Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Rừng Để Hưởng Lợi Từ Rừng

Trồng Rừng Để Hưởng Lợi Từ Rừng
Ngày đăng: 06/06/2014

Đó là mong muốn của người dân bản Mới, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà). Bởi vì, trong những năm qua, rừng đã mang lại cho người dân ở đây rất nhiều lợi ích:

Cung cấp nước tưới giúp khai hoang, tăng diện tích sản xuất lúa 2 vụ; cung cấp gỗ để làm nhà; tăng thu nhập từ các sản phẩm lâm sản phụ. Và mới đây nhất là 42/42 hộ của bản Mới được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Bản Mới có 213,64ha đất có rừng. Trong đó: 15ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất; chủ yếu rừng ở trạng thái IIa, IIb. Ông Lò Văn Tuyến, Trưởng bản Mới cho biết: Trước đây, cuộc sống khó khăn, thiếu đất sản xuất nên người dân đã phá rừng để làm nương khiến diện tích rừng giảm.

Sau khi được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân tận dụng lợi thế có nhiều bãi bồi ven sông, suối để sản xuất lúa nước 2 vụ, đồng thời phải bảo vệ rừng để giữ nước phục vụ sản xuất, người dân đã có ý thức bảo vệ, phát triển rừng.

Địa bàn bản Mới có 2 con suối: Huổi Én và Huổi Lạng chảy qua. Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng nên 2 con suối này có lượng nước dồi dào, dân bản đã tập trung khai hoang mở rộng đất sản xuất lúa 2 vụ. Hiện nay, lượng nước của suối Huổi Én và Huổi Lạng đủ để tưới cho gần 30ha lúa 2 vụ của bản Mới và bản Tin Tốc (xã Mường Tùng). Trong đó, bản Mới có 10ha, tăng 3ha so với năm 2011.

Nhận thấy tầm quan trọng của rừng trong sản xuất nông nghiệp, người dân bản Mới đã đoàn kết để bảo vệ, phát triển. Nhiều hộ đã chuyển một phần diện tích nương của mình để trồng rừng. Ông Lò Văn Siêng cho biết: Trước đây, gia đình tôi có khoảng 2ha nương, sau khi được cán bộ vận động sản xuất lúa nước, thấy có hiệu quả nên tôi đã làm nương ít đi, đồng thời mua cây giống về để trồng rừng.

Đến nay, gia đình tôi có gần 1ha rừng trồng. Có chung suy nghĩ và hành động như ông Siêng, nhiều hộ gia đình trong bản Mới như: ông Lò Văn Sửi, Quàng Văn Thương... đã dùng một phần diện tích nương để trồng cây gây rừng. Hiện nay, chính quyền xã Mường Tùng cũng đang tích cực vận động người dân giảm diện tích sản xuất trên nương, tập trung khai hoang làm lúa nước, trồng rừng để được hưởng lợi từ rừng.

Cuối tháng 3/2014, toàn bộ 42/42 hộ dân của bản Mới đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên chi trả gần 43 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2013. Số tiền này được chia đều cho các hộ, mỗi hộ được nhận 900.000 đồng.

Số tiền còn lại, bà con đã thống nhất thành lập quỹ để duy trì hoạt động tổ bảo vệ rừng của bản. Nhận được tiền chi trả DVMTR, ông Giàng Văn Tâm vui vẻ nói: Lâu nay, chúng tôi bảo vệ rừng để giữ nước sản xuất nông nghiệp, lấy gỗ làm nhà... nay lại được hưởng tiền DVMTR nữa. Tôi và bà con trong bản rất vui mừng. Chúng tôi mong muốn trồng thêm rừng để được hưởng lợi từ rừng nhiều hơn.

Hiện nay, người dân bản Mới mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ giống cây dổi mỡ để trồng, vừa mở rộng diện tích rừng vừa có thể khai thác gỗ tăng thu nhập khi cây gỗ trưởng thành.


Có thể bạn quan tâm

Hạn chế thiệt hại do bệnh gan thận mủ trên cá tra Hạn chế thiệt hại do bệnh gan thận mủ trên cá tra

Những năm gần đây, bệnh gan thận mủ (GTM) hoành hành trên cá tra gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, thậm chí nhiều trường hợp tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá tra thương phẩm lên đến 50%.

22/11/2015
Khó phát triển đàn heo đen Khó phát triển đàn heo đen

Thời điểm này, số lượng đàn heo đen tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang ở mức cao nhất nhằm phục vụ cho thị trường tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, tập quán chăn nuôi thả rông không mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn để lại hệ lụy môi trường.

22/11/2015
Được, mất chuyện nuôi lợn rừng Được, mất chuyện nuôi lợn rừng

Lợn rừng phù hợp với điều kiện chăn thả tự do hoặc trên diện tích đất rộng rãi.

22/11/2015
Có một Thủ đô ăn gà lông Có một Thủ đô ăn gà lông

Thực tế, văn hóa ăn gà lông không chỉ hằn sâu trong nếp nghĩ của người dân Thủ đô Hà Nội mà còn du nhập theo kiều bào sang tận các quốc gia phát triển.

22/11/2015
Năng suất, chất lượng là yếu tố quyết định Năng suất, chất lượng là yếu tố quyết định

Ngày 19/11, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội phối hợp với Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) tổ chức hội nghị triển khai chương trình hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sữa tươi trên địa bàn TP Hà Nội.

22/11/2015