Trồng Rau Màu Sạch

Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tăng năng suất đem lại lợi nhuận thì việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với nhiều người dân. Vì vậy, thời gian qua, thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ đã vận động thành lập các tổ, nhóm sản xuất để hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho bà con nông dân, trong đó có câu lạc bộ (CLB) trồng rau màu sạch ở ấp Khánh Hưng 1.
Trong mấy năm gần đây, người dân thị trấn Trà Lồng đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích lúa năng suất thấp sang trồng rau cải sạch an toàn và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau gần 3 năm thành lập, với 7 thành viên, CLB trồng rau màu sạch ở ấp Khánh Hưng 1 đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên. Anh Hồ Thanh Hài, Chủ nhiệm CLB, tâm sự: Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, nếu trồng lúa sẽ cho thu nhập không cao. Chính vì vậy, qua nhiều lần tham quan các mô hình, tôi mạnh dạn lên liếp trồng màu với diện tích gần 3.000m2. Sau nhiều năm canh tác, cùng với việc rút tỉa kinh nghiệm, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật nên những năm gần đây, cuộc sống gia đình đã khá giả lên nhiều, mức thu nhập trên dưới 40 triệu đồng/năm.Tại CLB trồng rau màu sạch ở ấp Khánh Hưng 1, định kỳ mỗi tháng họp lệ từ 1-2 lần để chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm hiểu và phòng trừ một số loại bệnh thường gặp trên cây màu. Nhờ vậy, trong những năm qua, các thành viên trong CLB đã ăn nên làm ra, đời sống được cải thiện. Anh Hồ An Khương, thành viên CLB, chia sẻ: “Gia đình tôi tận dụng diện tích 2.000m2 để trồng các loại rau xà lách, cải xanh, cải ngọt, cho thu nhập hàng ngày từ 100.000-200.000 đồng. Ngoài ra, còn tận dụng nguồn thức ăn từ các loại rau để nuôi heo giảm được nhiều chi phí”. Hiện cuộc sống gia đình anh Khương đã khấm khá hơn trước. Mặc dù trồng màu có cực công, nhưng thu nhập cao hơn gấp mấy lần so với cây lúa nên tới đây, gia đình anh sẽ tiếp tục trồng để cải thiện nguồn thu nhập.
Hiện toàn thị trấn Trà Lồng có 168ha trồng màu các loại, nhờ người dân áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật nên hiệu quả mang lại khá cao. Theo UBND thị trấn Trà Lồng, hiệu quả từ mô hình trồng rau sạch trên địa bàn là không thể phủ nhận. Trong thời gian tới, thị trấn sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình này, đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư hỗ trợ cây con giống cũng như tổ chức nhiều cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây màu cho bà con nông dân. Anh Hồ Văn Tuấn, cán bộ khuyến nông thị trấn Trà Lồng, cho biết: Những năm gần đây, người dân trên địa bàn thị trấn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng nhiều mô hình phù hợp như: nuôi cá, trồng màu. Nhưng cái khó của thị trấn hiện nay là việc tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, vì điều kiện còn hạn chế. Trong năm 2012, địa phương sẽ liên hệ với Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ cùng các công ty sản xuất giống tổ chức hội thảo, cũng như tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác để giúp cho bà con nắm bắt được quy trình sản xuất, đem lại hiệu quả cao hơn trong quá trình canh tác.
Một điều cần nói thêm ở đây là bên cạnh hiệu quả của cây màu thì cái khó trong việc phát triển rau cải sạch hiện nay là thị trường tiêu thụ vẫn chưa ổn định, giá cả còn nhiều bấp bênh, thậm chí giá không hơn rau bình thường. Trong khi, rau cải sạch lại có quy trình chăm sóc và đầu tư tốn kém hơn. Do đó, để mô hình trồng rau sạch an toàn ngày càng phát huy hiệu quả, thị trấn Trà Lồng cần có những chính sách đầu tư đúng mức để cây rau màu sạch có hướng đi phù hợp, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện hơn…
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua huyện Tiên Du (Bắc Ninh) quy hoạch và chuyển đổi 295,5 ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Tại đây, các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư lớn cho trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và xuất hiện nhiều mô hình trang trại đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Mô hình trồng cỏ ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel lần đầu tiên đã được triển khai tại thị xã Ayun Pa (Gia Lai); đây là công nghệ tưới nước thích hợp nhất hiện nay không chỉ cho người nông dân trồng cỏ mà còn áp dụng được với các loại cây trồng cạn khác ở Ayun Pa.

Vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đã tiến hành nghiệm thu, đánh giá xếp loại B đề tài "Ứng dụng quy trình chăn nuôi gà thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP", do Chi cục Quản lý Nông - Lâm sản và Thủy sản chủ trì, Kỹ sư Phan Ngọc Tâm làm chủ nhiệm.

Hiện gà công nghiệp bán tại trại có giá 24 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 4 ngàn đồng/kg so với hồi đầu tháng. Giá gà tăng do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này của thị trường đang rất tốt.

Từ đầu năm đến nay, do hạn hán kéo dài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đàn gia súc có sừng của các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận. Để giúp nông dân duy trì sản xuất, tỉnh đã chi hơn 46 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chống hạn của Trung ương hỗ trợ hộ chăn nuôi mua thức ăn cho gia súc. Động thái tích cực này đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.