Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Sả Cho Lợi Nhuận Cao Gấp 3 - 4 Lần Trồng Lúa

Trồng Sả Cho Lợi Nhuận Cao Gấp 3 - 4 Lần Trồng Lúa
Ngày đăng: 29/09/2013

Thời gian gần đây, bà con trồng sả ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) phấn khởi do giá sả liên tục ổn định ở mức cao trong hai năm qua, nhiều nông dân trồng sả thu lợi nhuận gần 150 triệu đồng/năm. Chính vì vậy, đến nay diện tích trồng sả toàn huyện đạt gần 450 hecta, tăng gấp 10 lần so với đầu năm.

Lãi cao hơn 3 - 4 lần trồng lúa

Những ngày này dọc theo đường tỉnh 877B về các ấp Bà Tiên 1, Bà Tiên 2, Lý Quàn 1, Lý Quàn 2 (xã Phú Đông) và ấp Cả Thu 1, Cả Thu 2, Giồng Keo (xã Phú Thạnh) có thể dễ dàng nhìn thấy các cánh đồng sả bát ngát thay cho các vùng đất bỏ hoang trước đây và một phần diện tích trồng lúa đạt hiệu quả thấp theo mô hình xen canh 1 vụ sả - 1 vụ lúa hoặc 2 vụ sả/năm.

Ông Phạm Văn Hùng, là một trong những nông dân tiên phong trong mô hình trồng sả ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết, hiện nay sả được các thương lái thu mua với giá 5.500 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi vụ sả trong 3 tháng, nông dân trồng sả còn lãi khoảng 70 triệu đồng, cao hơn 3 - 4 lần so với trồng lúa.

"Tôi có 2 hecta trồng sả, mỗi năm trồng 2 vụ, tính ra thu lãi được trên dưới 200 triệu đồng/năm. Nhờ cây sả mà hiện nay gia đình tôi đã xây được nhà kiên cố, mua sắm được đầy đủ phương tiện sinh hoạt gia đình, đời sống kinh tế khá ổn định, có điều kiện để tham gia tốt công tác xã hội" - ông Hùng chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của ông Hùng, so với những loại hoa màu khác thì cây sả dường như rất thích hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở huyện cù lao Tân Phú Đông, nhất là ở 2 xã Phú Thạnh và Phú Đông. Kỹ thuật trồng khá đơn giản, chỉ cần lên liếp hay xẻ rãnh đặt sả giống vào trong vụ đầu là 3 tháng sau sả bắt đầu cho thu hoạch với năng suất đạt 20 tấn/ha. Khi thu hoạch, mỗi bụi sả chỉ cần để lại 2-3 tép sả là những vụ sau sả vẫn phát triển bình thường với năng suất không giảm so với vụ đầu tiên.

Ông Lê Văn Út, nông dân trồng sả ở xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông cho biết, nhờ từ mẫu đất (1 ha) trồng sả ban đầu mà giờ đây ông Út tích lũy được vốn mua thêm đất trồng sả, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no. Theo ông Út, cây sả thích nghi tốt với điều kiện khô, mặn nhưng không có nhiều dịch bệnh như những loại hoa màu khác. Thông thường sả chỉ mắc bệnh rệp sáp và thối thân vào thời điểm sắp thu hoạch. Do đó, sau khi thu hoạch sả xong coi như đã loại trừ 2 loại dịch bệnh này.

Giúp nông dân thoát nghèo

Thời gian gần đây, khi diện tích trồng sả ở huyện Tân Phú Đông tăng lên, có nhiều thương lái từ Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức thu mua sả tại địa phương giúp cho việc tiêu thụ sả của nông dân thuận lợi hơn. Một thương lái thu mua sả ở xã Phú Thạnh cho biết, có những thời điểm ở địa phương này mỗi ngày có tới 20 tấn sả được thu gom, vận chuyển bằng xe tải về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Trong hai năm gần đây, giá sả luôn ổn định ở mức 5.500 - 7.500 đồng/kg dù sả có vào vụ thu hoạch chính hay không.

Ông Lương Công Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh cho biết, tùy theo từng khu vực có nước nhiều hay ít mà nông dân trồng 2 vụ sả/năm hay trồng một vụ lúa - một vụ sả. Có thể nói sả là loại cây trồng đột phá, góp phần nâng cao đời sống người dân. "Chỉ cần giá sả ổn định ở mức 5.000 đồng/kg, từ nay đến năm 2015, xã Phú Thạnh sẽ có nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững" - ông Lương Công Phú cho hay.

Mặc dù, hiện nay hiệu quả từ cây sả là khá cao nhưng khi diện tích trồng sả tăng quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá sụt giảm. Ước tính đến thời điểm này, toàn huyện Tân Phú Đông có 413 ha trồng sả, tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2013; trong đó có 2/3 diện tích đang cho thu hoạch, tập trung ở 3 xã Phú Thạnh (215 ha), Phú Đông (185 ha) và Tân Phú (13 ha).

Do đó, để ổn định đầu ra cho cây sả, Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông đã liên kết với Công ty TNHH Đức Huệ Trường Thành (TP. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây sả tươi cho nông dân. Vừa qua, nông dân trồng sả được phía Công ty đến hướng dẫn sản xuất theo VietGAP để sản phẩm có chất lượng, dễ tiêu thụ hơn trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

Chăm sóc, bón phân tiết kiệm hiệu quả Chăm sóc, bón phân tiết kiệm hiệu quả

Để chăm sóc vải thiều hiệu quả và tiết kiệm được chi phí, nhân công, người trồng vải cần có phương pháp tưới tiêu, bón phân hợp lý.

07/08/2015
Phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long mùa mưa Phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long mùa mưa

Theo Chi cục BVTV tỉnh Bình Thuận, hiện đã vào mùa mưa nên bệnh đốm nâu gây hại trên cây thanh long có xu hướng tăng nhanh cả về diện tích và tỉ lệ hại.

07/08/2015
Mẹo trồng và chăm sóc rau mùa mưa xanh tốt, không sâu bệnh Mẹo trồng và chăm sóc rau mùa mưa xanh tốt, không sâu bệnh

Trồng rau trong mùa mưa thường bất lợi hơn trong mùa nắng do năng suất, chất lượng giảm mạnh vì thế mọi người cần bỏ túi kinh nghiêm trồng và chăm sóc rau mùa mưa lũ cho năng suất cao nhất.

07/08/2015
Xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo Xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã rà soát và quản lý khá chặt chẽ vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo. Tuy nhiên vì lợi nhuận, vẫn có một số hộ chăn nuôi sử dụng các chất cấm để tăng trọng cho heo, gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và gây ra tâm lý bất an cho người tiêu dùng

07/08/2015
Ngành hàng vịt chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế Ngành hàng vịt chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế

Ngành hàng vịt là 1 trong 5 ngành hàng được chọn phát triển trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Song đến nay, so với 4 ngành hàng còn lại thì ngành hàng này vẫn còn khá ì ạch, chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế vốn có. Ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

07/08/2015