Trồng Nấm Sạch Cho Thu Nhập Cao

Ngoài 2 vụ lúa chính trong năm, 5 năm trở lại đây gia đình chị Nguyễn Thị Toàn, thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng nấm sạch.
Ban đầu với vốn kiến thức được học từ lớp dạy nghề trồng nấm do xã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức, gia đình chị nhận thấy mô hình trồng nấm sạch rất phù hợp với điều kiện làm nông nghiệp. Không những tận dụng thời gian nông nhàn mà điều quan trọng việc mở rộng trồng nấm tận dụng được nguồn rơm rạ sẵn có.
Từ mô hình thủ công, mỗi lần gia đình chị sản xuất khoảng 1.000 bịch nấm, sau khi có kinh nghiệm cộng với hiệu quả mang lại, đến nay, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất nấm với 1 lò sấy trị giá hơn 40 triệu đồng; xây mới 3 xưởng sản xuất nấm và tích trữ nhiều nguyên liệu trồng nấm như rơm, mùn cưa, củi để đốt cho khâu sấy bịch nấm…
Theo chị, quy trình trồng nấm đòi hỏi người trồng phải có kiến thức, nắm chắc từng bước, trong các bước thì vấn đề vệ sinh, diệt khuẩn là quan trọng nhất, quyết định đến năng suất nấm.
Bắt đầu từ khâu ủ rơm, ngâm nước vôi, để ráo nước, 3 ngày đảo một lần rồi cho ra băm và ủ với mùn cưa. Khi đóng bịch không quá chặt để tạo độ thoáng cho nấm phát triển thuận lợi. Tiếp đó là bước sấy trong 12 tiếng, nhằm bảo đảm độ sạch bệnh, tiệt trùng.
Cuối cùng là tra giống và khi nấm ăn trắng thì treo và chăm sóc đúng kỹ thuật. Theo chị Nguyễn Thị Toàn, khâu sấy rất quan trọng, tỷ lệ cho nấm sẽ cao hơn nhiều so với làm thủ công. Từ lợi ích của lò sấy nấm nên hiện nay gia đình chị có thể sản xuất nấm quanh năm, thay vì 3 tháng như trước kia.
Trong xưởng sản xuất của gia đình chị hiện nay có khoảng 3.000 bịch nấm, lần lượt các lứa nấm kế tiếp sinh sôi. Mỗi ngày chị thu được từ 20-30 kg nấm, với giá bán ra thị trường từ 35.000 đ/kg trở lên. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu được từ 120 đến 130 triệu đồng.
Sản xuất nấm không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn giúp thị trường tiêu dùng có nguồn thực phẩm sạch, không thuốc hóa học trong quy trình sản xuất, bởi nấm là cây ưa sạch. Sản phẩm nấm bảo đảm an toàn và dinh dưỡng cao. Chị cho biết, hiện nay trên thị trường nhu cầu về nấm rất lớn, có thể bán buôn, bán lẻ nên vấn đề tiêu thụ không khó khăn.
Nguồn bài viết: http://baobacninh.com.vn/news_detail/84963/trong-nam-sach-cho-thu-nhap-cao.html
Có thể bạn quan tâm

Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì mô hình nuôi cá ao tự nhiên ở huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đang phát triển, được nhiều nông dân hưởng ứng và muốn nhân rộng. Thế nhưng, bên cạnh hiệu quả đem lại thì bà con nuôi cá đang phải đối mặt với nỗi lo canh cánh về đầu ra sản phẩm.

Sau 2 năm triển khai dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi”, Trung tâm Giống thuỷ sản Quảng Ngãi đã sản xuất thành công ốc hương giống, góp phần cung cấp nguồn ốc giống đảm bảo chất lượng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên đàn gia súc, gia cầm thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu, không những giúp người chăn nuôi bảo vệ được gia cầm của gia đình mà còn bảo đảm được vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đu đủ là loại cây trồng quen thuộc của người dân nông thôn. Nhưng không có nhiều người biết đu đủ là loại cây trồng có thể “đổi đời” cho một số hộ nông dân. Trường hợp như gia đình anh Nguyễn Văn Mít, ở xã Tân Bình, huyện Tân Biên (Tây Ninh) là một thí dụ. Với trình độ văn hoá chỉ mới lớp 7, anh Nguyễn Văn Mít gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm một nghề để mưu sinh.

Từ tháng 3 đến tháng 5 (Âm lịch) là vào mùa thu hoạch đu đủ ở xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ - Bình Định). Những ngày này, nông dân trong xã tấp nập thu hái đu đủ và đưa sản phẩm đến bán ở các điểm thu mua của thương lái dọc theo quốc lộ 1A trên địa bàn xã.