Trồng Ớt Hàng Hóa

Ớt là cây trồng truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trước đây, có thời kỳ ớt được trồng nhiều để xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, một thời gian dài ớt xuống giá nên sản phẩm ớt không còn trở thành hàng hóa. Những năm gần đây, trên thị trường sản phẩm ớt được giá nên người dân đã quan tâm trồng trở lại loại cây này.
Ớt là loại cây tương đối dễ trồng, ít sâu bệnh. Ở địa bàn Quảng Trị chủ yếu trồng từ đầu tháng 12, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 10. Điều kiện khí hậu Quảng Trị có giờ nắng cao nên chất lượng ớt tốt hơn nhiều vùng khác trong nước. Có nhiều giống ớt đã được trồng nhưng loại ớt bán được giá nhất trên thị trường là ớt hiểm lai, ớt chỉ thiên.
Năm 2013, được sự hỗ trợ của nguồn vốn ứng dụng khoa học công nghệ, phường Đông Thanh, Đông Hà phối hợp với Công ty Trang Nông (Khánh Hòa) nhân rộng mô hình trồng ớt chỉ thiên từ 0,3 ha lên 1,3 ha với 22 hộ tham gia. Phòng Kinh tế thành phố Đông Hà đã tổ chức tập huấn cho nông dân, hướng dẫn kỹ thuật từ khi làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch.
Ưu điểm của giống ớt chỉ thiên là sinh trưởng nhanh, quả nhiều, màu sắc đẹp và chất lượng ngon hơn giống ớt khác. Trồng loại ớt này ít tốn công chăm sóc nên tiết kiệm được chi phí. Thời gian thu hoạch lâu hơn các giống ớt khác, kéo dài 6 tháng nên đưa lại giá trị kinh tế cao.
Gia đình ông Hồ Sĩ Minh trồng 1 sào ớt với 1.000 cây giống. Ông Minh tuân thủ đúng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chọn đất tơi xốp, nhiều mùn, không chua, thoát nước tốt, đất cày bừa kỹ, không có nguồn sâu bệnh. Ông lên mặt luống rộng 80- 100 cm, cao 20- 30 cm, bón lót phân chuồng ủ hoai mục (không bón lót phân urê trong khi làm bầu cây giống).
Xử lý hạt giống tốt, xuống giống ươm bầu đầu tháng 12/2013, trồng vào tháng 1/2014, sau trồng 15 ngày bơm thuốc kích thích ra rễ, phun phân bón qua lá và thuốc trừ bệnh. Sau 90 ngày là thu hoạch lứa đầu tiên. Hiện nay, đang giữa vụ thu hoạch ớt, ước tính mỗi cây ớt của gia đình ông Minh cho thu hoạch đến hết vụ khoảng 1 kg trái.
Năng suất bình quân mỗi sào 1 tấn ớt tươi. Nhờ ớt chỉ thiên có chất lượng tốt, có độ cay cao, thơm nên bán được giá khoảng 20.000 đồng/kg, mỗi sào trồng ớt chỉ thiên trồng tại phường Đông Thanh, cho thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/vụ, cao gấp 4 lần so với những giống ớt khác trồng tại địa phương.
Đông Thanh là phường chuyên canh rau màu của Đông Hà, hàng năm cung cấp cho thành phố một lượng lớn rau xanh, tạo thu nhập ổn định cho nông dân.
Toàn phường có khoảng 60 ha chuyên sản xuất các loại rau màu, trong đó có 10 ha ớt. Hiện phường Đông Thanh đã tiến hành dồn điền đổi thửa, quy hoạch hệ thống tưới tiêu và đường điện phục vụ sản xuất được 20 ha đất rau màu. Đây là điều kiện tốt để phường mở rộng diện tích đất trồng ớt, cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất rau màu của phường.
Tuy nhiên, cũng như nhiều loại cây trồng khác, việc mở rộng diện tích trồng ớt phải được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo cho người trồng ớt có lãi, phải dựa trên nhu cầu thị trường và dự báo nhu cầu tiêu thụ ớt của người tiêu dùng, tránh tình trạng trồng ít thì được giá, trồng nhiều thì rớt giá. Phát triển ớt phải dựa theo quy hoạch phát triển nông nghiệp chung của phường.
Để mô hình ớt chỉ thiên phát triển tốt, hiện thành phố Đông Hà chỉ đạo phường Đông Thanh tiếp tục nhân rộng diện tích theo quy hoạch, đồng thời thực hiện hỗ trợ cho nông dân một số cơ sở vật chất để ứng dụng kỹ thuật canh tác mới như màng lưới che phủ, vật tư phân bón..., tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp để thu mua, bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Tiền Giang có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi thủy - hải sản. Nhìn nhận thực tế từ những năm qua cho thấy, nghề nuôi trồng thủy sản đã có những giai đoạn phát triển rất "nóng", tập trung vào nuôi tôm công nghiệp, cá tra, cá bè hay nhuyễn thể.

Tính đến ngày 27-6-2015, các doanh nghiệp trong cả nước đã ký được hợp đồng xuất khẩu 475.294 tấn cá tra các loại, trong đó Trung Quốc và Hồng Kông chính thức vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tính đến thời điểm này, theo báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius).

Hội nhập nền kinh tế thế giới vừa là cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức với ngành chăn nuôi của mỗi quốc gia khi hàng rào thuế quan xóa bỏ, thuế xuất nhập khẩu các loại sản phẩm sẽ trở về “con số 0”.

Cam Tuyền là xã thuộc vùng gò đồi của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế chưa phát triển nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trước đây, hầu hết người dân trong xã đều chăn nuôi bò theo lối chăn thả tự nhiên, tổng đàn bò khá lớn nhưng hiệu quả thu được không cao do lượng thức ăn tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu (đàn bò mới được đáp ứng từ khoảng 50% đến 70% nhu cầu dinh dưỡng cần có); khả năng phát triển đồng cỏ hạn chế do không có đất dành riêng cho mục đích chăn nuôi.

Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa công bố top 50 món ăn đặc sản, ẩm thực Việt Nam lần thứ ba – 2015. Trong đó có 2 loại rau củ của Vĩnh Long là khoai lang và xà lách xoong.