Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Nấm Sò Có Thể Làm Giàu

Trồng Nấm Sò Có Thể Làm Giàu
Ngày đăng: 12/02/2015

Đó là khẳng định của vợ chồng chị Vũ Thị Tươi và anh Sin Sao Lù, trú tại tổ 4, thị trấn Cốc Pài, chủ cơ sở sản xuất và chế biến nấm Sò ở huyện Xín Mần.

Là một nông dân ở tỉnh Thái Bình, chị Tươi kết duyên với anh Lù ở Tuyên Quang nhưng quê gốc xã Tả Nhìu (Xín Mần). Cuộc sống khó khăn, 2 năm trở lại đây, chị Tươi cùng chồng quyết định về quê hương Xín Mần tìm cách làm ăn, phát triển kinh tế. Ban đầu anh chị làm công nhân cho Công ty VinaFood nằm trên địa bàn huyện, chuyên thực hiện các dự án, mô hình trồng rau, nấm...

Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả, năm 2013 công ty phá sản. Với 2 năm kinh nghiệm tích lũy được và nhờ sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, tháng 8.2014, vợ chồng chị Tươi xây dựng cơ sở trồng và chế biến nấm Sò tại tổ 4, thị trấn Cốc Pài. Cho đến nay, vợ chồng chị đã đầu tư hơn 120 triệu đồng thuê hơn 100m2 mặt bằng làm địa điểm trồng nấm và đã trồng 8.000 bịch nấm.

Hầu hết số bịch nấm giống gia đình chị nhập từ một cơ sở sản xuất của người quen ở tỉnh Thái Nguyên với giá thành 20.000/bịch (tính cả công vận chuyển). Theo cán bộ khuyến nông thị trấn Cốc Pài cho biết: Nấm khi bắt đầu được cấy phôi, với thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch hiệu quả. Nếu chăm sóc tốt mỗi bịch nấm có thể cho thu hoạch tối đa trong vòng 4 tháng.

Cùng cán bộ khuyến nông thị trấn Cốc Pài tham quan cơ sở sản xuất nấm của chị Tươi, chúng tôi không khỏi bất ngờ với những gì chị Tươi chia sẻ: Chỉ sau 3 tháng nấm cho thu hoạch, mỗi ngày tôi và chồng có thể hái được từ 30 đến 50 kg nấm. Cho đến nay cơ sở của tôi đã xuất bán ra thị trường gần 3 tấn nấm, với giá thành 50 nghìn đồng/kg đổ buôn và 60 - 70 nghìn đồng/kg bán lẻ, chúng tôi đã thu đủ số vốn bỏ ra và cơ bản đã có lãi.

Trong khi 8 nghìn bịch nấm của gia đình tiếp tục được thu hoạch trong khoảng 1 tháng nữa mới phải thay, cho đến lúc đó chắc chắn sẽ còn hái thêm được cả tấn nấm nữa và sẽ lãi thêm hàng chục triệu đồng. Cũng theo chị Tươi, trồng nấm không khó, công chăm sóc chủ yếu là tưới nước sạch để đảm bảo các bịch nấm không bị bệnh.

Vì vậy cho đến nay, dù trồng hàng nghìn bịch nấm nhưng chị chưa phát hiện ra bịch nào bị bệnh và hỏng. Bên cạnh đó, để có được những cây nấm tươi, ngon thì phải hiểu, nắm chắc và thường xuyên theo dõi thời tiết, thời gian sinh trưởng của cây nấm để có biện pháp chăm sóc (tưới nước), thu hái hợp lý.

Theo kinh nghiệm những người trồng nấm và kỹ thuật trồng nấm thì cây nấm chủ yếu phát triển về đêm và thời gian phát triển thường tính bằng giờ chứ không bằng ngày như những loại cây khác. Cho nên người nắm được kiến thức trồng nấm sẽ có thể thu hoạch được sản lượng nấm lớn và chất lượng.

Mặc dù mới đầu tư trồng nấm và thu hoạch chưa đến 4 tháng, ngoài thị trường huyện Xín Mần, cơ sở sản xuất nấm của chị Tươi đã mở rộng thị trường cung cấp nấm cho các huyện Hoàng Su Phì, Quang Bình và Bắc Hà (Lào Cai). Chị Tươi cho biết, nếu trồng nấm với số lượng lớn chắc chắn sẽ làm giàu được từ cây nấm.

Vì vậy, trong năm 2015, gia đình chị tiếp tục sẽ trồng thêm khoảng 4 nghìn bịch nấm nữa và đầu tư thiết bị tự sản xuất bịch nấm giống để giảm thiểu chi phí và cung cấp cho các địa phương, gia đình trong và ngoài huyện có nhu cầu sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng bưởi da xanh Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng bưởi da xanh

Nhiều hội viên nông dân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành cảm phục mỗi khi nhắc đến ông Phan Văn Thành (SN 1939), nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã bởi sự năng động, nhiệt tình trong công tác Hội Nông dân, nhạy bén trong phát triển kinh tế.

15/05/2015
Hiệu quả tổ sản xuất giống ở xã Mỹ Hòa Hiệu quả tổ sản xuất giống ở xã Mỹ Hòa

Vụ lúa đông xuân năm nay, 40 hộ dân trong Tổ sản xuất giống ấp 2, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười rất phấn khởi khi thu hoạch lúa trúng mùa, trúng giá. Đó chính là kết quả mà những hộ nông dân này gặt hái được khi tham gia cánh đồng liên kết sản xuất giống với Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang.

15/05/2015
Người nông dân dám nghĩ, dám làm Người nông dân dám nghĩ, dám làm

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, ông Phan Văn Nguyên ở ấp 2, xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh từng bước xây dựng mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

15/05/2015
Phê duyệt danh mục Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Phê duyệt danh mục Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

15/05/2015
Nghề cắt hom tràm thuê Nghề cắt hom tràm thuê

Giữa cánh đồng tràm giống cao sản rộng trên 3 hécta ở KP.4, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, cụ bà Hoàng Thị Vẻ nay đã 75 tuổi với nước da đen sạm đang chậm rãi cắt từng nhánh tràm non (hay còn gọi là hom tràm) giữa trời nắng nóng. Bà Vẻ cho biết, bà theo những người ở cùng KP.4 đi cắt hom tràm thuê được gần 4 năm nay, ngay từ lúc nghề này mới bắt đầu phát triển.

15/05/2015