Trồng Rau Sạch Theo Tiêu Chuẩn Viet GAP

Vẫn những giồng đất đã gieo trồng lâu nay, nhưng thay vì cùng một giống thì đằng này mỗi khóm mỗi khác nhau. Không chỉ về chủng loại mà còn ngày, giờ xuống giống, thu hoạch. Sự đa dạng vừa để thử nghiệm vừa đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ngày nào cũng có rau để bán mà lại không sợ “đụng hàng”. Đây chỉ là một khác biệt nhỏ từ khi bà con trồng màu ở khu vực khóm 6, phường 4, TP. Sóc Trăng bắt đầu sản xuất mô hình rau sạch theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Ông Trần Đăng Thúc - một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “Sản xuất theo mô hình này, mình mới biết được nhiều điều. Ngay cả việc gieo hạt thôi cũng phải thay đổi. Hồi trước tới mùa thì cứ cuốc đất lên rồi vùi hạt xuống; giờ phải trộn, phải làm đất đàng hoàng, hạt giống khi mua phải lựa kỹ, bảo đảm khi gieo xuống, tỉ lệ lên mầm phải cao. Phải lo ngay từ những khâu đầu như vậy thì cây mới mạnh, rẫy màu mới tốt…”.
Giữa năm 2012, hộ ông Trần Ngoán được chọn làm thí điểm, đến đầu năm 2013, mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Viet GAP ở khóm 6, phường 4, TP. Sóc Trăng bắt đầu được nhân rộng bằng việc thành lập Tổ sản xuất với diện tích hơn 2 ha của 13 hộ tham gia. Việc sản xuất rau sạch ở đây không quá cầu kỳ như mô hình trong nhà lưới, nhà kín hay hoàn tòan không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vẫn có phân bón, thuốc trừ sâu, nhưng tất cả đều đúng qui trình, liều lượng, thời gian...
Đặc biệt, tuyệt đối tuân thủ việc ngưng phun xịt trước thời điểm thu hoạch. Ngoài ra rau cải trước khi đưa ra thị trường đều qua khâu sơ chế để đảm bảo an toàn. Đầu ra sản phẩm của tổ hiện nay là một điểm bán lẻ tại chợ phường 2 cùng hệ thống tiêu thụ được đặc hàng hằng ngày từ mối lái. Một điều đặc biệt ở đây là Tổ sản xuất theo qui trình rau sạch nhưng vẫn bán đồng giá với sản phẩm cùng chủng loại. “Làm thì vất vả, theo đúng qui trình, nhưng không bán giá cao hơn.
Vậy bà con có nhiệt tình tham gia và rau có thật sự “Viet GAP” không?”. Nghe chúng tôi thắc mắc, bà Đặng Thị Kim Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sóc Trăng - được xem là người gây dựng phong trào liền giải đáp: “Bán bằng giá, nhưng bảo đảm bà con sẽ lời hơn những hộ xung quanh. Bởi chúng tôi đưa mô hình này vào dự án phát triển cải tiển nền sản xuất nông nghiệp hằng năm của địa phương. Nên những hộ tham gia được hỗ trợ giống, một phần phân thuốc.
Hằng tuần cán bộ kỹ thuật của chúng tôi vừa xuống kiểm tra vừa hướng dẫn bà con cách gieo trồng, chăm sóc, xử lý sâu bệnh, cùng những qui trình bắt buộc của Viet GAP; thế là giảm được chi phí đầu tư, năng suất lại cao hơn”.
Đến đây thì chúng tôi đã thật sự bị thuyết phục bởi mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Viet GAP đầu tiên ở Sóc Trăng. Một mô hình nhiều ích lợi, hộ tham gia được hỗ trợ giống, phân thuốc, được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật vun trồng, chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cho lợi nhuận cao.
Và quan trọng hơn, mô hình đã góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân, sản xuất gắn với môi trường và tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng an tâm sử dụng.
Có thể bạn quan tâm

Rộng trên 40ha, năng suất bình quân đạt khoảng 45 tạ/ha/vụ, cao hơn từ 2-10 tạ/ha/vụ so với bình quân nhiều địa phương miền núi trong tỉnh... Vì vậy cánh đồng Làng Mùng, thuộc xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) được ví là "cánh đồng vàng".

Xuất khẩu cá tra đang hồi phục mạnh do nhu cầu của thị trường tăng. Trong ảnh là công nhân Công ty cổ phần Gò Đàng Tiền Giang (GODACO) đang chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu.

Được Hội ND tỉnh tư vấn, hỗ trợ phân bón, khoa học kỹ thuật… nhiều hộ thành viên hội trồng cam sành huyện Hàm Yên, Tuyên Quang có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên.

Ông Minh cho biết, gà Đông Cảo - giống gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đặc điểm nổi bật của loại gà này là đôi chân rất to, xù xì, da đỏ hồng, dáng vẻ oai vệ, khi trưởng thành gà trống có thể nặng đến 6kg, gà mái từ 3,5 - 5kg.

Là thương binh hạng 2/3, nhưng nói về làm kinh tế trang trại thì ít người lành lặn làm được như ông Nguyễn Hoàng Kim ở xã Khánh Thành (Yên Khánh, Ninh Bình).