Trồng Rau Trái Vụ Thu 1 Tỷ Đồng/ha

Nhờ áp dụng những phương pháp canh tác tiên tiến, hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội đã trồng thành công các loại rau ôn đới vào mùa hè, thu nhập lên tới cả tỷ đồng/ha/năm.
Trồng su hào giữa mùa hè
Lâu nay, người tiêu dùng vẫn nghĩ các loại rau ôn đới như su hào, bắp cải… chỉ có thể trồng được quanh năm ở những vùng khí hậu lạnh như Sa Pa, Đà Lạt, Mẫu Sơn hay Tam Đảo. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các cán bộ ngành bảo vệ thực vật (BVTV) đã giúp nông dân một số vùng ngoại thành Hà Nội áp dụng thành công các biện pháp kỹ thuật để trồng rau ôn đới quanh năm (còn gọi là rau trái vụ), góp phần giúp bà con tăng thu nhập, với mức trung bình 1 tỷ đồng/ha mỗi năm.
Bà Nguyễn Thị Vinh ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) vừa thu xong lứa su hào trái vụ phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào chuyên canh cây su hào, trung bình mỗi năm trồng 4 lứa, 2 lứa vụ đông và 2 lứa vụ hè, thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/sào/vụ”. Theo bà Vinh, hiện giá su hào dao động từ 4.500 - 5.500 đồng/củ, mỗi sào thu được khoảng 3.000 củ. Nếu giá cả thị trường ổn định thì với 4 sào su hào, bà Vinh thu nhập khoảng 160 triệu đồng/năm.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Đông Anh (Chi cục BVTV Hà Nội), để phát triển vùng rau hiệu quả, huyện đã “cắm” tất cả các kỹ sư xuống tận xã, mỗi kỹ sư phụ trách 20ha trên tổng số hơn 400ha rau của huyện. Theo đó, trong quá trình sản xuất, các kỹ sư sẽ chỉ đạo bà con sản xuất rau an toàn từ đầu vào cho tới đầu ra để đảm bảo chất lượng. Bà Hằng cho biết: Chỉ cần dùng một kỹ thuật đơn giản là sử dụng nylon che cho rau, bà con có thể giúp cây hạn chế ánh sáng vào mùa hè, hạn chế mưa, giảm lượng nước tưới, giảm sâu bệnh... Nhờ biện pháp này nông dân Đông Anh đã thành công với các sản phẩm rau trái vụ.
Cần hỗ trợ đầu ra ổn định
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Duy Hồng – Chi Cục trưởng Chi cục BVTV TP.Hà Nội cho biết: “Vào mùa hè, nhiều nơi không thể trồng được su hào nên giá rau thường rất cao, đặc biệt những năm mưa úng nhiều, các vùng rau khác bị thiệt hại lớn thì ở vùng rau Đông Anh, người dân vẫn được thu hoạch với sản lượng khá nhờ ứng dụng các phương pháp kỹ thuật. Việc xây dựng thành công vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, trong đó có trồng rau trái vụ, ngoài giá trị về mặt kinh tế còn đảm bảo an toàn cho người sử dụng bởi bà con tuân thủ quy trình kỹ thuật khá nghiêm ngặt, đặc biệt là giảm lượng thuốc BVTV”.
Ông Đỗ Duy Chuyên - Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Tiên Dương cho biết, hiện xã có gần 200ha sản xuất rau đảm bảo đúng quy trình an toàn của ngành BVTV, nhưng do chưa có thương hiệu nên phần lớn lượng rau vẫn phải tiêu thụ qua thương lái.
Họ thường thu mua mang về chợ Thổ Tang (Vĩnh Phúc) rồi từ đó đem đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành, chỉ một phần nhỏ vào được siêu thị với giá rau sạch. Do đó, rau sạch của Tiên Dương đã bị “đánh đồng” với các loại rau ở vùng khác, thậm chí còn phải cạnh tranh gay gắt với cả rau của Trung Quốc. Để ổn định đầu ra và giúp người trồng rau sạch Tiên Dương nhận được thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra, rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho người dân.
"Hiện sản lượng rau của Hà Nội mới đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng của thành phố. Vì vậy, việc phát triển rau trái vụ không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần tăng nguồn cung rau cho Hà Nội” - Ông Nguyễn Duy Hồng – Chi Cục trưởng Chi cục BVTV TP. Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi một số vùng trồng bắp lấy hạt bị thất mùa do ảnh hưởng thời tiết thì mô hình trồng bắp lấy thân để bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) mở ra hướng làm ăn mới…

Điểm nhấn trong bức tranh khởi sắc về kinh tế nông hộ của xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) những năm qua có thể kể đến là mô hình kinh tế lợn - cá. Nhờ mô hình này mà hàng chục hộ nông dân nơi đây đã trở thành triệu phú với mức thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đạt từ 150 - 200 triệu đồng/mô hình.

Điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện có khoảng 38% diện tích cà phê tái canh của hộ gia đình ở vùng Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng) đang bị vàng lá, khô cành… do trồng trên đất không đủ thời gian luân canh, nên đã tạo ra môi trường thuận lợi để các tuyến trùng phát triển nhanh trong đất, gây hại bộ rễ cây.

Trong 2 tháng qua, nhiều nhà vườn trồng cam sành và bưởi Năm Roi, bưởi da xanh ở ĐBSCL phải mất ăn, mất ngủ vì nạn trộm. Dù đã có kẻ bị xử phạt hành chính lẫn hình sự nhưng nạn trộm cắp vẫn chưa có chiều hướng giảm vì giá 2 loại nông sản này đang sốt

Ông Hồ Văn Tốp, xã viên HTX bưởi da xanh Sông Xoài (huyện Tân Thành - Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, từ đầu năm đến nay, bưởi da xanh luôn nằm ở mức giá cao, thị trường tiêu thụ ổn định, cung không đủ cầu nên người trồng bưởi yên tâm sản xuất.