Trồng Nấm Sò Có Thể Làm Giàu

Đó là khẳng định của vợ chồng chị Vũ Thị Tươi và anh Sin Sao Lù, trú tại tổ 4, thị trấn Cốc Pài, chủ cơ sở sản xuất và chế biến nấm Sò ở huyện Xín Mần.
Là một nông dân ở tỉnh Thái Bình, chị Tươi kết duyên với anh Lù ở Tuyên Quang nhưng quê gốc xã Tả Nhìu (Xín Mần). Cuộc sống khó khăn, 2 năm trở lại đây, chị Tươi cùng chồng quyết định về quê hương Xín Mần tìm cách làm ăn, phát triển kinh tế. Ban đầu anh chị làm công nhân cho Công ty VinaFood nằm trên địa bàn huyện, chuyên thực hiện các dự án, mô hình trồng rau, nấm...
Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả, năm 2013 công ty phá sản. Với 2 năm kinh nghiệm tích lũy được và nhờ sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, tháng 8.2014, vợ chồng chị Tươi xây dựng cơ sở trồng và chế biến nấm Sò tại tổ 4, thị trấn Cốc Pài. Cho đến nay, vợ chồng chị đã đầu tư hơn 120 triệu đồng thuê hơn 100m2 mặt bằng làm địa điểm trồng nấm và đã trồng 8.000 bịch nấm.
Hầu hết số bịch nấm giống gia đình chị nhập từ một cơ sở sản xuất của người quen ở tỉnh Thái Nguyên với giá thành 20.000/bịch (tính cả công vận chuyển). Theo cán bộ khuyến nông thị trấn Cốc Pài cho biết: Nấm khi bắt đầu được cấy phôi, với thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch hiệu quả. Nếu chăm sóc tốt mỗi bịch nấm có thể cho thu hoạch tối đa trong vòng 4 tháng.
Cùng cán bộ khuyến nông thị trấn Cốc Pài tham quan cơ sở sản xuất nấm của chị Tươi, chúng tôi không khỏi bất ngờ với những gì chị Tươi chia sẻ: Chỉ sau 3 tháng nấm cho thu hoạch, mỗi ngày tôi và chồng có thể hái được từ 30 đến 50 kg nấm. Cho đến nay cơ sở của tôi đã xuất bán ra thị trường gần 3 tấn nấm, với giá thành 50 nghìn đồng/kg đổ buôn và 60 - 70 nghìn đồng/kg bán lẻ, chúng tôi đã thu đủ số vốn bỏ ra và cơ bản đã có lãi.
Trong khi 8 nghìn bịch nấm của gia đình tiếp tục được thu hoạch trong khoảng 1 tháng nữa mới phải thay, cho đến lúc đó chắc chắn sẽ còn hái thêm được cả tấn nấm nữa và sẽ lãi thêm hàng chục triệu đồng. Cũng theo chị Tươi, trồng nấm không khó, công chăm sóc chủ yếu là tưới nước sạch để đảm bảo các bịch nấm không bị bệnh.
Vì vậy cho đến nay, dù trồng hàng nghìn bịch nấm nhưng chị chưa phát hiện ra bịch nào bị bệnh và hỏng. Bên cạnh đó, để có được những cây nấm tươi, ngon thì phải hiểu, nắm chắc và thường xuyên theo dõi thời tiết, thời gian sinh trưởng của cây nấm để có biện pháp chăm sóc (tưới nước), thu hái hợp lý.
Theo kinh nghiệm những người trồng nấm và kỹ thuật trồng nấm thì cây nấm chủ yếu phát triển về đêm và thời gian phát triển thường tính bằng giờ chứ không bằng ngày như những loại cây khác. Cho nên người nắm được kiến thức trồng nấm sẽ có thể thu hoạch được sản lượng nấm lớn và chất lượng.
Mặc dù mới đầu tư trồng nấm và thu hoạch chưa đến 4 tháng, ngoài thị trường huyện Xín Mần, cơ sở sản xuất nấm của chị Tươi đã mở rộng thị trường cung cấp nấm cho các huyện Hoàng Su Phì, Quang Bình và Bắc Hà (Lào Cai). Chị Tươi cho biết, nếu trồng nấm với số lượng lớn chắc chắn sẽ làm giàu được từ cây nấm.
Vì vậy, trong năm 2015, gia đình chị tiếp tục sẽ trồng thêm khoảng 4 nghìn bịch nấm nữa và đầu tư thiết bị tự sản xuất bịch nấm giống để giảm thiểu chi phí và cung cấp cho các địa phương, gia đình trong và ngoài huyện có nhu cầu sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Do diễn biến bất thường của thời tiết nên năm nay mưa nhiều, cây trồng có nơi bị ngập úng, ở một số vùng trồng cam canh, bưởi diễn của Hà Nội đã ít nhiều bị ảnh hưởng.

Trong khi thanh long trái vụ đang được nông dân bán với giá từ 12.000 đồng đến 14.000 đồng/kg, thì tại xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), một số người dân chỉ bán được 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân của tình trạng này là do bệnh đốm trắng đang gia tăng trên hầu hết diện tích thanh long của họ...

Nông dân Bình Thuận đang phát triển mô hình trồng đậu phộng dại thay thế rơm rạ phủ vườn thanh long. Đây là loài cây có thời gian sinh trưởng khá dài, từ 1 - 5 năm và có khả năng chống xói mòn, khống chế sự phát triển cỏ dại để lại nguồn hữu cơ cho đất và cây trồng.

Nông dân trồng vú sữa ở Tiền Giang, đang bước vào vụ thu hoạch vú sữa nâu sớm với niềm vui bán được giá cao, thị trường tiêu thụ rộng mở và người tiêu dùng ưa chuộng. Theo chị Ngô Thị Nhu, chủ vựa trái cây Dũng Nhu ở chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết: Vú sữa nâu được bán ở chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim với giá khoảng 420.000 đồng/chục (14 trái). Do vú sữa đầu mùa xuất hiện ít, nên phương thức mua bán được tính theo trái chứ không theo chục như chính vụ, tương đương 30.000 đồng/trái (loại trên 400 gam/trái). Giá này cao hơn chính vụ từ 8 đến 10 lần. Với mức giá trên, nhà vườn trồng vú sữa nâu thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/ha.

Trong 3 năm từ 2010 – 2013, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng phối hợp với dự án Jica – Sofri triển khai thực hiện dự án “Cải thiện hệ thống khuyến nông để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt cho nông dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long” tại huyện Kế Sách. Sau hơn 3 năm thực hiện, mô hình đã thu được kết quả khả quan.