím tồn đọng đang rất khẩn trương nhằm giúp nông dân thoát cảnh trắng tay, nợ nần. Tính đến ngày 30-4, sản lượng hành tím được “giải cứu” khoảng 1.000 tấn.

Bộ Nông nghiệp Úc mới đây đã có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi từ Việt Nam.

Cá rô phi được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là một trong 4 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cả nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh nghiệm nuôi cùng cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến tương đối tốt nên Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá rô phi.