Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng rau thủy canh

Trồng rau thủy canh
Ngày đăng: 02/10/2015

Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ rau an toàn ngày càng cao, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN Khánh Hòa) đã triển khai đề tài “Trồng rau thủy canh theo mô hình vườn treo”.

Sau hơn 1 năm, đến nay Trung tâm đã xây dựng 20 mô hình trồng rau thủy canh và chuyển giao cho 9 hộ dân trên địa bàn TP. Nha Trang.

Qua đợt kiểm tra mô hình cho thấy các loại rau ăn lá như xà lách, cải xanh, tía tô, mồng tơi, é trắng... thích hợp với phương pháp này. Cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, màu sắc xanh tươi tự nhiên, vị đậm đà.

Th.S Lê Tuấn Quang, Chủ nhiệm đề tài cho biết:

“Nhận thấy bộ dụng cụ trồng rau thủy canh vườn treo của Trường ĐH Nông lâm Huế có nhiều ưu điểm như giá cả thấp, dễ sử dụng… phù hợp để người dân thành phố tự trồng rau tại nhà, chúng tôi tiến hành nghiên cứu chuyển giao cho các hộ dân ở Nha Trang.

Tuy nhiên trong quá trình chuyển giao chúng tôi nhận thấy bộ dụng cụ vẫn tồn tại một số nhược điểm.

Bởi đặc thù nhà ở khu vực thành thị là nhà ống, hướng lấy nắng cố định nhưng bộ phận trồng cây lại treo cố định thẳng đứng trong không gian nên một số hàng rau thiếu nắng làm rau kém phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống khung treo được dựng cố định, không cơ động, thô sơ và tính thẩm mỹ không cao khi đặt ở ban công, sân thượng.

Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu, cải tiến giúp cho mô hình phù hợp với điều kiện ở Khánh Hòa”, anh Quang chia sẻ.

Theo Th.S Quang, bộ dụng cụ vườn treo dạng thảm sau khi cải tiến bao gồm 4 bộ phận chính: Bộ phận trồng cây là thảm có kích thước 1,7 x 1,8 m, hai mặt bên có các túi trồng. Trong các túi trồng chứa giá thể trồng là mụn dừa, trấu hun… Hạt giống hoặc cây con sẽ được trồng trực tiếp vào giá thể trong các túi này.

Bộ phận phân phối và thu hồi dinh dưỡng gồm máng chứa dung dịch dinh dưỡng, bơm và hệ thống ống tưới được lắp đặt phía trên vườn để dẫn truyền dung dịch dinh dưỡng phân phối tới các gốc cây.

Phía dưới vườn sử dụng các phụ kiện để giữ thảm trồng cố định dẫn hướng để dung dịch dịch dưỡng trở về máng chứa. Trong máng chứa có lắp đặt hệ thống phao để tự động cấp nước, giúp giảm thiểu công chăm sóc.

Modul điều khiển thời gian tưới là 1 đồng hồ thiết lập thời gian, đồng hồ sẽ được thiết lập để cấp điện cho bơm hoạt động.

Modul khung cố định vườn: Để giữ cho thảm trồng thẳng đứng trong không gian, hệ thống sử dụng bệ đỡ làm bằng sắt, sơn phủ và được dựng thành khung có chiều cao 2 m.

Trồng rau thủy canh theo mô hình vườn treo dạng thảm đứng

Để sử dụng bộ dụng cụ này, chỉ cần trải tấm thảm trồng ra, dùng móc treo lên khung, sau đó kết nối đồng hồ, thùng chứa và hệ thống tưới lại với nhau. Tiếp theo là dùng một ít giá thể đã xử lý bỏ vào túi trồng rồi gieo hạt hoặc cây con vào đó.

Hiện có 2 công nghệ thủy canh phổ biến đó là thủy canh hồi lưu và thủy canh không lưu hồi. Tuy nhiên, 2 công nghệ này đều tồn tại những nhược điểm như tốn nước, điện, dinh dưỡng... và đòi hỏi kỹ thuật cao.

