Trồng Sắn Đang Có Lãi

Giá sắn (mì) hiện đang được thu mua tại Bình Định là 1.850đ/kg. Người trồng sắn cho biết, giá sắn tươi chỉ cần 1.000đ/kg là đã có lãi, còn với mức giá nói trên, cây sắn Bình Định đang đẻ ra tiền...
Ổn định giá
Theo Cty CP Chế biến tinh bột sắn XK Bình Định (BDSTAR), từ đầu vụ SX (cuối tháng 8/2014) đến nay, giá thu mua sắn là 1.850đ/kg với sắn có hàm lượng tinh bột đạt 30%. “Giá sắn chỉ cần đứng ở mức 1.000đ/kg nông dân đã có lãi”, ông Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát (Bình Định), khẳng định.
Theo tính toán của nông dân, với mức giá nói trên, mỗi ha sắn có năng suất bình quân trên 20 tấn/ha sẽ có doanh thu trên 37 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí, người trồng có lãi ròng từ 12-15 triệu đồng/ha.
Để hai bên cùng có lợi, BDSTAR đã ban hành, điều chỉnh các chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu hợp lý, bảo đảm cho nông dân trồng sắn có lãi trên 30%. Đối với các vùng nguyên liệu trọng điểm của nhà máy, BDSTAR hỗ trợ cho nông dân mượn giống và vốn để đầu tư SX; đến kỳ thu hoạch, BDSTAR sẽ bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường tại thời điểm.
Ngoài ra, để người trồng sắn yên tâm đầu tư SX, BDSTAR còn ký kết hợp đồng cam kết thu mua nguyên liệu với nông dân theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Chúng tôi rất quan tâm đến công tác tổ chức thu mua nguyên liệu. Theo đó, chúng tôi đã chấn chỉnh phương pháp thu mua để tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân trong việc tiêu thụ.
Công ty đã hợp đồng với các nhà xe vận chuyển sắn nguyên liệu, không để nông dân phải chờ đợi phương tiện vận chuyển sau khi thu hoạch, làm ảnh hưởng đến sản lượng và hàm lượng tinh bột. Sau khi cân nhập vào bãi chứa nguyên liệu của nhà máy, nông dân được thanh toán tiền mặt ngay”, ông Nguyễn Minh Thắng, Phó phòng kinh doanh BDSTAR, cho biết.
Không lo ế
“Trong vụ SX trước, BDSTAR đã thu mua trên địa bàn Bình Định và các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên 70.000 tấn sắn nguyên liệu; SX, chế biến được 16.000 tấn tinh bột. Nhờ thị trường tiêu thụ trong nước và XK sang Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pêru… khá ổn định, bình quân ở mức từ 415 - 420 USD/tấn tinh bột sắn nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Riêng vụ SX này, công ty dự kiến thu mua 120 ngàn tấn sắn nguyên liệu để chế biến 30 ngàn tấn tinh bột”, ông Nguyễn Minh Thắng, cho hay.
Thông tin BDSTAR nâng công suất lên gấp đôi (từ 60 tấn lên 120 tấn sản phẩm/ngày) đã khiến người trồng sắn Bình Định yên tâm, bởi sẽ hết lo sắn ế.
Để đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ nhà máy sau khi nâng công suất, thời gian qua, BDSTAR đã triển khai nhiều chính sách đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu của nhà máy từ 4.400 ha lên 8.800 ha sắn tại các huyện trọng điểm như: Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và các tỉnh trong khu vực như Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum…
Cũng theo ông Nguyễn Minh Thắng, BDSTAR đã phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định quy hoạch lại vùng nguyên liệu sắn tại các huyện trọng điểm sản xuất sắn của tỉnh; đồng thời phối hợp với Trung tâm KN-KN Bình Định và chính quyền các địa phương vùng nguyên liệu tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống sắn mới có tiềm năng năng suất, sản lượng cao đưa vào sản xuất để thay thế các giống cũ thoái hóa.
BDSTAR đã đưa các giống mới như KM 140, KM 419, Lay Joong 09 vào khảo nghiệm. Kết quả rất khả quan, năng suất sắn đạt bình quân trên 40 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trên 30%. Đây là các giống sắn khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, có thể trồng rải vụ để phục vụ nhu cầu SX liên tục của nhà máy...
Cũng theo ông Nguyễn Minh Thắng, Phó phòng kinh doanh BDSTAR, với hệ thống dây chuyền SX đồng bộ, công nghệ tiên tiến, hiện đại NK từ châu Âu và được lắp đặt bởi các chuyên gia Thái Lan, sản phẩm tinh bột sắn của công ty đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Thời gian qua, sản phẩm tinh bột sắn do đơn vị sản xuất được thị trường nhiều nước tín nhiệm. Đây là cơ sở để đơn vị tiếp tục đầu tư chế biến sâu các sản phẩm sau tinh bột, sẵn sàng hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường với các đối tác trong và ngoài nước, từ đó có điều kiện quay lại đầu tư cho vùng nguyên liệu.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm trở lại đây, bò sữa nổi lên là đối tượng nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An).

Anh Phạm Văn Hưng (34 tuổi) về quê nhà tại xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng để đầu tư nuôi giống dê ngoại cho thu nhập hơn 20 tỷ đồng một năm.

Gia đình ông Đặng Văn Nám (ngụ xã Kế Thành, H.Kế Sách, Sóc Trăng) phất lên một cách nhanh chóng & trở thành tỉ phú ở địa phương với tổng thu nhập từ 3 - 4 tỷ

Từ 2 bàn tay trắng, chỉ với vốn kiến thức kỹ thuật và niềm đam mê vượt khó làm giàu, nay anh Phạm Văn Chính đã có cơ ngơi chăn nuôi lợn an toàn trị giá hàng tỷ

Giá lên tới 500.000 đồng/kg nhưng rau hoa tuyết vẫn đắt hàng. Đây là một trong hàng trăm loại rau được trồng trong trang trại rau hữu cơ đạt chuẩn châu Âu