Trồng rau thủy canh vườn treo là công nghệ hiện đại, năng suất cao, chi phí đầu tư ban đầu thấp (chỉ 3.800.000 đồng/mô hình dạng thảm  thẳng).

Dung dịch dinh dưỡng được pha theo tỷ lệ nhất định và đổ đầy vào thùng chứa. Thiết lập đồng hồ cấp điện cho bơm hoạt động để dung dịch lên phía trên vườn.

Dung dịch sẽ chảy dọc trong tấm thảm trồng và cung cấp dinh dưỡng cho cây, lượng dung dịch dư sẽ chảy về thùng chứa.

Dung dịch dinh dưỡng sử dụng là NQ2 được tạo thành từ 12 chất: (Ca(NO3)2.4H2O; FeSO4; Ca(NO3)2; KH2PO4; MnNO3; MgSO4.7H2O; CuSO4.5H2O; MnSO4.2H2O; ZnSO4.7H2O; H3BO3; (NH4)6Mo7O24.4H2O; Urê).

Khi sử dụng pha với nước sạch theo tỷ lệ 1:200, dung dịch có thể sử dụng cho các loại rau ăn lá.

“So với hệ thống thủy canh hồi lưu dạng ống PVC thì bộ dụng cụ vườn treo dạng thảm có chi phí thấp hơn khoảng 2 triệu đồng, có thể trồng được 288 gốc rau hoặc cây cảnh với chi phí dung dịch dinh dưỡng hàng tháng khoảng 100.000 đồng.

Hệ thống dễ dàng lắp đặt và vận chuyển, tiêu thụ điện năng thấp, thích nghi với điều kiện khí hậu của Việt Nam và các nước ôn đới”, Th.S Quang nói.

Tại hội thảo “Triển khai nhân rộng mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu theo công nghệ nghệ vườn treo” vừa được Sở KH-CN Khánh Hòa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ này có nhiều ưu điểm như không phải làm đất, trồng nhiều vụ, trái vụ, sản phẩm sạch đồng nhất, năng suất cao hơn 15 -25% so với SX rau truyền thống…

Bà Trần Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Khánh Hòa cho biết, đây là mô hình mới, rất phù hợp với người dân thành thị, người già và trẻ em cũng có thể tham gia.

Tuy nhiên để nhân rộng mô hình, cần có bộ phận chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho người SX và người tiêu dùng.


Có thể bạn quan tâm

Thủ Lĩnh “Cá Xen Ếch” Trên Hồ Suối Hai Thủ Lĩnh “Cá Xen Ếch” Trên Hồ Suối Hai

Quả thật, khi lên hồ Suối Hai (thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) hỏi thăm mọi người ai cũng biết đến ông Lã Đức Quảng, với bản chất tần tảo, cần cù chịu khó bám hồ suốt nhiều năm nay để phát triển nghề nuôi thuỷ sản lồng bè.

21/10/2013
Mùa Cá Đồng Mùa Cá Đồng

Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.

21/10/2013
Nuôi Gà Thả Vườn An Toàn Sinh Học Nuôi Gà Thả Vườn An Toàn Sinh Học

Từ đầu tháng 9-2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã An Khang (TP Tuyên Quang) tổ chức thí điểm mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học cho các hộ gia đình trên địa bàn xã. Sau hơn 3 tháng triển khai, các hộ gia đình tham gia mô hình đều đánh giá là mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

21/10/2013
Vua Cá Miền Tây Vua Cá Miền Tây

Sớm chọn con cá nước ngọt làm người dẫn đường cho đời mình, ông đã trở thành một nông dân siêu tỉ phú. Thành công ấy là sự tổng hợp của lòng yêu nghề, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiết kiệm hợp lý.

22/10/2013
Bình Định: Triển Khai Bảo Vệ Đàn Gia Súc Trong Mùa Mưa Lũ Bình Định: Triển Khai Bảo Vệ Đàn Gia Súc Trong Mùa Mưa Lũ

Theo Chi cục Thú y tỉnh Bình Định, từ đầu tháng 10 đến nay, do thời tiết bất lợi, mưa lạnh kéo dài nên nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, thương hàn... cao

22/10/2013